Tôi vẫn nhớ mãi một thời khó khăn của gia đình mình. Bố tôi đi làm bảo vệ cho một công ty, lương ba cọc ba đồng, chẳng đủ nuôi ba miệng ăn trong nhà. Để đỡ đần cho bố, mẹ tôi cũng gom góp và thuê được một khoảng đất để trồng rau. Ngày nào cũng vậy, khi mặt trời chưa kịp tỏ, mẹ đã lụi cụi dậy, lo bữa sáng cho cả nhà rồi băng mình giữa sương giá trên chiếc xe đạp cà tàng, tất tả thu hoạch rau và mang ra chợ bán. Vất vả nhưng thu nhập cũng chẳng bao nhiêu. Mẹ chẳng nề hà, tiếp tục kiếm thêm những việc khác, tần tảo nhặt nhạnh từng lon ve chai lúc nắng, lúc mưa. Rồi sự khổ ải cũng qua, khi cuộc sống dần ổn định, mẹ quyết định lui về làm hậu phương vững chắc cho bố con tôi...
![]() |
Nhưng có một ngày, mẹ đi đâu mãi đến xế chiều vẫn chưa về, khác hẳn thói quen hằng ngày của mẹ. Thấp thỏm một nỗi lo mơ hồ, tôi và bố chia nhau đi tìm. Vòng quanh khắp khu chợ vẫn không thấy bóng dáng mẹ đâu. Những người xung quanh cũng không ai biết... Mãi đến khi hoàng hôn buông, bố con tôi mới tìm thấy mẹ đang ngồi lặng thinh trước biển. Ráng chiều vàng vọt buông lả lơi trên mặt nước và in hằn bóng mẹ trên nền cát trắng xóa. Tôi và bố lặng người.
Thì ra mẹ đang cảm thấy rất buồn nên ra đây ngồi một mình. Mẹ đã bỏ quên tuổi thanh xuân của mình với những cuộc vui vầy, đi chơi hay sắm sửa để toàn tâm toàn ý cho gia đình. Khổ là thế, nhưng khi mẹ lui về chăm lo và phục vụ chồng con lại bị người ngoài cho là “ăn bám” hay “phụ thuộc” chồng. Trước đây, đã có lần mẹ bảo tôi: “Con ráng mà học, đừng để không có công ăn việc làm, đừng để người ta khinh mình, con ạ”. Những lúc ấy, tôi chỉ biết nói: “Mẹ đừng nghe lời thiên hạ bàn tán để rồi lại suy nghĩ, ảnh hưởng đến sức khỏe”. Không ngờ, những lời nói ra nói vào của người này người kia lại khiến mẹ tôi buồn bã, chênh chao như thế.
Sau chuỗi ngày ấy, bố con tôi phần nào thấu hiểu những phiền muộn mà mẹ giấu kín bấy lâu và luôn cố gắng dành nhiều thời gian hơn cho mẹ. Những bữa ăn tuy đạm bạc, đơn sơ nhưng lúc nào cũng rôm rả tiếng nói cười. Cuối tuần, để thư giãn cũng như vun đắp thêm tình cảm, sự gắn bó, bố thường dẫn cả nhà “nghỉ dưỡng” tại một quán cà phê nào đó. Và mùng 8 tháng 3 năm ấy, bố tôi gắng dành dụm một khoản tiền kha khá mua tặng mẹ một bó hồng thật tươi cùng với xấp vải để may áo dài. Bố còn nắn nót ghi lời chúc lên tấm thiệp gởi mẹ: “Anh và các con luôn bên em. Mãi cười em nhé!”. Mẹ vui lắm, nụ cười luôn nở trên môi.
Riêng tôi cũng dành tặng mẹ một món quà thật ý nghĩa với kết quả thi đậu đại học với số điểm khá cao. Đi đâu mẹ cũng khoe với chòm xóm, họ hàng, bạn bè, kể cả trong bữa ăn mẹ cũng không ngừng nhắc: “Con gái mẹ sắp thành tân sinh viên rồi”. Mẹ mừng vì con gái cuối cùng cũng đạt được ý nguyện, đã viết tiếp trang học vấn còn dang dở của mẹ.
Cuộc sống với những sóng gió, thăng trầm, miệng đời vẫn cay nghiệt nhưng giờ đây, mẹ tôi đã sống thoải mái, tự tại hơn trước rất nhiều. Tôi tin sức mạnh của tình yêu thương, sự chở che và động viên mà gia đình mang lại đã lấn át tất cả những thị phi bên ngoài. Đôi khi nhắc lại, giọng mẹ vẫn còn rưng rưng: “Chính sự động viên, khích lệ và niềm tin yêu của cả nhà đã giúp mẹ vượt qua tất cả”…
Nguyễn Thị Chi
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.