Thứ Bảy, 14 Tháng Năm, 2016 12:40

“Thương hiệu” của phụng sự

Gần nhà tôi có ông chú trung niên là ca trưởng ca đoàn giáo xứ. Chú thất nghiệp kinh niên, sức khỏe yếu, phải phụ thuộc tài buôn bán của vợ. Đời sống kinh tế khá bấp bênh nhưng được cái, gia đình thuận hòa vui vẻ. Các con chú cũng theo gương cha tham gia các hoạt động phục vụ cộng đồng dân Chúa như ca đoàn, dạy giáo lý... Rồi bỗng dưng có chàng trai trẻ ở xứ cờ hoa trở về làng tìm vợ. Thông qua bà con họ hàng, chàng Việt kiều làm quen với vài cô gái. Ai cũng xinh đẹp ngời ngời song cuối cùng, anh chỉ chấm mỗi cô con gái của ông ca trưởng. Đơn giản, với anh, khi lấy vợ, không có thời gian tìm hiểu quá nhiều, thì con gái của một gia đình phục vụ Chúa là một “bảo chứng” đáng tin cậy. Sống trong một gia đình có nền tảng như vậy, chắc hẳn đó cũng là một cô gái gia giáo, có thể trở thành một người vợ, người mẹ tốt. Thế là anh Việt kiều quyết định tìm hiểu kỹ hơn rồi đi đến đám cưới. Hơn chục năm sau, anh bảo lãnh cả gia đình sang Mỹ định cư. Cuộc sống của họ đã sang trang với những công việc và niềm vui mới.

Cũng tương tự, gia đình cô - dượng của tôi đông con, khó khăn, dượng thất nghiệp triền miên, đời sống kinh tế bấp bênh, nhưng không khí gia đình rất êm ấm. Dượng tham gia hội đồng giáo xứ, các con đều thành tài, được giáo dục bài bản, kể cả xin được học bổng du học xứ người mà nếu đi tự túc, gia đình không thể nào kham nổi. Cô, dượng luôn cho đó là ân huệ của Chúa và tạ ơn Ngài đã ban cho gia đình mình.

Có nhiều người xâu chuỗi các trường hợp của những gia đình như thế để cảm nghiệm về mặt tâm linh: khi phục vụ hết mình cho Chúa, sẽ được Ngài trả công bội hậu. Chúa không trả bằng tiền bạc vật chất mà bằng những ơn lành cho gia đình. Những ơn đó, chỉ sau một thời gian thử thách, bạn mới nhận ra mình đã được hưởng như thế nào.

Nhìn ở một góc độ khác, rất đời: khi những bậc phụ huynh làm việc hướng thiện, chăm lo đời sống tinh thần, họ đã đặt gia đình mình vào một môi trường giáo dục của lòng yêu thương. Cộng hưởng những giá trị nhân bản từ giáo dục gia đình Công giáo, nhà trường..., con trẻ sẽ như một hạt mầm tốt, phát triển trong môi trường trong lành, có khả năng “nên người”.

Thương hiệu “phụng sự” không phải do người ta ý thức chủ động tạo ra giống như những nhãn hàng trên thị trường, mà được hình thành một cách ngẫu nhiên, bằng sự nhiệt thành đến với Chúa, chỉ với nhận thức ban đầu rằng phụng sự cộng đồng để làm gương cho con mình một đời sống hướng thiện. “Thương hiệu” hình thành mà chính họ cũng không ý thức được. Có thể không mang lại nhiều giá trị kinh tế trong cuộc sống gia đình, nhưng qua việc dấn thân phục vụ, nhiều người đã mang lại điều quý giá hơn: gieo mầm tốt cho con.

Dù ở góc độ tâm linh hay trần thế, chúng ta đều thấy việc định hướng và tạo môi trường đạo đức cho gia đình là một điều rất quan trọng. Nhiều bạn trẻ du lịch ở đất nước Phật giáo Thái Lan, khi tiếp xúc với người dân, câu hỏi mà các bạn được hỏi là: “Ở Việt Nam, bạn theo tôn giáo nào?”. Nhiều người Thái đã tỏ ra hoảng hốt khi nhận được câu trả lời là “không”. Với họ, việc trẻ con lớn lên, được giáo dục trong một môi trường tôn giáo bất kỳ là một điều gần như hiển nhiên được khuyến khích.

Khi giá trị vật chất và thực dụng đang lên ngôi trong thời đại này, môi trường giáo dục gia đình mà con trẻ được đắm mình trong tinh thần Phúc Âm, lẽ công bằng, tình bác ái là hết sức cần thiết. Nó là môi trường giáo dục gần gũi nhất, hiệu quả nhất, nhưng đòi hỏi góc nhìn thông suốt của các bậc cha mẹ trong vai trò những đầu tàu. Những đầu tàu sẽ kéo cả đoàn tàu gia đình đi xa và bền vững. Đó là vùng đất hứa, phải đâu xa xôi?

Quảng Sơn

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm