Thứ Sáu, 17 Tháng Bảy, 2015 17:05

Mừng thôi nôi trong gia đình

Khi con trẻ tròn một tuổi, các bậc cha mẹ thường đánh dấu bước ngoặt của con bằng sự kiện tổ chức “thôi nôi”, xem như từ nay con không còn nằm nôi nữa mà đã sang một giai đoạn mới. Tùy mỗi gia đình và hoàn cảnh mà thôi nôi cho con được tổ chức hoành tráng hay đơn giản.

Thi thoảng, gia đình tôi lại có người hàng xóm gõ cửa, biếu một dĩa xôi, chén chè gọi là chia sẻ niềm vui mừng thôi nôi của con họ. Mà không phải chỉ riêng nhà tôi, những láng giềng khác cũng được nhận chút hương hoa ấy. Dường như sự chia sẻ này đã trở thành một tục lệ, như một sợi dây liên kết tình cảm đáng quý trong xóm nhỏ của tôi. Ngoài việc nấu xôi chè mang biếu người thân quen, người ta còn mua đồ chơi hoặc bày dụng cụ tượng trưng cho các nghề nghiệp trong xã hội để đoán đứa bé sẽ làm gì trong tương lai tuy phần lớn đều cho rằng, chuyện này chỉ mang tính chất vui vui chứ không hẳn là sẽ đúng.

Chị Nguyễn Thị Tuyết 26 tuổi (ngụ quận 3, TPHCM) có con mới 6 tháng tuổi nhưng đang nuôi phần hụi để có tiền mừng thôi nôi cho con khi đầy năm. Chị cho biết: “Gia đình tôi tổ chức thôi nôi đơn giản thôi. Chỉ nấu xôi chè gởi bà con rồi nấu vài món mặn như lẩu, chả giò, gỏi...mời các thành viên hai gia đình và bạn bè đến chung vui. Chúng tôi dự kiến tất cả chỉ vài triệu đồng thôi. Ngoài ra cũng chụp vài tấm hình bỏ album để sau này con lớn lên cũng biết mình được yêu thương chăm sóc từ nhỏ”. Khi hỏi chị có tin bé chọn món đồ gì sẽ là nghề của bé không, chị Tuyết cười tươi cho rằng cứ làm như mọi người. Nếu nó “bắt” ống nghe của bác sĩ hoặc cây bút thì cứ vui. Còn nó bắt cây kéo, cái cờ lê của thợ cũng chẳng sao. Vui thôi mà. Làm thợ cũng tốt vậy.

 

Với chị Phạm Ngọc Như, 30 tuổi (ngụ quận 5, TPHCM) thì thích tổ chức thôi nôi cho con tại nhà hàng bởi nhà chị hơi chật, vả lại cũng không có nhiều thời gian để tự nấu nướng. Nhưng chị cũng đặt xôi chè và chia ra từng phần để mang đi biếu người thân, họ hàng, xóm giềng... “Chúng tôi đặt tiệc ở một nhà hàng nhỏ thôi, đủ để gia đình, bạn bè cùng chung vui...”, chị nói và còn hớn hở khoe sẽ đưa hình thôi nôi của con lên facebook để mọi người xem và cùng chia sẻ hạnh phúc. Cũng tương tự chị Tuyết, chị Như mua đồ chơi và chuẩn bị các dụng cụ tượng trưng cho nghề nghiệp sau này. Chị cho rằng, dù chỉ là tục lệ nhưng cũng khiến ba mẹ vui khi con mình bắt quyển tập, cây viết...hơn là bộ bài, gói thuốc lá hoặc chai rượu!

Vợ chồng anh chị Hoàng Long cùng là công nhân nhập cư từ Quảng Nam vào TPHCM, thu nhập ít, phải thuê nhà trọ nhưng cũng muốn lưu lại cho con dấu ấn của ngày tròn một tuổi. Song với hoàn cảnh của mình, họ chỉ làm bữa cơm mời bạn bè thân quen. Hai vợ chồng tự lui cui nấu xôi chè biếu hàng xóm thân trong khu trọ. Họ dùng điện thoại di động của mình để chụp vài tấm ảnh kỷ niệm cho con. Đơn giản vậy mà cũng rất vui. Khi hỏi về các khoản “chọn nghề”, vợ anh Long cười tươi: “Làm gì có tiền mua dụng cụ hay đồ chơi tượng trưng cho nghề nghiệp. Chúng tôi mua vài hộp bút chì màu, vì trước sau gì con tôi cũng dùng đến. Sau đó, vợ chồng cùng dán mẩu giấy nhỏ lên từng cây bút ghi những nghề nghiệp như bác sĩ, giáo viên, kỹ sư, thợ may, công nhân... để con chọn. Chủ yếu là vui thôi và có chút gì để nhớ khi con lớn lên”.

 

Những tấm ảnh lưu lại sự kiện thôi nôi quả thật đã trở thành kỷ vật quý với nhiều người khi lớn lên. Anh Bình Tâm, 30 tuổi (quận 10, TPHCM) là một trong số những người từng có hình thôi nôi và vẫn giữ mãi đến tận hôm nay. Anh chia sẻ với giọng thật cảm động: “Lúc học tiểu học, mẹ cho xem hình thôi nôi của tôi chụp có cả ông bà nội ngoại. Tôi ngồi giữa mọi người bên chiếc bánh kem nhỏ. Khi ấy, tôi đã thấy rất cảm động. Sau này, ông bà nội đã mất, càng lớn nhìn lại những bức ảnh cũ thấy càng cảm động và rất nhớ ông bà...”. Anh Phước Lộc, 32 tuổi (ngụ huyện Định Quán, Đồng Nai) thổ lộ, mỗi lần khoe bạn bè ảnh thôi nôi của mình ngày xưa, anh rất vui và hãnh diện. “Mình từng hạnh phúc như thế thì cần sống tốt để phụng dưỡng ba mẹ khi về già và yêu thương con cái hết mực như mình từng được yêu thương.”, anh nói.

Chính qua những hình ảnh thôi nôi lưu lại mà nhiều người đã thấy được lúc nhỏ, cha mẹ - ông bà đã quan tâm yêu thương mình thế nào. Và người ta lại tiếp tục duy trì việc tổ chức thôi nôi cho con cháu mình như một “tục lệ” đẹp.

HOÀNG HẠC

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm