Thứ Năm, 30 Tháng Bảy, 2015 23:48

Nôn nao với kết quả thi...

Những ngày gần đây, ngoài việc háo hức chờ đợi tin tức và cập nhật điểm số trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, nhiều học sinh và phụ huynh cũng đang ráo riết chuẩn bị cho việc xét tuyển vào đại học, cao đẳng theo nguyện vọng 1.

Do hình thức thi tốt nghiệp THPT năm nay khá mới nên hầu hết học sinh nôn nao, thấp thỏm chờ đợi kết quả thi, không biết “số phận” mình ra sao. Chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết, một phụ huynh ngụ quận 5 (TPHCM) hồ hởi kể: “Hôm biết tin có điểm thi, hai mẹ con cùng lên mạng để xem. Hôm đó, có rất nhiều người cùng vào một trang website nên không thể nào xem được. Hai mẹ con ai cũng căng thẳng muốn biết được kết quả. Chờ gần 3 tiếng đồng hồ, khi biết tin đậu tốt nghiệp, lúc đó mới cảm thấy an tâm và vui vẻ hơn”. Không riêng gì chị Tuyết mà nhiều phụ huynh khác cũng trong tâm trạng bồn chồn như thế trước khi xem điểm thi, thêm vào đó là nỗi lo cho chặng đường xét tuyển tiếp theo. “Dù biết tin con thi đậu, nhưng gia đình chưa tổ chức ăn mừng mà chú tâm vào vấn đề xét tuyển nguyện vọng 1. Vì chưa chắc đậu tốt nghiệp là có được một chân vào ngưỡng cửa đại học như ý”, chị Trịnh Tú Sương, một phụ huynh ở Thủ Đức - TPHCM chia sẻ.

Sĩ tử và phụ huynh cùng lên mạng xem kết quả thi với nhiều tâm trạng

Năm nay, có thể thấy sự vui mừng khi hay tin đậu tốt nghiệp của các sĩ tử không kéo dài lâu bởi liền sau đó, họ phải đối mặt với việc chọn trường đại học, cao đẳng vừa tầm và phải đủ số điểm đầu vào mà các trường đưa ra. Trần Thị Yến Phượng (cựu học sinh trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai – TPHCM) cho biết: “Biết tin đậu tốt nghiệp song em vẫn còn lo khâu chọn trường đại học, lúc này phải thật sự tỉnh táo để lựa chọn trường phù hợp với mình, dù ba mẹ có tư vấn nhưng em phải đưa ra quyết định của bản thân. Vì sức học của em thế nào, trình độ của em tới đâu chỉ mình em biết rõ”. Có những phụ huynh mong muốn con mình vào ngôi trường mà họ thích nhưng thực sự việc phù hợp với con hay không lại là một chuyện khác. Như trường hợp của em Nguyễn Ái Lâm Anh (cựu học sinh trường THPT Nguyễn Thái Học - TPHCM) lại rơi vào hoàn cảnh dở khóc dở cười. “Ba mẹ muốn em học Bách Khoa, nhưng điểm số của em năm nay khá thấp, chắc chắn không đủ tiêu chí để xét tuyển  vào ngôi trường này. Khi xem điểm thi xong, ba mẹ buộc em phải thi lại cho kỳ thi năm sau. Em rất buồn vì quyết định này của ba mẹ…”, Lâm Anh tâm sự. May mắn hơn là trường hợp của Vũ Thị Phương Thúy (cựu học sinh THPT Thủ Đức – TPHCM), khi biết tin Thúy chỉ đủ điều kiện tốt nghiệp, ba mẹ lúc đầu ai cũng buồn vì so với các điểm xét tuyển ở các trường đại học nổi tiếng thì chắc chắn không đạt. Tuy nhiên, khi bình tâm lại, họ đã tìm cho con mình một hướng đi mới. “Ban đầu tuy có hơi buồn nhưng sau đó ba mẹ lại hết lời động viên, còn lo cho mình một xuất đi du học ở nước ngoài để hoàn thiện định hướng tương lai của mình. Khi nghe quyết định này trong mấy ngày vừa qua, mình thật sự rất hạnh phúc”, Thúy khoe.

Bên cạnh những sĩ tử có kết quả khả quan, cũng có người không khỏi buồn vì thi rớt. Nguyễn Ngọc Anh Tuấn (cựu học sinh trường THPT Thủ Đức - TPHCM) dù đạt tổng số điểm là 21 nhưng lại nằm trong danh sách rớt tốt nghiệp do điểm môn toán bị 0. “Em không thể tin vào mắt mình khi xem kết quả với chị gái. Lúc đó, hai chị em không nói năng gì cả chỉ nhìn nhau buồn. Khi ba mẹ hay tin, lúc đầu em cứ nghĩ ba mẹ la cho một trận, nhưng không, hai người chỉ động viên em cố gắng tập trung ôn luyện để năm sau thi lại. Em đã khóc và hứa sẽ nỗ lực hơn trong kỳ thi năm tới.”, Tuấn thổ lộ. Còn Vũ Kim Bằng (cựu học sinh trường THPT Gia Định – TPHCM), khi biết kết quả rớt tốt nghiệp, đã chủ động tìm cho mình một công việc. Gia đình Bằng khó khăn, lại đông anh em nên trước mắt, đây là thời gian để cậu đi làm kiếm thêm thu nhập phụ ba mẹ và hỗ trợ cho mấy em ăn học. Cậu cũng không kỳ vọng gì nhiều vào kỳ thi năm tới bởi hiểu hoàn cảnh của gia đình mình, có vào được đại học cũng thật khó để theo đuổi đến cùng. “Thôi thì bây giờ mình cùng ba mẹ lo cho các em, để ước mơ học lên cao cho những đứa em mình vậy”, Bằng tâm sự.

Võ Hồng Tuấn

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm