SƠN HẠ
Mùa Chay, với những Kitô hữu không chỉ là thời điểm nhìn lại mình để sống tốt hơn, mà còn là dịp rủ nhau dành tiền bạc và cả thời gian để đến với người bất hạnh.
Trở về từ chuyến đi thăm nhà dưỡng lão ở quận 8 - TPHCM, bà Phạm Tiến Nhân, 50 tuổi (giáo xứ Cầu Kho, quận 1) cho biết, thực ra nhóm của bà không phải chỉ Mùa Chay mới đi làm bác ái mà cứ vào thứ bảy đầu tháng, họ lại hùn tiền mua chút quà bánh, gom góp áo quần cũ còn lành lặn để đến thăm tặng, trò chuyện cùng các cụ già neo đơn. Những người trong nhóm không chỉ ở cùng xứ đạo mà có cả người xứ khác cùng chung tấm lòng. Khi được hỏi vào Mùa Chay, nhóm thiện nguyện của mình có làm gì đặc biệt hơn các mùa khác trong năm không, bà Minh Hồng, 60 tuổi (đến từ giáo xứ Thánh Phanxicô Xavie, quận 5) thổ lộ: “Tháng nào chúng tôi cũng rủ nhau làm bác ái. Tuy nhiên, với Mùa Chay, sự thiện nguyện có thêm lòng sốt sắng và hãm mình khi mỗi người hạn chế ăn uống, tiết kiệm hơn để dành tiền mua quà thêm cho các cụ”.
![]() |
Bác ái là tinh thần cốt lõi của đạo nên với nhiều người, việc thiện nguyện chẳng phải chỉ đợi mùa, đợi năm... |
Ông Hữu Đào, 64 tuổi (giáo xứ Chợ Quán, quận 5) cũng cho biết, ông và một số bạn bè những ngày sau Tết vẫn thường làm những chuyến đi bác ái xã hội ở trại phong Bến Sắn hay Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi khuyết tật ở Lái Thiêu - Bình Dương. Thời điểm ấy cũng là bắt đầu vào Mùa Chay nên khi vừa “phát động” chuyện đi thăm nom, ủy lạo, ông Đào được bạn bè và con cháu trong nhà nhiệt tình hưởng ứng. Ông tâm sự: “Lớn lên trong gia đình Công giáo, nên từ nhỏ, tôi đã luôn được dạy về sự sẻ chia. Khi đã lập gia đình, tôi cũng thường dạy con cháu về lòng bác ái cũng như cách thể hiện hai từ bác ái. Mùa Chay là dịp mình suy tư nhiều về sự cho đi vì thế làm bác ái cũng có tinh thần sốt sắng hơn. Tuy nhiên, với người Công giáo mình, tôi nghĩ bác ái không phải chỉ được thể hiện ở Mùa Chay mà bất cứ mùa nào trong năm khi thấy bản thân có đủ điều kiện đến với người bất hạnh hơn”.
Không chỉ có người trung niên hay lớn tuổi mới quan tâm đến chuyện đi làm thiện nguyện, mà nhiều người trẻ cũng rất tích cực. Phạm Tuyết Hoa, cô sinh viên Đại học Ngân hàng (TPHCM) cho biết, mỗi Mùa Chay, cô và một số sinh viên Công giáo cùng nhóm lại đóng góp kinh phí để đi thăm những nhà mở. Vừa qua, họ đã cùng đi thăm các bé mồ côi ở một nhà mở tại quận 4. Bên cạnh đó, nhóm của Hoa còn tìm kiếm thêm những hoàn cảnh khó khăn chung quanh để giúp đỡ. Họ gọi nhau qua điện thoại và dùng facebook làm phương tiện để kết nối nhiều người cùng tham gia và ủng hộ. Hoa kể: “Chúng tôi tìm đến giúp những hoàn cảnh được các bạn giới thiệu trên ‘phây’. Đặc biệt, mỗi Mùa Chay, sinh viên Công giáo rất hưởng ứng khi được kêu gọi làm bác ái xã hội. Qua facebook, mức độ lan tỏa càng rộng hơn khi cả những bạn sinh viên ngoài Công giáo cũng tham gia trực tiếp hoặc ủng hộ gián tiếp”. Nhóm của bạn Nguyễn Thị Nhi - sinh viên Đại học Sài Gòn thì có những chuyến đi đáng nhớ ở bệnh viện Nhi Đồng 1 và 2. Quà của các bạn không có gì nhiều, chỉ là những hộp bánh, hộp sữa bình thường, nhưng niềm vui mà những người trẻ này mang lại cho các bệnh nhi chính là những câu chuyện kể, lời thăm hỏi, động viên, vui đùa cùng các em. “Thường các dịp Quốc tế thiếu nhi 1.6, Trung Thu hay Giáng Sinh, chúng tôi cũng tổ chức đi thăm các trẻ ở đây. Mùa Chay sau Tết là một dịp để nhóm bạn Công giáo thể hiện tinh thần bác ái nên đây cũng là cột mốc đáng nhớ”, Nhi bộc bạch. Lê Tiến Đồng, sinh viên cùng trường với Nhi khẳng định thêm: “Dịp Trung Thu, tôi tham gia cùng với giáo xứ làm lồng đèn cho các bé khuyết tật, trẻ mồ côi. Còn Mùa Chay thì cùng các bạn trong nhóm đi ủy lạo, chia sẻ cùng các bệnh nhi… Đây cũng là cách để những người trẻ Công giáo chúng tôi sống tinh thần Tin Mừng”.
|
Vân Anh, cô sinh viên 22 tuổi (Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch - TPHCM) hồi tưởng lại từ những năm học cấp hai, mỗi Mùa Chay, cô thường được ba mẹ động viên bỏ ống heo để giúp người nghèo. Số tiền dịp này còn được khá hơn vì gồm cả khoản lì xì từ trong Tết. “Với người Công giáo, tinh thần bác ái được đề cao. Chuyện giúp đỡ, chia sẻ cùng người bất hạnh đã có trong truyền thống của gia đình tôi từ lâu. Năm nào cũng vậy, tôi nghĩ không nhất thiết phải là năm Lòng Chúa Thương Xót mình mới biết xót thương người bất hạnh”, Vân Anh thổ lộ.
Cũng có người cho rằng, trong năm Lòng Chúa Thương Xót này, sự hy sinh hay những việc làm bác ái của mình lại thêm phần ý nghĩa hơn. Đó là lý do để chị Lý Thị Huệ - một công nhân hãng giày ở Bình Dương, với đồng lương chỉ nhỉnh hơn bốn triệu đồng/tháng, đã dành ra một khoản để góp phần làm quà cho các cụ già neo đơn trong một chuyến đi thiện nguyện với bạn cùng nhóm. Hay như Trần Ngọc Lan (giáo xứ Bình Hưng, quận 8) đã mau mắn đóng góp cho chuyến đi bác ái ở Tây Nguyên khi được bạn bè mời gọi. Tinh thần của Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót đã giúp một số người Công giáo ý thức hơn về tình yêu thương, sự san sẻ vật chất và tinh thần cho những người kém may mắn. Tuy nhiên, bác ái chính là tinh thần cốt lõi của đạo Công giáo nên với nhiều người, những việc thiện nguyện chẳng phải chỉ đợi mùa, đợi năm.
SƠN HẠ
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.