Thứ Ba, 19 Tháng Bảy, 2016 09:10

Nơi nâng đỡ người nghèo lúc xế chiều

Tọa lạc tại ấp Đức Hạnh 2, xã Đức Lập Hạ (Đức Hòa, Long An), mái ấm Đức Ái hiện đang nuôi dưỡng hơn 10 cụ già neo đơn, không nơi nương tựa. 

Người phụ trách mái ấm là bà Lê Thị Kính, 68 tuổi, nguyên giáo viên trường THPT Hồng Bàng (TPHCM). Sau khi nghỉ hưu, bà đã dùng tất cả số tiền dành dụm của mình để gầy dựng một ngôi nhà tình thương chăm sóc những người già nghèo khó, neo đơn tại quận 8. Rồi sau đó, nhờ một mạnh thường quân hỗ trợ, bà đã mua đất tại Long An, lập mái ấm Đức Ái, như một cơ sở 2. Nơi này đã chính thức được cấp phép hoạt động vào đầu năm 2016. Nói về cơ duyên đến với công việc thiện nguyện này, bà Kính chia sẻ: “Ngày xưa, tôi cứ lo làm việc nên đã không chăm sóc mẹ mình được tốt. Sau khi mẹ qua đời, tôi rất hối tiếc. Làm những việc này, cũng là cách để tôi nhớ và tạ lỗi cùng mẹ”.

Bữa ăn trưa của các cụ nơi mái ấm Đức Ái

Với khu đất khoảng 300 mét vuông, mái ấm có một khoảng sân rộng rãi để các cụ tắm nắng mỗi sáng; có một vườn hoa nhỏ và đàn chim bồ câu hiền hòa bay sà xuống mỗi lần được các cụ rải thóc cho ăn. Hầu hết các cụ là người Công giáo nên bên trong mái ấm có bàn thờ Thánh Camillo, vị thánh đã cống hiến cuộc đời mình cho người nghèo. Phía bên trái là nhà nguyện, bên phải là phòng khách và phòng y tế. Tiếp theo là nơi dành cho các cụ ngủ nghỉ, mỗi phòng từ 4 - 5 giường, được bố trí tùy theo tình trạng sức khỏe của mỗi người.

Một ngày của mái ấm bắt đầu từ lúc 5 giờ sáng, với tiếng chuông báo thức. Cụ nào còn khỏe sẽ tự tắm rửa, vệ sinh cá nhân. Với các cụ bị liệt sẽ có người tắm rửa, giúp thay quần áo... 6 giờ 30, mọi người tập trung đọc kinh sáng tại nhà nguyện khoảng nửa tiếng rồi cùng nhau ăn sáng. Sau đó, các cụ được tự do sinh hoạt riêng. Có cụ tiếp tục đọc kinh tại giường của mình, có cụ quét hành lang, quét phòng, quét sân, lau nhà nguyện...dù chẳng ai bắt buộc. “Nhiều lúc có cụ vụng về làm đổ xô nước hay lau nhà vẫn còn dơ nhưng chúng tôi không ai nói gì, chỉ lặng lẽ làm sạch lại. Hôm sau, vẫn để các cụ tiếp tục làm bởi nếu không, họ sẽ bị bệnh hoặc tủi thân”, cô Mai - một tình nguyện viên phụ trách bếp ăn thổ lộ.

11 giờ trưa, mọi người lại họp nhau tại nhà ăn dùng cơm trưa và nghỉ ngơi đến 2 giờ 30. Đúng 3 giờ chiều là khoảng thời gian đọc kinh Lòng Chúa Thương Xót. Rồi mỗi cụ được phát bánh để ăn xế, khi thì bánh ít, lúc thì bánh bông lan, bánh flan kèm thêm một tách bột dinh dưỡng hoặc ly sữa đậu nành. Ăn xong, mọi người cùng dạo chơi thong thả đợi bữa cơm chiều. Và ngày khép lại sau giờ kinh tối.

Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm đến thăm các cụ ở mái ấm

Có dịp tìm hiểu từng hoàn cảnh của các cụ, thấy ai cũng có một nỗi khổ lòng khi bước vào mái ấm. Cụ Kỳ, 85 tuổi, bị bướu lưng từ nhỏ, sinh ra và lớn lên ngoài Bắc, chưa từng lập gia đình, đến khi già, các cháu đưa cụ vào Nam, bảo rằng “đi chơi” và cho cụ đến đây. Cụ Hai, 80 tuổi, cha mẹ chết lúc mới lên 2, được ba mẹ nuôi nhận về. Lớn lên, làm việc phụ ba mẹ nuôi lo cho các em, con ruột của ông bà. Và khi già, “các cháu” đẩy ra đường. Nhờ sự giới thiệu của một linh mục, cụ được đưa vào mái ấm. Cụ Bảy lúc trẻ làm việc, buôn bán phụ chị nuôi cháu. Chị ruột chết đi, cụ không có gia đình riêng và bị các cháu đuổi đi để lấy căn nhà chung, cụ trở thành người lang thang cơ nhỡ...

Trong những ngày làm công việc của một tình nguyện viên tại đây, tôi thật cảm phục sự kiên nhẫn đến khó tin của đội ngũ phục vụ mái ấm. Họ tình nguyện gắn bó lâu dài trong điều kiện không lương. Thậm chí khi đi lại lấy thức ăn từ các ân nhân biếu cho các cụ, những tình nguyện viên này cũng tự bỏ tiền túi đổ xăng, uống nước... Để có được những bữa ăn ngon, đầy đủ dinh dưỡng mỗi ngày, theo bà Kính, nếu chỉ dựa vào tiền lương hưu hơn 4 triệu/tháng của bà thì khó có thể trang trải đủ. Nhưng nhờ Chúa thương, nhiều tấm lòng nhân ái đây đó đã cùng góp phần san sẻ, đỡ nâng. Không chỉ người Công giáo mà cả những Phật tử quanh vùng cũng rộng tay giúp đỡ mái ấm. Nhiều người đã mang đến biếu những bó rau tươi, những quả trứng gà no tròn do họ tự nuôi trồng từ vườn nhà. Tại Sài Gòn, cũng có những mạnh thường quân hằng tháng cung cấp cho mái ấm vài ký thịt heo, mấy chục trứng gà, vịt. Có người gởi biếu bánh flan, bánh bông lan, sữa đậu nành, bột dinh dưỡng... Nhiều tổ hợp bánh mì sẵn sàng hỗ trợ những chiếc bánh thơm ngon cho các cụ ăn sáng.

Người ta thường đánh giá sự hạnh phúc của một người lúc tuổi già bằng hình ảnh quây quần bên con cháu trong căn nhà nhỏ ấm áp. Tuy nhiên, các cụ ở đây đã không có được cái hạnh phúc giản dị ấy. Đến với mái ấm này, tất cả họ đều nghèo và cô độc. May sao, có những con người vì niềm tin vào Chúa, vì tình yêu thương anh em, vì đi theo ánh sáng Phúc Âm, đã không ngần ngại bỏ tiền bạc, cả thời gian để chăm sóc những con người xa lạ, không máu mủ, ruột thịt bằng tất cả tấm lòng.

Từ ngày mái ấm được “hợp thức hóa” đến nay, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm (Giám mục GP Mỹ Tho) đã đến đây làm lễ đồng tế hai lần cùng một số linh mục. Mỗi thứ  bảy, có linh mục từ Củ Chi, Tân Thông, quận 8... đến mái ấm dâng thánh lễ và ăn sáng cùng các cụ. Đặc biệt, trong thánh lễ thay ngày Chúa nhật và trong các buổi cầu nguyện sáng, chiều, tối đều có cầu cho những linh hồn mồ côi và lời nguyện thật lớn của các cụ: “Xin Chúa chúc lành cho các ân nhân của chúng con!”.

HOÀNG HẠC

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm