Các thành viên trong gia đình cách nhau về tuổi tác thường có suy nghĩ và lối sống khác nhau. Nếu không xóa đi những cách biệt này, mối quan hệ ruột thịt có nguy cơ lỏng lẻo, khó hòa hợp, ấm êm!
Những khác biệt…
Với những gia đình có các thế hệ sống chung, dễ xảy ra “va chạm” giữa người già và trẻ. Thế hệ của ông bà, cha mẹ sinh trưởng trong một giai đoạn khác với con cháu nên lối sống và cách nhìn nhận vấn đề khác biệt là chuyện đương nhiên. Thời của cha mẹ, ông bà ngày xưa, chưa có máy vi tính, Internet, sự giao tiếp với nhau chủ yếu là gặp gỡ trực tiếp hoặc viết thư tay khi ở xa. Bây giờ, con cháu sống trong thời đại số, mở mắt ra là đã gặp “mạng”, rồi điện thoại, máy tính nâng cấp liên tục... Chị Phạm Thị Hoa, 40 tuổi (ngụ quận Tân Bình, TPHCM) nhớ lại, cái thời người dân thành phố bắt đầu xài điện thoại di động, do công việc phải liên lạc nhiều nên chị cũng dành dụm tiền sắm một chiếc. Tưởng không có gì đáng nói, ấy thế mà khi ba của chị biết chuyện đã la ầm lên. Ông cho rằng con gái mình đua đòi, đâu cần phải xài “di động” cho tốn kém. Thời trẻ của ông chẳng có điện thoại cũng có sao đâu! Mỗi lần thấy con gái móc điện thoại ra bấm bấm, ông lại khó chịu ra mặt. Chị Hoa vì thế cũng không được tự nhiên, cứ “né” không muốn gặp ba. Cũng liên quan đến chuyện công nghệ, anh Xuân Thiện, 38 tuổi (quận Tân Phú, TPHCM) kể, từ lâu anh có cái thú là thích sắm và nâng cấp các sản phẩm như máy vi tính, điện thoại di động... nhưng mỗi lần thấy anh mua cái gì mới là ba mẹ và các chú trong nhà lại phản đối. Họ cảm thấy con cháu mình đang xài tiền một cách hoang phí bởi chỉ cần dùng một cái điện thoại nghe nói rõ ràng hoặc nhắn tin là được rồi. Còn với Thiện, thỉnh thoảng “nâng cấp” cái vi tính hay điện thoại, cũng mang lại niềm vui và hứng thú hơn cho công việc của mình, đó cũng chính là động lực để anh phấn đấu làm việc, tăng thêm thu nhập.
![]() |
Gia đình chị Ngọc Hằng (quận 10, TPHCM) với ba thế hệ sống cùng một mái nhà. Các con chị Hằng cứ đi học suốt, rồi đi chơi với bè bạn, ít khi nào ngồi trò chuyện cùng ông bà. Mà có ngồi được một lát thì hai đứa nhỏ lại ngáp ngắn ngáp dài vì ông bà cứ nói thao thao bất tuyệt, có khi kể đi kể lại những chuyện quá khứ, còn hai cháu thì chỉ hứng thú với một trò chơi mới trên điện thoại, nói chuyện về những đám bạn choai choai... Có lúc cả hai dùng những từ ngữ của “cư dân mạng”, ông bà cứ ngẩn ra, chẳng hiểu chúng nói gì.
Thế hệ của cha mẹ chị Thanh Liên (ngụ Hóc Môn, TPHCM) từng trải qua thời bao cấp với đời sống kinh tế khó khăn nên họ chi tiêu rất chừng mực, tiết kiệm. Trong khi Liên lớn lên ở giai đoạn mới, được học hành rồi ra trường đi làm, có thu nhập khá, cách tiêu xài “phóng khoáng” hơn. Đó cũng là lý do mà thỉnh thoảng lại có cuộc xung đột giữa con gái và bố mẹ, có khi chỉ đơn giản ở chuyện Liên thích sắm thêm một chai dầu gội đầu hợp với tóc của mình, trong khi mẹ Liên bảo “chai dầu gội cũ vẫn chưa xài hết, mua chi cho lắm...”; hoặc khi Liên thích mua chiếc xe tay ga, bố mẹ chị lại gạt đi bảo “đi xe số cho đỡ tốn xăng”…
Rút ngắn khoảng cách
Khoảng cách giữa các thế hệ là một thực tế của đời sống gia đình. Nhưng không phải gia đình nào các thành viên cũng trở nên xa cách hay thiếu gắn bó. Bởi có những nhà, các thế hệ đã biết rút ngắn khoảng cách để mọi người có thể gần gũi, hòa đồng với nhau hơn. Đó là khi người già đặt mình vào vị trí của người trẻ để cảm thông và hiểu con cháu mình. Còn lớp trẻ thì dựa trên lòng hiếu thảo để lắng nghe, tôn trọng những kinh nghiệm sống, thừa nhận những giá trị truyền thống tốt đẹp mà cha mẹ, ông bà vẫn gìn giữ.
