Con gái duy nhất của tôi vừa hoàn thành kỳ thi quan trọng trong đời, tốt nghiệp THPT và đủ điểm vào hệ cao đẳng ngành xét nghiệm. Nhìn điểm số cháu copy trên mạng và lưu trong thẻ nhớ chiếc “dế” sành điệu, tôi vui khôn tả cho dù điểm chỉ đủ suýt xao cho mảnh bằng tú tài và lách vừa vặn vào hệ cao đẳng.
Cha con cùng đi bộ thể dục trên đường, câu chuyện xoay quanh chủ đề học và cuộc sống với một cô gái trẻ. Tôi hỏi cháu về sự trung thực trong kỳ thi, con gái nói chắc: chẳng những kỳ thi mà suốt 12 năm học phổ thông con chưa gian lận gì hết, tôi tin, “vậy là tốt rồi!”. Cuộc đời trước mặt còn dài, song vốn liếng tri thức và nhân cách thế là ổn. Cháu chịu khó học, biết tự chăm sóc bản thân và có suy nghĩ độc lập, hiểu biết tương đối. Phiền muộn của một cô gái trẻ chính là gia đình, “các người lớn sao... không xì – tin, cái gì cũng NO, khó chia sẻ tâm tư, khó đồng điệu…”. Tôi nghe và hiểu nhiều hơn những gì cháu “chia sẻ” về bà nội, về mọi người.
![]() |
Tôi cũng nói với cháu nhiều, rất nhiều về khoảng cách thế hệ, nhận thức cuộc sống cùng một loạt khập khễnh khó tránh giữa người trẻ - người già, chuyện quá xưa cũ song không sao tránh được, cứ mới hoài... Tôi phân tích sâu sắc cho con về sự kiên nhẫn và thấu hiểu để giải mã tình cảm, sự quan tâm và chia sẻ quan niệm sống với ông bà cha mẹ từ vị trí của một người trẻ được trang bị nhiều tri thức, hội nhập tốt trong một xã hội mở và vận động nhanh như ngày nay... Tôi hiểu, mình phải làm sao để con luôn cảm được hơi ấm gia đình, kéo gần khoảng cách các thế hệ lại.
Cháu thủ thỉ với tôi về bà ngoại, “xì tin hơn bà nội, thường chêm tiếng Anh tiếng Pháp vào sinh hoạt hằng ngày, đùa giỡn với con như một người bạn thực sự, bà còn nhờ con mời cả các bạn cùng lớp về nhà chơi”. Tôi mỉm cười, biết con gái nghĩ gì và cán cân tình cảm ra sao, rồi “đả thông tư tưởng” cho cháu (và cũng cho chính mình!) về sự khác biệt và dung hòa khác biệt. Bà nội và bà ngoại học vấn, hoàn cảnh sống khác nhau, tâm lý có khác, cách biểu hiện tình cảm có “phương pháp” khác, chứ không hề khác về tình thương dành cho cháu, giọt máu ai mà không yêu thương? “Mỗi người thương theo cách riêng, vấn đề là con có giải mã được những tín hiệu tình cảm hay không?”… Tôi liên hệ, ngay cả tình yêu của bố mẹ dành cho con gái cũng vậy, mỗi người có một cách thể hiện, song dù thế nào cũng quy về một tình thương. Con gái cười như đã hiểu ra vấn đề. Tôi cảm thấy nhẹ lòng hơn.
Vâng, vấn đề của con gái rượu của tôi cũng là vấn đề chung đã và đang làm khó biết bao bậc phụ huynh. Vận động và hội nhập xã hội làm độ cong vênh trong quan hệ giữa các thế hệ bớt gắn bó hơn, tiếng nói chung khó tìm, như tôi – người cha - phải làm “phiên dịch” để con gái mình hiểu bà nội hơn vậy.
Con gái bước vào tuổi đang lớn, quả là cha mẹ phải làm “bạn” để hiểu con hơn – hiểu để còn “dịch” giúp cho mối quan hệ người trẻ - người già vơi đi khoảng cách.
Thiên Ân
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.