Bốn mươi năm trước, người trong xóm gọi đùa căn nhà tôi là “ngã tư quốc tế” bởi ồn ào nhất xóm, đủ thứ chuyện xảy ra do nhà rộng lại tập trung nhiều anh chị em sống cùng nhau dù phần lớn đã lập gia đình. Mỗi “hộ” được cư ngụ trong một căn phòng rộng hơn 40 m2. Con cái các anh chị chênh nhau vài tuổi, vừa là chị em vừa có thể là bạn bè, đi chơi cùng rủ nhau đi, và khi gây lộn thì cả xóm đều bị tra tấn chung. Con gái thường gây nhau vụ quần áo khi cùng đi mua sắm, vui thì chia nhau mặc, buồn thì lấy lại và thế là sinh chuyện. Con trai ít gây hơn, song thỉnh thoảng hai thằng lại dành nhau sợi dây nịt hay đôi giày Adidas hoặc cặp kính đổi màu thời thượng thuở đó.
![]() |
Bà con xa không bằng láng giềng gần. Ảnh minh họa |
Rồi các cháu tôi lớn lên, có việc làm ổn định, ý thức trách nhiệm với cha mẹ nên cùng hùn tiền nhau mua nhà riêng. Gia đình chị Hai đi trước. Con chị Tư làm ăn khá cũng mua nhà riêng. Đến con anh Năm mua căn hộ chung cư cao cấp cho ba mẹ. Căn nhà “từ đường” chỉ còn tôi và mẹ.
Vài năm sau, con của các anh chị tôi lại lập gia đình và ra riêng. Dường như thế hệ trẻ năng động và giỏi giang hơn ba mẹ chúng nhiều. Chuyện mua cho mình một căn nhà riêng với các cháu tôi cũng trong tầm tay. Cứ có một số tiền đặt cọc trước rồi mượn ngân hàng trả từ từ. Hoặc mua trước một miếng đất, cất lên căn nhà cấp bốn rồi tu bổ mỗi khi dành dụm được tiền. Chị Hai chợt thấy cô đơn sau khi chồng chết và con cái ra riêng. Trở về xóm cũ, nghe một căn nhà gần nhà mẹ bán để xuất cảnh, chị liên hệ mua liền. Sống gần nhà mẹ và em gái út, chị thường bưng sang cho mẹ tô canh hay con cá tươi mới chiên nóng hổi. Các con chị thấy vậy cũng rủ nhau nghe ngóng căn nhà nào trong xóm bán để mua, để được ở gần má và bà ngoại. Rồi khi vợ anh Năm qua đời, con gái có chồng, anh lại về mua căn nhà nhỏ chỉ cách nhà chị Hai một hẻm nhỏ. Thế là mỗi tối, chị Hai, anh Năm đến nhà thăm mẹ rồi uống cà phê cùng em út. Tôi làm cho anh chị mỗi người một chìa khóa cổng, có thể vào bất cứ lúc nào. Một ngày, thật bất ngờ, chị Tư lại về xóm hỏi mua căn nhà chỉ cách nhà tôi vài bước chân. Ngẫm lại lúc các anh chị mới dọn đi xa, có thời gian tôi thấy căn nhà thật trống trải, chỉ mình tôi với mẹ, có khi cả ngày chẳng có tiếng nói vì ai ở phòng nấy... Phải có trải nghiệm về sự cô đơn rồi mới thấy thật quý khi được sống gần gũi những người thân yêu. Hồi nhỏ sống chung có lúc cứ gây gỗ, ấy vậy mà xa nhau lại thật nhớ và hối tiếc một thời đã không biết trân trọng tình chị em.
Ông bà ta nói rất đúng “Ở xa mỏi cẳng, ở gần mỏi miệng”. Mỏi miệng ở đây có thể hiểu là gây gỗ nhau, cũng có thể hiểu là chia sẻ nhau bao điều mà không thể nói với người ngoài. Dù nghĩa gì đi nữa, được sống bên nhau, cùng chia sẻ niềm vui hay nỗi buồn, há chẳng phải là điều hạnh phúc sao?
Chắc chắn sẽ có những bất đồng khi gặp nhau thường xuyên nhưng tôi nghĩ, rồi cũng sẽ như ngày xưa, giận nhau đó, gây nhau đó rồi lại huề... Có một điều tôi tin rằng nếu một người gặp “sự cố” gì, thể nào anh chị em khác cũng rất lo lắng, bởi tất cả đều biết không gì thân tình hơn “người một nhà”.
Vũ Nguyễn Anh Thảo
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.