Từ kinh nghiệm gia đình mình, chị Phạm Thị Hoa chia sẻ: “Chuyện mình xài điện thoại di động một thời gian sau đã được ba thông cảm hơn. Ông không còn càm ràm như trước vì thấy ngày càng có nhiều người dùng, cũng tiện lợi bởi có thể gọi mọi lúc, mọi nơi. Cũng có khi ba cần gặp mình gấp mà mình đang đi đâu đó, và qua điện thoại di động, ông đã gặp được một cách nhanh chóng...”. Ông Phạm Minh, cha của chị Hoa cũng thừa nhận, trước đây mình hơi khắt khe bởi cứ nghĩ con chạy theo trào lưu, đua đòi nhưng rồi bình tâm nhìn vào những mặt tích cực, để ý hơn công việc của con, thấy rõ sự cần thiết của phương tiện liên lạc này nên suy nghĩ của ông đã trở nên thoáng hơn. Cũng vậy, ông Ba Duyên, chú của anh Xuân Thiện bộc bạch, khi lớn tuổi hơn một chút, ông không còn muốn càm ràm gì cháu trai của mình bởi muốn chú cháu vui vẻ gặp nhau, không “mặt nặng mày nhẹ” làm gì cho mệt. Hơn nữa, ông nghĩ, cháu mình đã lớn, có thể kiếm tiền và chịu trách nhiệm về những gì nó làm, bản thân ông chỉ đóng vai trò “cố vấn” khi cần thiết.
![]() |
Theo chị Ngọc Hằng, để các con gần gũi với ông bà hơn, hai vợ chồng chị cố gắng là tấm gương cho các con trong việc lắng nghe, cư xử nhẹ nhàng với bố mẹ. Chị vẫn thủ thỉ với hai con rằng, ông bà già rồi nên có “tâm lý” hay nhắc về quá khứ, và tuổi già thường có cảm giác cô đơn nên thích trò chuyện, con cháu cũng nên hiểu và thông cảm chuyện này. Là thế hệ “trung gian” nên những gì bố mẹ không hiểu ở tụi nhỏ, vợ chồng chị Hằng lại đóng vai trò “phiên dịch” cho ông bà. “Trước đây, bản thân tôi cũng không hiểu nhiều từ ngữ ‘tuổi teen’ mà các con hay dùng nên phải tìm tòi, học hỏi cho biết. Tụi nhỏ chơi facebook, mình cũng tìm cách “biết chơi” để hiểu chúng nó hơn...”, chị Hằng nói.
Một số người ở tuổi trung niên còn tâm sự rằng, họ từng có thời rất hay cãi cha mẹ nhưng đến một lúc nào đó, cái tính “ngựa non háu đá” không còn nữa, thay vào đó là sự nhường nhịn, dẫu cái nhìn hay ý kiến của cha mẹ không phải lúc nào cũng hoàn toàn hợp với mình. “Mẹ tôi đã gần 80 tuổi rồi, nhiều lúc bà có nói những điều trái với ý của mình, tôi cũng chỉ giải thích cho mẹ hiểu chứ không gân cổ lên cãi như thời còn trẻ bởi biết mẹ chẳng còn sống bao lâu với mình nữa…” – Lời tâm sự của chị Vân Thy, 50 tuổi (quận 3, TPHCM) cũng là nỗi lòng của không ít người con đang sống cùng cha mẹ già.
Phải chăng khoảng cách thế hệ được rút ngắn bằng tình yêu thương, sự tôn trọng lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình? Người trẻ lớn lên hơn một chút, người già “trẻ hóa” lại để hai thế hệ cùng xích lại gần nhau hơn. Làm sao rút ngắn khoảng cách mà vẫn giữ được nếp nhà, truyền thống tốt đẹp vẫn được nâng niu, gìn giữ... Đó cũng là vấn đề đặt ra cho nhiều gia đình trong bối cảnh xã hội hôm nay.
LIÊN GIANG
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.