Thứ Năm, 26 Tháng Mười Một, 2015 16:15

Người thầy lớn

Mẹ tôi là cô giáo dạy văn cấp II. Tuổi thơ tôi đã trải qua nhiều kỷ niệm gắn với nghề của mẹ. Vùng ký ức đó thân thương đến nỗi khi lớn lên, mỗi lần nhớ về tôi lại thấy bồi hồi khó tả.

Lúc nhỏ, tôi không bao giờ có thiện cảm được với ba chữ “soạn giáo án”. Những buổi tối trong tuần, tôi luôn luôn “khổ sở” vì mẹ soạn giáo án rất khuya nên không thể vào ngủ cùng một lúc với tôi được. Đốt một khoanh nhang muỗi, rót ly trà ấm, mẹ ngồi vào bàn cặm cụi với từng con chữ. Đầu hôm, tôi nhắc một cái ghế con đến ngồi cạnh mẹ bày tập ra vẽ linh tinh, đến khi đã mỏi mệt rồi thì bỏ cả ghế, bệt xuống đất mà ôm chân mẹ đến ngủ lúc nào cũng chẳng hay. Sáng tỉnh dậy đã thấy mình nằm ở giường. Nhiều lần ngủ quên như vậy được mẹ bồng vào, giữa đường thì tỉnh nhưng lại vờ ngủ tiếp.

Còn nhớ năm lớp 1, có hôm đi dạy mẹ dẫn tôi theo, cho vào “học cùng” các anh chị lớp 6. Buổi đó, lớp học bài “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ”. Khi mẹ tôi cất cao giọng đọc bài thơ, cả lớp im phăng phắc. Tôi ngồi lọt thỏm ở góc lớp, ôm quyển vở lớp 1 của mình bỡ ngỡ lắng nghe. Mặc dù không hiểu được bao nhiêu nhưng những hình ảnh trong lời thơ lúc đó đã âm thầm len lỏi vào tâm hồn bé dại, để rồi về sau khi có dịp đọc lại bài thơ này của Nguyễn Khoa Điềm, trong lòng tôi lại sống dậy bầu không khí trang nghiêm và giọng bổng trầm của mẹ trong buổi học hôm nào.

Thời đó, học trò chỉ học một buổi thôi, nên tôi thường xuyên “nếm” cảnh ở nhà một mình trong những lúc mẹ đi dạy, ba bận đi làm. Một thời gian thấy không ổn, ba mẹ bàn nhau gởi tôi vào lớp buổi chiều, cũng là lớp 1, để học (được miễn thi cử). Từ lúc đó, tôi có một lớp học chính vào buổi sáng và một lớp phụ buổi chiều. Trường mẹ tôi dạy và trường của tôi liền sát bên nhau. Đứng ở khoảng sân bên này có thể trông qua dãy phòng học bên kia được. Cả sáng cả chiều, cứ mỗi giờ ra chơi, tôi thường chạy ra sân ngó về phía hành lang bên kia chờ mẹ. Không bao giờ hẹn trước, nhưng lúc nào tôi cũng thấy bóng áo dài của mẹ tựa vào lan can hướng về phía tôi. Không trông rõ mặt, nhưng tôi biết mẹ đang mỉm cười, và tôi, cũng không quên nở nụ cười tươi đáp lại.

Năm vào học cấp II, mẹ con chung một mái trường, cứ mỗi lần thấy mẹ đi ngang là tụi bạn trong lớp lại tranh nhau kêu “mẹ, mẹ!” inh ỏi để ghẹo tôi. Những lúc như vậy, không hiểu sao tôi cảm thấy rất ngại nên ở trường luôn làm như “lơ” mẹ đi. Đến năm học lớp 9, trùng hợp sao mẹ lại được xếp vào dạy lớp tôi. Cảm giác khó xử, lúng túng làm cho tôi cảm thấy mất tập trung và bứt rứt trong các tiết học của mẹ. Mỗi lần được gọi phát biểu, tôi ngại ngùng không thể gọi “cô” được vì vậy luôn trả lời trống không. Những lời nói đùa vô ý của tụi bạn rằng “mẹ thì thiên vị con” ám ảnh trong đầu làm tôi trở nên cáu bẳn, khó chịu. Được một thời gian, tôi nói với mẹ đề nghị ban giám hiệu chuyển lớp.

Giờ đã lớn, đi làm ở xa, ngày nhà giáo năm nào tôi cũng hình dung giờ này mẹ đang làm gì ở trường, ngồi ở hàng ghế nào trong buổi lễ. Và lại nhớ về những chuyện cũ da diết. Với tôi, mẹ là người thầy lớn nhất và những bài học mẹ dạy chẳng bao giờ kết thúc...

Tuyết Tùng

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm