Thứ Năm, 26 Tháng Mười Một, 2015 16:17

Những ngôi trường trong ký ức

Người ta nói đẹp nhất của đời người là thời học sinh, vì vậy ký ức đẹp nhất cũng là những tháng ngày đi học. Trong ký ức đó không thể thiếu vắng một góc sân trường hay một kỷ niệm đẹp về thầy cô, bạn bè…

định cư ở Pháp từ lâu, bà Nguyễn Thị Đức (59 tuổi) vẫn hay nhớ về Sài Gòn, đặc biệt là thời đi học ở trường trung tiểu học Thánh Linh (quận 5, nay là trường Ba Đình) vào thập niên 60 thế kỷ trước. Khi ấy, giáo viên dạy bà là những nữ tu, hiền lành nhưng cũng rất nghiêm khắc. Học sinh từ nhỏ đã được huấn luyện tinh thần trách nhiệm rất cao, nhất là trong việc giữ gìn trường lớp sạch sẽ. Ngoài việc hằng ngày vệ sinh lớp, mỗi sáng thứ bảy, các nhóm lại tự mua giấy nhám chà những vết mực lem trên bàn ghế. “Từ những hành động nho nhỏ ấy, chúng tôi trưởng thành trong ý thức bảo vệ của công cho dù năm sau mình không còn học phòng đó, không còn ngồi ở chiếc bàn đó nữa.”, bà Đức chia sẻ. Cũng là học sinh trường Thánh Linh, bà Minh Châu (quận Phú Nhuận – TPHCM) lại có ký ức về những buổi chiều múc nước tưới những chậu hoa treo trên cửa sổ lớp học, những giờ ra chơi ghé thăm Chúa tại nhà nguyện của trường. Bà bộc bạch: “Tôi nhớ trường Thánh Linh, trước khi được sữa chữa lại khoảng năm 1967, nhà nguyện là một góc nhỏ, trên lầu ở khu nhà của các ma-xơ phía sau trường. Muốn lên đó, chúng tôi phải qua một cầu thang xi măng, khá tối. Nhà nguyện nhỏ song thật ấm cúng, học trò có đạo chúng tôi vẫn thường đi lễ ở đây mỗi sáng thứ năm hằng tuần...”. Bà Châu ấn tượng những buổi khi trời còn tờ mờ sáng, căn phòng phía dưới nhà nguyện có một chùm đèn tỏa ánh sáng rất đẹp. Sau lễ, học trò được phát bánh mì. Khi tòa nhà cũ bị đập đi để xây mới, nhà nguyện cũng mới, sáng hơn, đẹp hơn nhưng ngôi nhà nguyện cũ vẫn không mất đi trong tâm trí nhiều người.

Cây phượng già hay ghế đá sân trường là những hình ảnh đọng lại trong ký ức của nhiều học trò khi nhớ về trường xưa

Trong dòng hồi ức xưa cũ, ông Nguyễn Văn Quang, 65 tuổi (quận 5 – TPHCM) nhớ về một ngôi trường không còn tồn tại nữa. Ông bùi ngùi kể, hồi nhỏ, vào thập niên 50 thế kỷ trước, gia đình mình đông con, học trường Nhà nước không tốn tiền nhưng khá xa. Ngôi trường gần nhất là Trường Nhà Thờ. Gọi thế vì trường không có bảng hiệu, chỉ hai dãy phòng học, cửa gỗ ở hai bên cổng nhà thờ Chợ Quán. Thầy cô giáo là các linh mục, nữ tu. Học sinh học không tốn tiền. “Vì là trường không bảng hiệu, nên khi thi tiểu học, hồ sơ dự thi của chúng tôi phải nhờ mộc của trường Thánh Linh kế bên. Vậy chứ học trò đều khá giỏi, thậm chí có số không nhỏ sau đó đã vào được trường Pétrus Ký, Gia Long...”, ông Quang nói. Giờ đây, nhắm mắt lại, ông vẫn hình dung ra được trước phòng học cuối cùng ngày ấy có cây bàng to. Dưới cây bàng là cái cầu tuột bằng xi măng. Giờ ra chơi, cả bọn tha hồ leo lên tuột. Nhiều hôm đi học về, hay bị mẹ la vì quần dơ hết.  Sau này nhà thờ đập bỏ hai dãy phòng học đó để xây một ngôi trường rất khang trang là trường Chí Thiện.

Nhớ về trường xưa, bà Nguyễn Thị Anh (quận 1, TPHCM) luôn nhắc đến hai cây điệp vàng, hai cây phượng nhỏ trong sân trường mình học ngày xưa. Cứ tầm tháng 4, hai cây điệp nở là học trò biết sắp nghỉ hè. Đến cuối tháng 5, vào hè, hoa phượng nở. “Dù đã lớn, tôi vẫn nhớ hoài cảm giác lâng lâng khi thấy sân trường rợp hai màu rực rỡ, hoa rụng đầy sân”, bà Anh bồi hồi bảo. Còn chị Nguyễn Thị Linh (27 tuổi) lại rất nhớ cây da trong sân trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM. Đó là nơi một thời, chị và bạn bè mình vẫn hẹn hò ngoài giờ học để ăn uống, tán dóc hay học bài... “Ra trường, thi thoảng tôi vẫn mơ về gốc cây da cổ thụ này. Bệ quanh gốc rộng, đủ cho chúng tôi ngồi lê la, bóng cây da rất mát. Không chỉ chúng tôi mà đó là nơi tụ tập của biết bao thế hệ sinh viên”, chị tâm sự.

Có những ngôi trường bây giờ được xây khang trang hơn xưa nhưng trong ký ức học trò, những dãy phòng học đơn sơ ngày nào vẫn đọng lại nhiều ấn tượng, bởi nơi ấy gắn với nhiều kỷ niệm một thời, như lời tự sự của chị Bích Phượng (huyện Bình Chánh, TPHCM): “Tôi luôn nhớ về trường cấp 2 - 3 Đa Phước ngày xưa chỉ là 3 dãy phòng học và một dãy căn tin nhưng thật thơ mộng với những cây phượng già. Thời gian trôi, nay ngôi trường cũ ấy đã được xây mới, nhưng tôi vẫn yêu những dãy phòng học đơn sơ ngày nào, giờ tất cả vẫn còn trong ký ức”.

Không ít học trò sau này thành đạt đã trở về thăm lại những ngôi trường xưa. Có người lập hội Cựu Học sinh hay hội Cựu Sinh viên gây quỹ, phát học bổng hằng năm cho các thế hệ đàn em. Có người tốt nghiệp Cao đẳng, Đại học Sư phạm đã quay về trường giảng dạy và cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục địa phương. Họ không muốn nêu tên hay ca ngợi... Bởi nghĩ đó là sự trả lại những gì họ từng nhận nơi thầy cô giáo, cũng như vun bồi thêm một ký ức đẹp về mái trường thân yêu thời thơ ấu.

Nguyễn Ngọc Hà

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm