Có một câu nói vui rằng: “Để đo độ văn minh của người Việt, hãy tặng họ… một giàn karaoke”.
Trong bài viết về lịch sử karaoke, xuất xứ từ Nhật Bản, nhiều tư liệu cho rằng, karaoke cho cá nhân cơ hội thể hiện mình trước những người khác với chính giọng của mình mà không bị gán cho là tự kiêu tự đại. Đối với những người sống trong xã hội đầy stress, thì không có một hình thức giải trí nào khác có thể làm họ khỏe khoắn, tỉnh táo và bớt căng thẳng như karaoke. Đây là một hình thức giải trí vui vẻ sau những giờ lao động mệt mỏi, căng thẳng, giúp làm tăng thêm sự tự tin của mỗi nhân viên, là cơ hội giao lưu với đồng nghiệp, thắt chặt tình đoàn kết gắn bó. Ở Nhật, karaoke được nhiều người ngưỡng mộ đến nỗi mà một số nhà còn có máy hát karaoke từ phòng khách đến phòng ngủ. Thậm chí taxi cũng được trang bị dàn karaoke để khách có thể hát trong khi lái xe đưa họ đến điểm cần thiết. Tóm lại, có rất nhiều tiện ích mà karaoke mang lại, kể cả việc y học sử dụng nó như một “liệu pháp chữa bệnh” tâm thần.
![]() |
Ở Việt Nam, trong khoảng 20 năm trở lại đây, mức độ “phủ sóng” các dịch vụ kinh doanh karaoke và karaoke hộ gia đình phát triển mạnh. Khắp thôn cùng ngõ hẻm, từ làng đến phố, đâu đâu cũng dễ dàng bắt gặp người ta hát karaoke. Một gia đình bình dân cũng có thể dễ dàng sở hữu một giàn karaoke. Chỉ vài triệu đồng là có thể ca hát thả ga. Nhiều khi không cần đến phòng karaoke nữa mà có thể tập trung bạn bè hát tại gia như một hình thức tiết kiệm.
Ở Nhật Bản, nơi đề cao lòng tự trọng và tính kỷ luật, người dân sử dụng karaoke luôn tuân thủ cách âm, tránh làm phiền xóm giềng. Còn ở Việt Nam, ý thức người dân với cộng đồng còn kém. Có thể dễ dàng thấy một gia đình sau một ngày làm đồng, buôn bán, mệt mỏi trở về và xả stress với giàn karaoke khiến cả thôn xóm hay khu phố kêu trời kêu đất vì quá ồn ào. Tức là nhu cầu giải trí, giải tỏa căng thẳng của bản thân lại gây nên stress cho cộng đồng xung quanh. Người ta sẵn sàng dùng các mỹ từ “có máu văn nghệ” hay “máu nghệ sĩ” để bao biện cho hành động xả vào không gian công cộng những thứ âm thanh mà người khác bị nghe. Người ta không có ý thức rằng, tạp âm cũng là một thứ rác. Rác âm thanh, thậm chí còn gây hại đến người khác không thua kém rác thải sinh hoạt hay rác thải công nghiệp. Chính vì không ý thức được giới hạn tự do của mình đến đâu, nên nhiều người cứ vô tư nghĩ rằng, hãy cứ hát thật nhiều, thật to, cứ mở cửa ra để tiếng hát mình vang vọng, để cộng đồng có cơ hội “chiêm ngưỡng” giọng hát của gia đình mình, cho thấy nhà mình yêu văn nghệ, yêu đời… Đâu biết rằng, các gia đình hàng xóm đang phải oán thán, khổ sở vì trở thành nạn nhân. Có khi người ta không ý thức được rằng, nhà bên cạnh đang có người bệnh, con nhỏ thức giấc kêu khóc, gia đình căng thẳng, lục đục vợ chồng, học sinh không thể chú tâm vào bài học dù phải bước vào kỳ thi… Vô tình, nhà hát karaoke trở thành một “điểm đen” của xóm làng và mọi người nhìn với con mắt coi thường vì lối sống thiếu chừng mực.
Câu chuyện giàn karaoke và phát tán âm thanh thiếu ý thức nằm trong một bối cảnh chung của không gian sống của người Việt đang bị ô nhiễm tiếng ồn trầm trọng, bằng nhiều hình thức, nhất là ở các thành phố lớn. Giảm thiểu ô nhiễm âm thanh, nhắc nhở, xử lý các hành vi gây ô nhiễm âm thanh cần được coi trọng đúng mức, nhất là vai trò của chính quyền địa phương.
Trong khi luật xử lý ô nhiễm tiếng ồn và những quy ước cộng đồng hiện nay vẫn đang vô cùng lỏng lẻo và người ta vẫn vô tư tra tấn xóm giềng với giàn karaoke của chính mình thì việc nâng cao ý thức là việc cần thiết tức thời. Chừng nào người ta mở giàn karaoke kèm với ý thức đóng cánh cửa tránh làm phiền xóm giềng, sử dụng giàn karaoke kèm với thiết kế hệ thống cách âm và sử dụng có chừng mực về thời gian và thời điểm thì đáng mừng biết bao.
XUÂN HUY
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.