Thứ Bảy, 19 Tháng Chín, 2015 11:12

Tự học trước thách đố học thêm

Liên tiếp nhiều năm, thủ khoa các trường đại học từ các tỉnh nghèo đỗ đạt nhờ vào nỗ lực tự học. Nhiều bậc cha mẹ cũng đã nhận ra rằng hình thành cho con thói quen tự học từ nhỏ là điều rất tốt. Song thực tế, bên cạnh việc nỗ lực giúp con tự học, phụ huynh không khỏi ưu tư và phiền muộn trước chuyện học thêm với nhiều khía cạnh méo mó đã trở nên bi kịch của toàn xã hội.

Một lớp học thêm

Đằng sau những lớp học thêm

Chia sẻ về chuyện tại sao vợ chồng mình khuyến khích các con tự học, chị Nguyễn Thị Liên, 40 tuổi (ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) kể, từ hồi tiểu học, chị đã cho hai con đến nhà cô giáo học thêm. Suốt mấy năm ấy, hai con đều là học sinh giỏi bởi đã được cô giáo “mớm” sẵn bài thi nơi lớp dạy thêm. Vào cấp hai cũng vậy, con chị tiếp tục đi học thêm các môn chính, còn môn phụ thì ba mẹ mời gia sư về nhà ôn bài dùm. Kết quả là con gái đầu của chị đã rớt tuyển sinh lớp 10. “Từ nhỏ, các con cứ là học sinh giỏi nên tôi tưởng chúng giỏi thiệt. Không ngờ tất cả chỉ là ảo khi trong một kỳ thi công bằng, hợp lý, cháu rớt thẳng…cánh”, chị Liên nói. Từ thất bại này mà vợ chồng chị mới nghĩ đến việc để các con tự học. Anh chị đích thân mua các sách bài tập môn Toán, Lý, Hóa và Anh văn. Trong hè, trước khi đi làm, họ bảo hai con cố gắng giải bài tập trong sách, nhất là ba môn tự nhiên, mỗi môn chừng hai bài thôi nhưng cố gắng tập trung làm, không nhìn vào đáp án phía sau. Con gái đầu vừa rớt lớp 10, con thứ đang học lớp 8, nhưng cùng học lại toàn bộ chương trình từ lớp 6. Buổi tối, sau giờ cơm, anh chị kiểm tra lại bài tập và so sánh với bài giải, đồng thời hỏi các con có thể tìm ra cách giải nào khác không. Sau đó cùng các con học…Anh văn. Kết quả vào lớp 10 trường Marie Curie, sức học con gái lớn tiến bộ hẳn, con gái nhỏ cũng đã có sự tự tin để thi vào lớp 10.

Đồng hành với con trong giờ học ở nhà

Cùng hoàn cảnh như chị Liên, anh Nguyễn Nhân, 45 tuổi (ngụ quận 3, TPHCM) từng cay đắng khi hằng tháng bỏ một số tiền không nhỏ cho con trai học thêm. Vậy mà lúc chuyện trò, anh phát hiện con mình toàn học vẹt. Thằng bé cứ ngơ ngẩn khi nghe cha hỏi về những kiến thức vật lý cơ bản. Đã vậy, cô chủ nhiêm thường xuyện “mắng vốn” trong những lần họp phụ huynh rằng con trai thường ngủ gật và quay bài giờ kiểm tra. Là kỹ sư xuất thân từ đại học Bách khoa, anh Nhân mua sách Toán, Lý, Hóa về. Anh bảo con sau giờ học ở trường về nhà, dành hai tiếng giải bài tập trong sách. Buổi tối, anh kiểm tra lại, khuyến khích con làm thêm vài bài tập trước khi đi ngủ.

