Hầu như gia đình nào cũng từng có ít nhiều những bữa ăn không chỉ với các thành viên trong nhà mà còn có những vị khách do chính gia chủ mời hoặc đôi khi là bà con, họ hàng, bạn bè ở xa đến thăm. Những bữa ăn này, dù đơn sơ hay cầu kỳ, phần lớn cũng đều được người nội trợ chăm chút hơn bình thường.
1. Nằm trong số những gia đình ít tổ chức tiệc tùng, liên hoan nhưng nhà chị Linh Thanh (Q.Tân Bình, TPHCM) thỉnh thoảng vẫn có những bữa ăn đặc biệt. Đó là những dịp có khách, khi thì Việt kiều về chơi, khi thì bạn bè của các thành viên trong nhà. Gần đây nhất, hai mẹ con dì Út của chị Thanh từ Đồng Nai xuống Sài Gòn có việc, nhân tiện đã đến thăm và dùng bữa trưa với gia đình chị. Kể về việc chuẩn bị những món ăn đãi khách, chị nói: “Các bữa ăn ở nhà tôi khi có khách cũng thường chỉ là bữa cơm gia đình với các món mặn, xào, rau... Có điều được chuẩn bị tươm tất hơn ngày thường, từ khâu đi chợ đến nấu nướng và bày biện”. Là người nội trợ chính trong nhà, chị Thanh vẫn nhớ bữa cơm đón người chú từ Mỹ về cách đây mấy năm, chỉ với vài món đơn giản, thuần Việt nhưng “khách” lại ăn rất ngon miệng, đặc biệt là món mực xào dưa leo, cà chua: “Lần ấy, chú tôi gắp món này nhiều nhất nên mình cũng thấy vui vui với cảm giác đã nấu được món ăn hợp khẩu vị với người xa quê lâu ngày như chú. Món này khi dọn lên đĩa trông rất bắt mắt vì màu xanh của dưa leo, kết hợp màu đỏ của cà chua, màu vàng của thơm…”. Còn bữa trưa đãi hai mẹ con dì Út cũng khá đơn giản với món cá bông lau kho tiêu, thịt bò xào đậu côve và rau muống luộc. Gặp hôm vào mùa nóng nên đĩa rau luộc trở thành món hấp dẫn nhất.
Dù đơn sơ hay cầu kỳ, những bữa đãi khách tại nhà đều được người nội trọ chăm chút hơn bình thường |
2.Chị Bích Phương ở tuổi trung niên, sống độc thân trong căn nhà nhỏ tại quận Tân Phú (TPHCM) vẫn hay mời bạn bè tới chơi, cùng ăn uống vào các dịp lễ. Chị thường chuẩn bị trước thực đơn và đi chợ rồi về tự tay nấu nướng. Có lần thì làm món vịt nấu chao ăn với bún, có hôm lại nấu cà ri gà dùng kèm bánh mì hay đôi khi là món bánh tráng cuốn thịt luộc và tôm... Theo chị, lâu lâu có dịp được đổi món cùng vài người bạn thân, thay cho những bữa cơm thông thường, cũng hay. Tuy hơi cực trong khâu chuẩn bị nhưng khi dọn lên ăn, có người này người kia, lại thấy vui vui. Cách nhà chị Phương không xa, gia đình chị Vũ Hồng thỉnh thoảng cũng đãi khách với những món ăn đặc biệt hơn ngày thường như bún chả giò, mì xào bò, ragu gà... do chính tay chị Hồng chế biến. Để mọi thứ được tươm tất cho ngày khách đến, có khi chị phải chuẩn bị nguyên vật liệu sẵn sàng từ hôm trước. Theo chị, “Nhiều người hay mời khách ra quán nhưng với tôi, nấu ăn ở nhà lại là cái thú, hơn nữa, khi mình tự làm thì an tâm hơn về khoản vệ sinh thực phẩm và cũng tiết kiệm được nhiều chi phí. Tất nhiên, để có được một bữa ăn ngon, người nội trợ phải có thời gian thong thả. Nấu nướng là một nghệ thuật, cũng cần có niềm yêu thích mới chu đáo được”.
Vào những dịp lễ lạt, gia đình ông bà Minh - Chi (Q.Bình Thạnh, TPHCM) lại có những bữa ăn ngoài trời rất vui cùng một số khách mời thân quen. Do khoảng sân vườn trước nhà khá rộng nên có khi ông bà làm buffet; có khi lại tổ chức một bữa tiệc nướng, gia chủ và khách cùng nhau nướng thức ăn trên những vỉ than hồng. Những dịp này, ngoài món ăn, bao giờ ông Minh cũng chuẩn bị một, hai chai rượu vang để mọi người cùng nâng ly. Cũng có lần khách đến mang thêm thùng bia hay ký đậu phộng rang, vài con khô mực, ít trái cây... góp cho bữa ăn thêm phong phú.
Không chỉ là ăn uống, đãi khách còn có niềm vui sự họp mặt, chuyện trò |
3.Phần lớn các gia đình, người phụ nữ thường là những đầu bếp luôn tất bật khi trong nhà đãi cơm hoặc có tiệc mời khách. Tuy nhiên, cũng không thiếu nhà mà các đấng mày râu đứng ra chủ trì chuyện nấu nướng. Các anh tỏ ra rất rành trong việc chế biến những món nhậu và vào bếp tự tay làm lụng, lúc này cánh chị em chỉ phụ việc như rửa chén, lặt rau, đi chợ mua thêm gia vị khi cần. Nói về chồng mình, chị Thúy Hạnh (Q.Bình Tân, TPHCM) cười tươi: “Các bữa cơm hằng ngày, hầu như ông xã tôi ít nhúng tay vào, nhưng khi có khách tới chơi, anh ấy trổ tài nấu ăn rất khéo, làm hết món này tới món kia, nhất là những món nhậu thì khỏi chê. Vì thế, tôi không phải lo lắng gì nhiều trong chuyện nấu ăn đãi khách, mình chỉ phụ vòng ngoài...”. Còn anh Vinh Hoàng, chồng chị Hạnh thì dí dỏm khoe, sở dĩ anh nấu ăn có phần nổi trội vì đã thừa hưởng “gien di truyền” của cha mình, hồi thời trẻ ở quê, ông từng đi phụ nấu đám tiệc cho nhiều nhà trong làng. Mỗi khi nhà có khách khứa, tổ chức ăn uống, ông vẫn đảm nhiệm vai trò đầu bếp chính. Cũng nằm trong số những chị em có chồng biết nấu nướng, chị Bằng Lăng (Q.Thủ Đức, TPHCM) cho hay, cứ vài tháng một lần, ngôi nhà nhỏ của gia đình chị lại đón các bạn bè của hai vợ chồng đến chơi và thường lần nào cũng có món gì đó đãi khách: “Có khi chỉ với một nồi lẩu Thái, lẩu hải sản do ông xã mình ‘tự biên tự diễn’ mà mọi người vui vẻ, chuyện trò từ chiều đến khuya…”.
4. Hiếu khách là một trong những đặc tính thể hiện nét văn hóa trong giao tiếp của người Việt. Không chỉ trong những ngày nghỉ lễ mà bất cứ lúc nào có thể, từ việc chuyển nhà, tân gia, sinh nhật, thôi nôi, mừng thọ, xả stress hay với các gia đình Công giáo kỷ niệm ngày con rửa tội, rước lễ lần đầu, chịu phép thêm sức... đều là dịp để người ta mời khách đến nhà ăn uống. Chuyện ăn đôi khi không bao nhiêu mà chủ yếu là gặp mặt để hàn huyên, tâm sự, thăm hỏi nhau. Nhưng không vì thế mà gia chủ coi thường bữa ăn. Trên một số diễn đàn của các chị em hay trên mạng xã hội, thỉnh thoảng lại có vài câu hỏi từ những bà nội trợ, xin được tư vấn, đại loại như “Cuối tuần này, ông xã em mời các đồng nghiệp về nhà dùng bữa cơm thân mật, khách hầu hết là người miền Nam, em phải lên thực đơn thế nào cho hợp lý, phù hợp với khẩu vị của mọi người đây? Mong các chị giúp em với” hay “Thứ tư này, em tính làm một bữa tiệc nhỏ mời các bạn nước ngoài cùng học chung tới ăn, xin các chị tư vấn giúp xem em nên chuẩn bị những món gì?”; “Tuần sau, anh của chồng em lên chơi, các chị chỉ em vài món ăn đãi khách cho thời tiết oi bức này với!”... Không chỉ tham khảo ý kiến từ những ai có kinh nghiệm, người nội trợ thời công nghệ còn lên mạng “sợt” các công thức của những món mới để làm cho bữa ăn thêm phần đặc biệt. Có thể thấy được ít nhiều nỗi lo của các chị em trong khâu chuẩn bị, tất cả cũng vì mong muốn cho buổi tiếp đãi tại nhà được chu đáo, tươm tất, để khách không chỉ cảm thấy ngon miệng mà còn lưu giữ hình ảnh đẹp về sự quan tâm, hiếu khách của gia chủ. Bữa ăn không đơn thuần là cuộc vui mà còn thể hiện tấm lòng giữa người với người.
LIÊN GIANG
Bình luận