Hỏi:
Nhịp tim của tôi thường thường xuyên nhanh khoảng 110-120 nhịp/phút, kèm theo hay hồi hộp, lo lắng, làm việc không tập trung, mất ngủ. Tôi có đi khám bác sĩ, đo điện tim và siêu âm tim đều bình thường. Xin hỏi bác sĩ như vậy bị bệnh gì? Nguyên nhân nào làm nhịp tim nhanh? Bệnh này nên được điều trị như thế nào? Xin chân thành cảm ơn
Lê Thị Bảo Trâm – 32 tuổi – Đồng Nai
![]() |
Trả lời:
Nhịp đập tim bình thường của người lớn trưởng thành khoảng từ 60 đến 100 lần/phút. Khi tim đập trên 100 lần/phút gọi là tim đập nhanh. Nhịp tim quá chậm hay quá nhanh đều không tốt cho cơ thể.
Nguyên nhân của nhịp tim nhanh có thể do tim hoặc không do tim
- Nguyên nhân do tim: suy tim, bệnh xơ vữa động mạch vành tim, hẹp hở van tim, bệnh tim bẩm sinh, rối dẫn truyền trong tim (rung nhĩ, nhịp nhanh kịch phát trên thất, nhịp nhanh kịch phát thất…)
- Nguyên nhân không do tim: do bệnh lý tuyến giáp (cường giáp), do sốt cao, thiếu máu, rối loạn điện giải, căng thẳng stress, rối loạn lo âu, dùng các chất kích thích (café, trà, rượu bia…), do tác dụng phụ của thuốc, bệnh lý phổi (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính)
Bạn bị nhịp tim nhanh nhưng đã đi khám tim, đo điện tim và siêu âm tim bình thường như vậy có thể loại trừ nguyên nhân do tim. Bạn nên tập trung vào các nguyên nhân ngoài tim như xét nghiệm máu xem có bị cường giáp, thiếu máu, rối loạn điện giải, chụp X-quang phổi xem có bệnh lý về phổi không? Xem thử thời gian gần đây em có dùng loại thuốc nào gây nhịp tim nhanh không? Có dùng các chất kích thích gây nhịp tim nhanh không?
Trường hợp của bạn, ngoài nhịp tim nhanh bạn có mô tả là hay hồi hộp, lo lắng, làm việc thiếu tập trung, mất ngủ. Theo tôi nghĩ, bạn bị chứng rối loạn lo âu. Bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa tâm lý và bác sĩ tâm thần kinh để được tư vấn và điều trị. Bên cạnh đó, bạn cần có chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế stress, tránh thức khuya, sắp xếp công việc hợp lý, tập luyện thể dục vừa phải, tránh dùng các chất kích thích (cà phê, thuốc lá, rượu bia…). Trong trường hợp nhịp tim nhanh khó chịu bạn có thể làm nghiệm pháp valsava (hít sâu vào và nín thở vài giây), massage vào động mạch cảnh (vùng bên cổ), hoặc có thể dùng một số thuốc làm giảm nhịp tim nhóm ức chế beta giao cảm như (Prapranolol, concor, betalock, atenolol…).
Ths.Bs Trung Phan.
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.