Tôi thấy nhiều người quan niệm rằng “nhẫn” là một đức tính cần có ở con người, đặc biệt là người phụ nữ. Nhưng cổ nhân cũng đúc kết rằng ở đời nhục là điều khó nhịn nhất, nên mới có câu “Ninh thọ tử bất ninh thọ nhục” (thà chịu chết, chớ không chịu nhục). Vậy đàn ông thì sao? Chẳng lẽ họ có đặc quyền riêng? Nay tôi chuẩn bị đón con rể về nhà mình, tôi phải dạy vợ chồng nó sao đây về nhẫn nhục?
(Đinh Thị Ng., Thủ Đức - TPHCM)
Tục ngữ có câu: “Một sự nhịn chín sự lành”, theo quan niệm truyền thống dường như thường dùng để khuyên phụ nữ hơn. Ca dao cũng dạy: “Chồng giận thì vợ bớt lời. Cơm sôi bớt lửa không đời nào khê”. Kể ra cũng có lý vì đàn ông nói chung nóng tính hơn, gặp cơn nước sôi lửa bỏng mà người vợ cũng nóng tính như chồng thì chẳng nên cơm cháo gì, không khéo còn xảy ra hỏa hoạn!
![]() |
Những gia đình gia giáo dù ở Đông hay Tây, cổ hay kim đều hướng các thành viên trong nhà đến đức tính này và có ý rèn phụ nữ nhiều hơn. Phải chăng vì đàn ông “ăn to nói lớn” ở vào thể tất được, còn phụ nữ là nội tướng trong gia đình cần “lạt mềm buộc chặt”, “chồng giận thì vợ làm lành, miệng cười hớn hở rằng anh giận gì?”. Người ta nói vui “Đàn ông là cái đầu, còn đàn bà là cái cổ để xoay cái đầu đó”, cái đầu cần hộp xương sọ thật chắc để bảo vệ não bộ bên trong, cái cổ phải có các khớp nhỏ uyển chuyển mềm dẻo nếu không thì… gãy cổ mất!
Vợ chồng cứ tranh chấp hơn thua “hòn bấc ném đi hòn chì quăng lại” thì bất hòa đã không được giải quyết mà ngày càng leo thang. Nhiều chị em chịu đựng được vất vả khó nhọc nhưng miệng còn ca cẩm chửi thầm, hoặc không nói năng gì mà lòng đầy tức giận muốn “ăn tươi nuốt sống” đối phương, thế nào cũng có ngày buột miệng nhỡ tay bộc lộ ra. Tuy nhiên, nhiều trường hợp vợ chọn cách nín nhịn, chồng bảo sao nghe vậy lại có hại. Cái khó ở đây là nhiều chị em cam chịu sự lấn tới bất công của chồng, cúi đầu chịu cảnh “chồng chúa vợ tôi”, bị bạo hành, bị tước hết quyền tự do tự quyết trong gia đình, tự biến mình thành thân phận kẻ hầu người hạ với suy nghĩ “xấu chàng hổ ai”, kết cục càng ngày càng bị xúc phạm, bị tổn thương, nhiều trường hợp dẫn đến thương tích, tàn tật hoặc mất mạng.
![]() |
Nhẫn nhục được gắn liền với chữ “bình tĩnh, kiên nhẫn, chịu đựng”, là chịu đựng những sự việc không vừa lòng, nghịch ý, trái tai gai mắt; nhận chịu những điều người khác làm cho mình tổn thương, trong tâm không những không tức giận mà còn không nghĩ tới việc sẽ báo oán trả thù. Nhẫn nhục còn là không muốn hơn thua, được mất, vinh nhục, khen chê - tám thứ gió bão quật ngã người ta. Không tranh đua chèn ép người khác để đạt mục đích, không tranh cãi phải trái, đúng sai,hay dở, tốt xấu, tranh chấp này nọ. Những người nóng nảy hay mất bình tĩnh, không tự chủ được trước những nghịch cảnh thường nói năng hành động vội vàng nông nổi thiếu suy nghĩ. Trong một gia đình chẳng ai chịu nhường nhịn ai sẽ đưa đến mất hạnh phúc và dễ tan vỡ nữa là trong cộng đồng cần có những tôn ti trật tự.
Người Nhật nói rằng “Vợ chồng như bàn tay và đôi mắt. Khi đau tay, nước mắt sẽ rơi và khi đôi mắt buồn khóc, tay sẽ lau những giọt lệ”. Chồng vợ va chạm nhau trong đời sống như bàn tay phải cầm cái búa đóng đinh, rủi đập phải ngón của bàn tay trái làm chảy máu hay sưng vù lên đau đớn, dù bị thương nhưng tay trái tự nhận cùng một thân thể với tay phải thì sẽ không thấy ai làm nhục, làm hại ai cả.
Bằng những trải nghiệm của đời mình, chị hãy giúp các con hiểu ý nghĩa giản dị của “nhẫn nhục” là giải thoát từ cái tâm giận dữ, kích động, gây hấn thành thói quen thương xót, nhường nhịn, tha thứ cho nhau.
THẠC SĨ- BÁC SĨ LAN HẢI
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.