Thứ Hai, 06 Tháng Sáu, 2016 14:36

“Thế giới ngầm” trong trường học

Dịp tổng kết năm học, tôi có dịp nhìn lại việc học tập cũng như các sinh hoạt, đạo đức của học sinh trong lớp mình chủ nhiệm. Năm học vừa qua, lớp tôi nổi lên một chuyện: Có 2 học trò bị cả lớp tẩy chay với lý do “lãng xẹt”: Bạn thứ nhất là học sinh trường khác mới chuyển đến, “học giỏi, ngoại hình xinh xắn nên các bạn nữ trong lớp tẩy chay”; còn bạn kia “nhà nghèo, ba mẹ chỉ làm công mà lại học giỏi hơn những bạn khác, một lần lỡ lời khiến cả lớp giận”. Tìm hiểu kỹ mới biết tình trạng tẩy chay bạn học xảy ra nhiều và nghiêm trọng nhưng hầu như không được báo cho cha mẹ hay nhà trường

Tôi và các giáo viên phải phát hiện và xử lý chuyện này ra sao ạ? Xin chia sẻ với chúng tôi đôi điều để chuyện này được khắc phục trong năm học tới.

(Một giáo viên chủ nhiệm lớp 9 - Đồng Nai)

Thuật ngữ “tẩy chay” chính thức ra đời vào năm 1880 (tiếng Anh: Boycott) nhằm chỉ “như không biết gì đến, không mua, không dùng, không tham gia, không có quan hệ, để tỏ thái độ phản đối”.

Công bằng mà nói, khi mục tiêu tẩy chay có tính giáo dục, ở mức độ vừa phải đã góp phần điều chỉnh những hành vi lệch chuẩn, mang lại hiệu quả tích cực như tẩy chay việc mua bằng, việc hôn nhau sỗ sàng của các đôi trong lớp học, mặc áo xuyên thấu, giở tài liệu trong giờ kiểm tra, kiêu ngạo coi thường mọi người, thực phẩm bẩn, lối sống ích kỷ...

Tẩy chay ở học đường đang là một hình thức bắt nạt đáng sợ mà ít người lớn được biết câu chuyện của các em. Tại trường học, một số học sinh bị các bạn tẩy chay vì rất nhiều lý do, nhưng hầu hết đều có chung hậu quả là các em bị khủng hoảng tinh thần nặng nề gây lo âu, trầm cảm, thậm chí khiến trẻ tìm đến cái chết.

Khi một con người không được tập thể chấp nhận, họ có thể lâm vào tình trạng ức chế nặng nề và dễ nảy sinh suy nghĩ bốc đồng, gây tổn thương đến thân thể người khác. Những tác hại nguy hiểm, kéo dài của việc bị bắt nạt là rất khó lường. Điều đáng nói là các em thường rất đơn độc trong “cuộc chiến” chống lại tình trạng bị tẩy chay, bị kỳ thị đó. Các em thoát ra khỏi tình huống bắt nạt mà không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào. Các sự việc bắt nạt chỉ dừng lại khi “chủ trò” chuyển lớp, chuyển trường hoặc tự chấm dứt các hành vi đó. Đây là một hình thức bạo lực tinh thần, ám ảnh rất lâu, cả sau khi đã rời tuổi áo trắng.

Học sinh THCS dễ rơi vào tình trạng tẩy chay hơn học sinh THPT. Những em có tính cách khác biệt dễ bị tẩy chay hơn học sinh bình thường. Có muôn vàn lý do để các em dẫn tới tẩy chay bạn hay bị bạn tẩy chay: người mập quá, không tham gia vui chơi cùng các bạn; không cho mượn tiền, mặc áo đụng màu đụng kiểu..., hay các lý do trầm trọng hơn như chửi bạn ngu khi bạn trả lời sai, ở dơ, học kém không trả lời được những câu hỏi quá dễ, bị nghi ngờ ăn cắp, mách với thầy cô những việc xấu của bạn bè, không chịu cho xem bài trong giờ kiểm tra.

Ngay cả lớp trưởng cũng bị tẩy chay vì phê bình nặng lời các bạn và cả những học sinh giỏi cũng không ngoại lệ vì “chỉ ngồi trong lớp đọc sách, không thèm để ý và không nói chuyện với bạn bè, không làm bài tập giùm bạn”.

Những kẻ “ném đá” thường dùng cách nói bóng nói gió, kể những câu chuyện có tính chất mỉa mai đến đặc điểm của nạn nhân, lôi kéo bạn bè không chơi cùng, cắt đuôi khi đi chung một nhóm, cố tình ngáng chân để bạn ngã, xúc phạm đến những điều riêng tư như lục cặp lấy nhật ký của bạn đọc giữa lớp cho mọi người cùng nghe để bạn đó khóc, còn các bạn trong lớp thì cười. Mức độ không dừng lại đó, các em còn đi xa hơn: giấu tập vở để thầy cô cho điểm kém vì không có tập ghi bài, học bài; vứt cặp sách vào thùng rác công cộng; tổ chức đánh hội đồng bạn bị tẩy chay. Các em còn bêu riếu bạn bị tẩy chay trên Facebook với những lời mạt sát và video clip không chỉ trong phạm vi một lớp mà liên lớp, toàn trường.

Chung quy lại các hình thức tẩy chay thường là: không nói chuyện, không chơi chung, nói xấu, chửi bới, chọc phá, đánh bạn.

Tẩy chay giống như một hoạt động của “thế giới ngầm” trong học sinh mà nhà trường và thầy cô giáo, kể cả cha mẹ học sinh ít khi phát hiện. Để phát hiện và chấm dứt tình trạng này, cá nhân phải lên tiếng và kêu gọi sự giúp đỡ. Tách học sinh khỏi môi trường tẩy chay, chuyển sang lớp khác cũng là một biện pháp hay. Kết quả khi sang môi trường mới bạn bè thân thiện hơn, học sinh bị tẩy chay đã nhìn lại mình để trở lại bình thường, tự tin hơn với bản thân và các mối quan hệ. 

THẠC SĨ- BÁC SĨ LAN HẢI

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm