Thời còn đi dạy, ấn tượng nhất của tôi về một cậu học trò của mình là năm em học lớp 12, trong khi các bạn háo hức lẫn hồi hộp cho kỳ thi đại học, em đủng đỉnh xin về tiệm xe của người chú ruột học nghề sửa xe. Mọi người cản ngăn, trong đó có tôi. Tôi khuyên em hãy cứ thi đại học, đậu rớt tính sau. Em thì biết rõ sức học của mình đến đâu nên xác định ngay từ đầu sẽ làm thợ. “Nếu có học đại học mà ra trường với cái bằng tốt nghiệp loại bình cũng khó xin việc trong thời buổi đầy cạnh tranh này. Em học làm thợ sửa xe coi như có việc phân nửa rồi. Sau 6 tháng có thể thành thợ với tay nghề kha khá. Đến 4 năm sau, tay nghề em đã giỏi và có thề là thợ chính”, em tâm sự.
![]() |
5 năm trôi qua, tình cờ cô trò gặp lại nhau, giờ em đã là một người thợ lành nghề với thu nhập trung bình 200 ngàn đồng/ngày. Em đã tự lập bằng đôi tay của mình và đang tính trong tương lai, sẽ tự mở một tiệm sửa xe tại trung tâm thành phố.
Nhắc về bạn bè cùng lớp xưa, em cho biết đa số vào đại học và hơn phân nửa đang “chờ việc làm”. Một số bạn học cao lên với hy vọng dễ tìm việc hơn, số khác xin tiền ba mẹ đi du học để tìm cơ hội sau khi về nước... Em tỏ ra rất hãnh diện và tự tin với quyết định của mình ngày nào: “Giờ đây, ngoài lo cho bản thân, hằng tháng em còn giúp gia đình một số tiền lo cho em gái đang học cấp hai. Ba mẹ em phần nào cũng nhẹ gánh hơn”.
Cậu học trò bé nhỏ xưa, giờ đã chững chạc hẳn. Từ giã em, trên đường về, tôi vẫn cứ văng vẳng lời em nói: “Ai cũng muốn làm thầy thì trong xã hội người nào làm thợ đây? Là một thợ lành nghề cũng tốt chứ cô nhỉ!”.
HOÀNG HẠC
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.