Truyền tinh thần tự học cho con

Có những người từng lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn và từ nhỏ đã có thói quen tự học nên đến khi lập gia đình, làm cha làm mẹ, họ lại truyền cho con cái tinh thần tự học. Anh Quang Khải, 40 tuổi (ngụ quận 1, TPHCM) cho biết, ngay từ khi con trai mới vào lớp 1, anh đã tập cho con có thói quen mỗi tối, sau 7 giờ là ngồi vào bàn, mở sách ra tự học bài và làm bài. Năm nay, con vào lớp 5, anh Khải vẫn nhắc nhở để duy trì thói quen tự học của con. Trong lúc con ngồi học, anh cũng ngồi bên để khích lệ, cho cậu bé không cảm thấy cô độc. Đôi khi, anh vẫn giúp con trả bài học thuộc lòng. Với những môn trong khả năng của mình, khi con “bí”, anh cũng gợi ý hay tìm cho con hướng giải quyết. Anh hay khuyên con xem trước bài mới để ngày hôm sau nghe giảng sẽ tiếp thu nhanh hơn. Cũng vậy, anh Trần Văn Hà, 47 tuổi (ngụ huyện Thống Nhất, Đồng Nai) luôn động viên con tự học từ nhỏ. Anh không tiếc tiền mua sách tham khảo cho con. Khi chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT, anh có cho con đi luyện thi, nhưng theo anh, “đi để xem giáo viên có những phương pháp giải bài tập các môn tự nhiên ngắn gọn và hay hơn không, chứ không hoàn toàn dựa vào thầy cô, về nhà vẫn phải tự ôn tập và tự giải bài là chính…”. Kết quả kỳ thi tốt nghiệp vừa qua, con trai của anh đạt 35 điểm. So với bạn cùng lớp, cậu học trò này học thêm ít nhất nhưng điểm cao nhất trong đám.

Bà Lê Minh Tâm, 50 tuổi (ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) cũng đồng tình với việc tạo ý thức tự học cho con từ nhỏ. Bà quen ngồi đọc sách bên cạnh trong lúc con học bài và cũng tạo điều kiện cho con bằng cách mua sách luyện bài tập, sách đọc thêm… để con có nguồn tham khảo phong phú. “Quan trọng là tập cho con có thói quen tự học. Đừng bao giờ để con có suy nghĩ học thêm nhà thầy cô giáo để được nâng điểm hoặc lúc nào cũng suy nghĩ phải học thêm mới giỏi”, bà nói.

Xin thầy cô đừng “o ép”…

Tuy vậy, việc tự học của học sinh cũng gặp phải một số khó khăn nhất định khiến các em không thể dành hết thời gian ngoài giờ đến lớp cho chuyện này. Một trong những lý do phải kể đến là vấn đề o ép đi học thêm của các giáo viên. Không phải phụ huynh nào cũng muốn gởi con cái cho các lớp dạy thêm song bất đắc dĩ, vì muốn con mình được “yên ổn” trong lớp nên họ phải theo. Chị Trần Thị Mùi (ngụ quận 8, TPHCM) than thở: “Nếu là học sinh yếu kém, thầy cô dạy thêm cũng tốt. Đằng này, con trai tôi đã có ý thức tự học từ nhỏ. Cháu luôn để dành tiền mua sách tự luyện. Vậy mà hễ không đi học thêm thầy cô thì dù lỗi rất nhỏ cũng bị trừ điểm thật nặng…”. Theo chị, nếu như vậy, làm sao xã hội có những trí thức xứng tầm và sau này là những công dân biết tự giác làm và nhận trách nhiệm công việc của mình? Chị Ngọc Lan (quận 3, TPHCM) cũng nhắc đến những “khó khăn” của giáo viên đối với một số học trò không đi học thêm mà chị biết. Ngay bản thân chị một thời dù rất ý thức với việc tự học song một khi không đi học thêm, vào lớp có làm bài thật tốt chăng nữa cũng bị thầy cô gây khó dễ, bắt bẻ từng chút…

Chính vì thế, nói đến chuyện “tự học” của con trẻ, trách nhiệm của cha mẹ thôi chưa đủ mà về phía nhà trường, ngành giáo dục cũng phải làm sao để cùng cộng tác với phụ huynh trong việc cổ vũ tinh thần tự học này.■

Nguyễn Ngọc Hà

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin tức liên quan
Tin khác
Xem thêm