Có những nhóm sinh viên từ các trường đại học đang thực hiện những chương trình hướng nghiệp, giúp các “đàn em” có một cái nhìn thực tế, sâu sát hơn khi chọn lựa ngành nghề.
Lâu nay, nhắc đến chuyện hướng nghiệp cho học sinh, nhiều người thường chỉ nghĩ đến các bậc cha mẹ, thầy cô và các chuyên gia tư vấn. Tuy nhiên hiện nay, một số nhóm sinh viên năng động đã cùng quy tụ lại, lên kế hoạch cụ thể, xin ý kiến từ phía các trường học để tổ chức những buổi giao lưu, hướng nghiệp cho thế hệ đàn em. Hình thức này lúc đầu còn lạ lẫm với nhiều học trò do lâu nay, các em thường tin tưởng thầy cô mình nhất, nhưng dần dần, nhiều em đã tìm thấy sự gần gũi, cảm thấy dễ hình dung hơn con đường chọn lựa của mình từ những anh chị đi trước. Nguyễn Ánh Minh, thành viên nhóm Ban Mai (trường Đại học Kinh tế TPHCM) cho biết, để tạo sự hứng thú cũng như cung cấp được nhiều thông tin cho các bạn học sinh, các sinh viên ở những trường đại học khác nhau phải cùng liên kết lại.
![]() |
Việc này ban đầu có vẻ khớp vì thật sự họ không thân thiết, nhưng khi tham gia một số chương trình ở vài điểm, các bạn trẻ này đã biết nhau và cảm thấy trân trọng nhau hơn. Họ cùng đan xen với nhau để phục vụ nhiều điểm trường trên địa bàn TPHCM. Theo dự kiến, những năm tới, các nhóm sẽ tiến hành đi về các tỉnh miền Tây, miền Đông để giúp cho nhiều học sinh hơn nữa. Điểm đặc biệt và thú vị mà các nhóm tư vấn hướng nghiệp này mang lại, đó chính là chia sẻ cho học sinh những gì mang tính thực tế và trải nghiệm từ bản thân mình. Dựa vào các ngành mà các em học sinh chọn, những nhóm sinh viên này sẽ chia ra từng đội nhỏ, mỗi đội sẽ làm một chương trình thực tế về ngành nghề ấy. Sau khi chia sẻ những trải nghiệm, các em sẽ rút ra được những bài học và có ý định chọn nghề đó cho tương lai hay không.
![]() |
Với sự hỗ trợ từ các anh chị đi trước, mỗi nhóm nghề sẽ được trải qua những thử thách. Chẳng hạn như những ai có niềm đam mê Kiến trúc, ngoài việc được tham khảo các tác phẩm hội họa, những bức vẽ từ thực tế do anh chị thực hiện tại chỗ, các em phải thể hiện khả năng tư duy, nhìn nhận mọi góc độ và phát huy năng khiếu của mình qua những đề thi gần giống như đề thi đại học. Nhiều học sinh đã vỡ lẽ “đời không như là mơ” khi tham gia buổi giao lưu hướng nghiệp đặc biệt này tại trường mình, nhất là qua các trạm thử thách. Em Nguyễn Bá Luân (lớp 12 trường THPT Hùng Vương, quận 5 - TPHCM) thật thà khoe: “Khi được chia sẻ và tham gia trải nghiệm, em nhìn nhận được một điều rằng, yêu thích và sở trường với một nghề không hẳn là một. Ví dụ, thích hội họa nhưng có khi lại chẳng có sở trường này. Cũng may từ chương trình này mà em mới biết được mình không phù hợp với ngành Kiến trúc…”. Còn với những học sinh mê kinh doanh, các em được tham gia thử thách với trạm ngành Kinh tế, được biết là để có lợi nhuận, trước hết phải bỏ vốn và phải biết tính toán làm sao chọn nguồn sản phẩm không bị đụng hàng với người khác. Ngoài ra, cả nhóm còn phải đưa ra nhiều hình thức quảng cáo để thu hút và thuyết phục người mua.
Chiến lược quan trọng mà nhóm cảm thấy mệt mỏi nhất đó chính là tính toán để nguồn hàng phải bán sao cho có lời dù ít hay nhiều. Chưa kể đến chuyện hàng bị ế, phải có chương trình khuyến mãi ra sao... “Từ việc làm tưởng chừng đơn giản này thì các em mới hiểu được rằng, điểm bắt đầu của người học Kinh tế có khi phải là nhân viên, người bán hàng, chứ không phải là được làm giám đốc hay người quản lý. Hầu hết các em đều nghĩ, tốt nghiệp đại học thì đã được đào tạo kỹ, chỉ việc cầm tấm bằng trên tay là có thể làm ông này bà kia, mà thực sự để làm được điều đó là phải đi từ thấp đến cao”, sinh viên Nguyễn Thanh Tùng - nhóm trưởng của ngành Kinh tế cho biết.
![]() |
Ở ngành sân khấu, nghệ thuật, học sinh được thấy rằng đằng sau những hào quang lấp lánh là những buổi luyện giọng đến cháy khô cả cổ; là tập khóc, tập cười, tập xử lý hàng tá những tình huống bất ngờ, khó đỡ khác. Ngoài ra, chuyện giữ giọng sao cho tốt, kiêng cữ các thức ăn, nước uống nóng lạnh và buộc phải giữ mình tránh các scandal tai tiếng... Với những bạn yêu thích ngành quảng cáo, truyền thông... cũng đã hiểu được thế nào để thực hiện một quảng cáo cho thật lung linh hay những trải nghiệm nào sẽ gặp khi tác nghiệp một đề tài báo chí... Quan tâm và nằm trong nhóm yêu thích làm quảng cáo, Đinh Thị Bích Ngọc (lớp 12 trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa, quận 1 - TPHCM) chia sẻ: “Ban đầu cả nhóm cứ nghĩ đề tài mà các anh chị đưa ra khá dễ. Nhưng khi làm thì không như vậy, khi quay hình xong các mẫu sản phẩm thì cả nhóm đều không hài lòng, sau đó phải bàn bạc lại kỹ hơn, từ khâu lên kịch bản, chọn “diễn viên” và người quay. Chưa kể đến chuyện phải quay đi quay lại nhiều lần để chọn thước phim đẹp nhất, rồi mỗi người còn giữ một việc, người phụ đề, người lồng tiếng, người chịu trách nhiệm hình ảnh…”. Thực tế vào công việc như thế, nhóm của Ngọc nhận ra, chỉ thực hiện một đoạn quảng cáo ngắn nhưng sao cho ấn tượng, quả không đơn giản. Vì thế, học và theo nghề cũng đòi hỏi không chỉ yêu thích mà còn phải có sự sáng tạo và kiên nhẫn...
Dù chỉ là một sự gợi mở cho việc chọn lựa ngành nghề nhưng hình thức hướng nghiệp này của các bạn trẻ cũng đã nhận được sự ủng hộ của nhiều học sinh. Không phải là PR hay đơn thuần giới thiệu về một trường đại học như một số chương trình khác, những người trẻ này đã cho thế hệ đàn em nhìn nhận một cách thực tế hơn về ngành nghề mình chọn. “Một hình thức hướng nghiệp mang tính thực tế rất cao. Tuy em chỉ học lớp 11 nhưng vẫn hăng hái cùng cả lớp tham gia vì đây là thời điểm chúng em có rất nhiều phân vân trước những lựa chọn nghề nghiệp. Mong những sự kiện như thế sẽ giúp được nhiều bạn hiểu thêm về các ngành nghề để có hướng lựa chọn đúng đắn cho tương lai…”, Nguyễn Thị Bích Diệp (lớp 11 trường THPT Gia Định – TPHCM) phát biểu sau một buổi được “tư vấn hướng nghiệp” từ các anh chị sinh viên.
Võ Gia
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.