Ở Yokosuka, một thành phố của nước Nhật, người ta ước tính cứ năm ngôi nhà thì có một là không có người ở. Nguyên do bởi trong những năm gần đây số lượng người già mất đi ngày một tăng và phần lớn người trẻ chuyển hết ra thành phố sống.
![]() |
Tình trạng hoang vắng tại một thành phố cách Tokyo không xa đã gợi lên ít nhiều suy tưởng. Một số gia đình tôi biết ở quê, do hoàn cảnh, con cháu đều lên thành phố, hoặc đến các tỉnh khác làm việc, sinh sống. Ngôi nhà đông đúc mấy thế hệ ở cùng nhau giờ chỉ còn lại ông bà tuổi đã cao. Họ lặng lẽ sống từng ngày và góp nhặt những niềm vui hiếm hoi từ vài ba cuộc điện thoại hay những lần con cháu trở về thăm nhà. Có một vài trường hợp, ông bà mất, ngôi nhà bỏ trống và con cháu họ dùng làm nhà thờ tổ tiên.
Người già giống như linh hồn của một căn nhà. Trong gia đình họ không sôi nổi như lũ trẻ, không tất bật ngược xuôi như tuổi trung niên nhưng là những rường cột vững chãi, ấm áp. Hầu như trong mọi tình huống họ đều giữ được sự điềm tĩnh để cho lời khuyên hữu ích. Trong kho tàng truyện cổ các nước đã có không ít câu chuyện đề cao vai trò của người già. Người Nhật kể một câu chuyện rằng: Có ông vua tàn bạo ra lệnh giết hết tất cả người già. Chàng nọ hiếu thảo nên đã cõng mẹ trốn vào rừng sâu. Ngày kia vua ra lệnh cho mỗi người nộp một dây bằng tro và một thân cây đầu đuôi nặng bằng nhau. Mẹ chàng trai bày cho con bện dây rơm rồi đốt lên thành dây bằng tro. Sau đó, đánh vào phần đầu cây, đem nhúng nước để phồng to như phần gốc. Khi chàng trai nộp vật phẩm lên cho vua, chuyện về bà mẹ vẫn còn sống bị lộ. Nhà vua bãi bỏ lệnh giết người già vì nhận ra kinh nghiệm của họ giúp ích cho xã hội. Câu chuyện này có dị bản ở các nước khác nhau nhưng chung quy đều mang một thông điệp nhắc nhở gởi đến người trẻ: hãy kính trọng và hết lòng chăm sóc người già (ngay trong gia đình mình, họ là ông bà, cha mẹ...). Ngày nay, nhiều quốc gia đã chú tâm đến vấn đề về chế độ an sinh cho người già. Trong từng gia đình, con cháu cũng lo lắng cho họ đầy đủ các điều kiện vật chất cần thiết. Thế nhưng, nhịp sống hối hả, hiện đại lại thường xuyên “cất” họ vào một góc quên lãng.
Kính trọng, săn sóc thôi vẫn là chưa đủ. Đối với người già, xin đừng bao giờ lãng quên...
ĐỖ YÊN
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.