Thứ Bảy, 20 Tháng Hai, 2016 19:24

Tim bẩm sinh

Rất nhiều cha mẹ có con bị tim bẩm sinh, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về căn bệnh này.

Một số dấu hiệu nhận biết bệnh tim bẩm sinh ở trẻ: Quan sát xem môi, móng tay, móng chân, da trẻ có tím hay không? Trẻ có tình trạng thở nhanh? Bú mỗi cữ nhiều hay ít? Thời gian bú mỗi cữ dài hay ngắn? Đi tiểu nhiều hay ít? Có tăng cân đều đặn không?...

Theo dõi :

Có một vài suy nghĩ rằng khi trẻ bị bệnh tim bẩm sinh thì bắt buộc phải phẫu thuật nên người nhà bệnh nhân rất hay thắc mắc tại sao bác sĩ hẹn tái khám mà không phẫu thuật ngay lập tức, trên thực tế, tim bẩm sinh có nhiều loại, có những thể bệnh đơn giản, kích thước lỗ thông nhỏ, lỗ thông nằm ở vị  trí dễ đóng, không có tình trạng tăng áp phổi, không kèm với các dị tật tim phức tạp khác, không ảnh hưởng nhiều đến huyết động... Những trường hợp này, bác sĩ sẽ dặn dò tái khám, theo dõi, không xử trí gì nhiều, trẻ vẫn hoạt động bình thường.

Tuy nhiên, có những thể bệnh phức tạp hơn như:

Ngoài tim bẩm sinh còn đi kèm với đa dị tật như hội chứng Noonan, Leopard... Hoặc có kèm tình trạng tăng áp phổi, kích thước lỗ thông lớn, lỗ thông có thể ảnh hưởng tới chức năng của lá van (như làm hở van chủ). Ngoài ra, còn kèm theo hẹp van động mạch phổi (hoặc do lưu lượng máu lên phổi tăng gây hẹp tương đối van phổi, hẹp tại van phổi có tính chất bảo vệ, giảm tình trạng tăng áp lực ở mao mạch phổi nên có thể theo dõi và can thiệp đúng thời điểm). Cũng có khi bất thường phát xuất động mạch vành trái từ động mạch phổi (ít gặp nhưng nặng, động mạch vành không gắn vào động mạch chủ, mà thay vào đó, gắn vào động mạch phổi), chuyển vị đại động mạch, thân chung động mạch, bệnh tim tâm thất độc nhất, và  các dị tật tim bẩm sinh nặng và phức tạp khác.

Những dị tật tim nêu trên có thể xảy ra đồng thời hoặc riêng lẻ, phối hợp, làm cho bệnh càng trở nên phức tạp, vì vậy tùy thuộc vào nhiều yếu tố để xem xét nên bác sĩ sẽ hẹn tái khám nhiều hơn, và xem xét đến việc có nên phẫu thuật hay không.

Một số cha mẹ còn hay thắc mắc vì sao con mình có vẻ không tăng cân đều đặn hoặc khi bú hay khóc, hay bị viêm hô hấp tái đi tái lại... Vì trong một số bệnh tim bẩm sinh, có thể dẫn đến tăng lưu lượng máu lên phổi, làm cho trẻ dễ bị tăng áp phổi và suy tim, điều này làm trẻ hay bị nhiễm trùng hô hấp, bú yếu hơn, thở mệt, suy dinh dưỡng, chậm tăng  cân. Nên theo dõi biểu đồ tăng trưởng của trẻ, nếu có dấu hiệu bất thường như ngưng tăng cân hoặc đi xuống thì hãy đưa bé đến bác sĩ dinh dưỡng để được theo dõi về chế  độ dinh dưỡng.

Điều trị :

Điều trị như thế nào, đóng bằng dụng cụ, nong van bằng bóng, đặt stent, phẫu thuật... sẽ được quyết định dựa trên nhiều yếu tố như tình trạng tăng áp phổi, trẻ có bị nhiễm trùng nặng hay không, mức độ hẹp của các van, tật tim bẩm sinh nặng hay không... Vì vậy người nhà cần đưa bé đi thăm khám theo lịch hẹn đầy đủ.

Bác sĩ Nguyễn Nhật Uy

(Bệnh viện Nhân Dân Gia Định)

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm