Tôi bắt đầu cộng tác với báo Công giáo và Dân tộc (CGvDT) cách đây từ cả chục năm. Hồi ấy, tôi đến với trang Gia Đình từ sự mời gọi của anh phụ trách trang. Đã lâu, anh không còn làm báo mà đi định cư cách đây nửa vòng trái đất.
Vốn là sinh viên Sư phạm đi làm báo, nên tôi hoàn toàn chẳng có kinh nghiệm gì. Lần đầu tiên viết báo, tôi cứ theo thói quen của một cậu sinh viên học Văn chương, ưa chữ nghĩa chim bay bướm lượn. Đôi khi, viết lòng vòng chưa chạm vấn đề, đã thấy hết trang. Ngày ấy, cứ nghĩ viết nhiều chữ, được nhiều trang giấy là hay. Bởi vậy, những bài báo đầu tiên thật dài dòng và văn phong rất “hoa lá cành”. Cũng chính vì vậy mà chủ động tham gia cộng tác nhiều báo, tôi vẫn không thấy tăm hơi bài viết của mình được đăng, cũng chẳng thấy tòa soạn nào liên lạc để góp ý bài vở. Một hồi, tôi cũng nản. Bước vào nghề báo sao khó quá! Nhưng rồi cơ may cũng đến. Sau hai bài viết non tay gởi đến báo CGvDT, tôi mừng rơn khi một anh biên tập viên phản hồi email: “Bài còn một số chỗ cần sửa. Hôm nào em ghé văn phòng, bàn chuyện cộng tác lâu dài luôn nhé!”. Email đó có thể coi là chìa khóa để tôi theo nghề báo cho đến bây giờ.
Đó là ngày đẹp trời, tôi với chiếc xe đạp cà tàng của mình đến tòa soạn để gặp anh biên tập viên. Sau khi sửa bài trực tiếp và chia sẻ kinh nghiệm, tôi được anh động viên cộng tác. “Báo còn khó khăn. Chế độ nhuận bút không cao, nhưng đây cũng là công việc phục vụ cho Giáo hội”, anh chia sẻ. Và những bài báo đầu tiên trong đời của tôi là những bài mà anh đã sửa hôm ấy. Tôi vui mừng nhìn thấy tên mình được xếp trang trọng kèm theo.
![]() |
Nguyễn Xuân Huy |
Ban đầu cộng tác, khó khăn của tôi không chỉ là nghiệp vụ mà còn là máy móc để tác nghiệp. Máy ảnh là thứ không thể thiếu. Biết tôi “tay trắng làm báo”, anh biên tập viên vui vẻ cho tôi mượn chiếc máy ảnh Canon dòng powershot. Tôi mừng lắm. Lần đầu tiên được cầm một chiếc máy ảnh số, được học cách chụp ảnh. Lên giảng đường, ngoài chụp ảnh viết bài, tôi còn được tranh thủ chụp ảnh cho cả lớp. Bạn bè hỏi han: “Làm sao cậu mua được chiếc máy ảnh đẹp thế này?”. Tôi cười toe: “Người dưng cho mượn đó!”.
“Người dưng” cho tôi mượn máy ảnh và giúp đỡ tôi nhiều những bước chập chững vào nghề nhanh chóng trở thành người anh em quý mến. Không gian tờ báo trở thành chốn quen của tôi sau giờ học. Mỗi khi có bài báo nào, dù đăng trên CGvDT hay báo khác, tôi cũng chạy sang “khoe” anh biên tập viên vui tính và tốt bụng ấy. Gặp trở ngại, không vừa ý trong nghề, cũng chạy sang tâm sự với ông anh. Ngày tôi được nhận vào một... tờ báo khác, anh rất vui, chúc mừng tôi nhiều. Anh em vẫn trao đổi bài vở như ngày trước.
Có thời gian, tôi cũng ít ghé tòa soạn CGvDT. Rồi một hôm gặp mặt, anh biên tập viên ấy thông báo mình sắp đi định cư nước ngoài. Anh động viên tôi vẫn tiếp tục cộng tác cho CGvDT rồi giới thiệu tôi lại cho người phụ trách mới sẽ thay anh.
Và thế là anh đi. Mỗi lần lên cộng tác, tôi vẫn nhớ căn phòng với chiếc máy tính quay ra cửa sổ và chiếc quạt trần xoay chậm rãi trên đầu, nhớ nụ cười động viên của anh và cả cách anh dừng lại suy nghĩ, nhấn nhấn giọng với những đề tài khó giải thích. Nhớ những buổi được anh thay mặt tòa soạn mời đi ăn tiệc cùng ban biên tập báo trong các dịp kỷ niệm hằng năm. Tôi thấy mình hãnh diện như được trở thành một thành viên của “gia đình” này. Nơi mà mọi người, từ bác bảo vệ, cô lao công, chị phát nhuận bút... luôn nở những nụ cười đầy khích lệ.
Tuy không thường xuyên, nhưng hiện nay tôi vẫn còn duy trì viết bài cho CGvDT. Dù đôi lúc chật vật xoay sở vì những toan tính tiền bạc trong những bài báo viết cộng tác ở nhiều nơi nhưng tôi chưa bao giờ quên lời động viên của anh biên tập viên những ngày đầu. Cộng tác với báo, tôi vui nhất là khi tên mình được bà con đồng đạo ở giáo xứ ngoài quê đọc trong tiếng chuông ngân của nhà thờ. Cha mẹ tôi cũng vui vì biết con mình viết cho một tờ báo Công giáo.
CGvDT tuy đứng trước nhiều thử thách để phát triển hơn, nhưng tôi luôn nghĩ, báo có những ưu thế nhất định, đặc biệt. Đó là độc giả trung thành, theo dõi dài hạn. Hơn nữa, độc giả của báo luôn là “độc giả chất lượng”, quan tâm các vấn đề Giáo hội, bác ái... một cách sâu sắc. Tôi đã rút ra được những vấn đề này qua những bài viết về các hoàn cảnh éo le, cần được hỗ trợ, động viên. Những tấm lòng sẵn sàng chia sẻ vượt ngoài hình dung của tôi. Tôi thấy xúc động với những bức thư giấu tên của những ân nhân làm việc bác ái, chuyển đến tòa soạn. Sau khi được hỗ trợ, những nhân vật và gia đình của họ cảm ơn tôi. Nhưng tôi không nhận và luôn cho họ biết rằng, người đáng cảm ơn là bạn đọc hảo tâm của báo. Đó là cộng đồng dân Chúa luôn sống nhiệt tình và sẻ chia.
Dù sau này có tiếp tục viết báo hay không, những trải nghiệm ở báo CGvDT luôn mang đến sự ấm áp, là nơi mà tôi muốn đến để chia sẻ. Những phóng viên, biên tập viên dễ mến, những nụ cười, lời động viên, những bạn đọc dễ thương... luôn để lại những ấn tượng, giá trị đẹp. Dù có thay đổi thế nào, tờ báo cũng đã mang lại cho tôi nhiều hơn những gì tôi mang đến. Bởi vậy, tôi luôn nghĩ rằng, mình đã nợ nơi đây một ân tình.
Nguyễn Xuân Huy
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.