Thứ Bảy, 14 Tháng Năm, 2016 12:43

Ươm tinh thần trách nhiệm cho trẻ từ hội chợ

Mấy năm nay, trường tiểu học Lương Thế Vinh (quận Tân Bình, TPHCM) đã tổ chức một hoạt động ngoại khóa thật ý nghĩa cho các học sinh: Hội chợ đồ cũ.

Hội chợ năm nay vừa diễn ra vào cuối tháng 4, là dịp để các học sinh từ khối lớp 1 đến lớp 5 trao đổi hàng hóa cùng bạn bè. Tại đây, các bé bày những gian hàng quần áo, sách, truyện tranh, đồ chơi - những món đã qua sử dụng mà chưa hư, theo từng lớp hay từng nhóm nhỏ, rồi tự định giá. Đến hội chợ, có thể bắt gặp hình ảnh dễ thương của một bé lớp 5 vui vẻ đổi 10 quyển Doremon để lấy món đồ chơi rô-bốt của một bạn lớp 4; hoặc bé lớp 3 đổi hai con thú nhồi bông lấy một bộ đồ thun còn mới; bé lớp 2 thích thú với con khủng long nhựa vừa đổi được từ con búp bê với bạn ở gian hàng bên cạnh. Nếu không trao đổi, những truyện tranh cũ được định giá 1.000 đồng/cuốn.

Những món đồ chơi, sách, quần, áo... được các bé bày bán tại hội chợ đồ cũ

“Cũ người mới ta”, những cô cậu trò nhỏ rất vui và hào hứng với loại hình sinh hoạt ngoại khóa này. Các phụ huynh cũng tham gia hội chợ, phụ con bán hoặc lựa chọn những món hàng con vừa ý. Chị Nguyễn Thị Thanh, 35 tuổi - vui vẻ kể: “Có những món đồ ngoài cửa hàng giá hơi mắc. Vào đây chỉ vài ngàn đồng, tôi mua về cho con chơi. Năm sau nếu đồ chơi còn mới lại ra đây bán hoặc trao đổi”. Một phụ huynh khác - anh Tiến Thành cho biết, việc trao đổi như thế cũng góp phần tạo nên tính cách một con người. Từ năm đầu tiên, con của anh vào học đã luôn chơi đồ chơi một cách cẩn thận, truyện tranh đọc cũng kỹ lưỡng, không viết vẽ bậy vào, quần áo mặc rất chỉn chu, không làm rách xước... Tất cả chỉ để đợi đến kỳ hội chợ có thể bán hoặc trao đổi. Và qua đây, không chỉ gầy dựng cho trẻ ý thức trách nhiệm với những gì thuộc về mình mà còn tạo cái tâm trong buôn bán hay trao đổi. “Con trai tôi đã thẳng thắn bỏ đi những quyển truyện rách và mấy món đồ chơi móp, gãy. Thằng bé chỉ mang ra gian hàng những gì cậu tin là bạn bè vẫn còn xài được và tự hào khi mua được. Nó từng bảo tôi là bán đồ hư, bạn bè sẽ cười con gian dối”, anh Thành nói.

Các thầy cô cũng mua ủng hộ học trò. Thầy Trần Toàn Thông, giáo viên của trường, hí hửng khoe, với 70 ngàn đồng đã mua được “một đống đồ” gồm 10 quyển Doremon mang về tặng cháu, thêm mấy con thú nhồi bông và vài món quà lặt vặt khác dành tặng các bé hàng xóm. Theo thầy, hoạt động này cho các em thấy là kiếm tìm đồng tiền rất khó để biết ơn ba mẹ nhiều hơn. Cô Nguyễn Thị Thùy Trang, hiệu phó trường hào hứng cho rằng, thông qua hội chợ, các bạn nhỏ sẽ mạnh dạn tự tin, nhanh nhẹn, phát triển kỹ năng giao tiếp.

Quả vậy, khi nhìn các bé nói giá, rồi bán và gói quà lại thật khéo léo, trên môi luôn nở nụ cười với khách hàng, càng thấy rõ hơn những gì cô Trang nói. Các em không thụ động ngồi chờ khách hàng, mà chào mời hoặc chủ động tìm đến trao đổi. Điểm đặc biệt của hội chợ là không nói thách hay bán đồ “dỏm”. Chúng tôi chứng kiến một bé xin lại “bạn hàng” chiếc xe hơi nhỏ vì “một cái bánh xe sút rồi, chơi không được đâu”. Bé ngại ngùng trả lời khi nghe tôi hỏi sao chiếc bánh xe sút ra còn mang đến hội chợ: “Lúc sáng con mang 10 chiếc xe đi, tất cả còn nguyên vẹn. Chắc bố con chở đến đây để trong bọc, mấy xe bị dằn nên một cái mới sút ra”. Và bé quả quyết, 9 chiếc còn lại đều tốt hết. Tuy nhiên, một khách hàng nhí lại đòi lấy luôn chiếc xe sút bánh cho “đủ 10 chiếc xe 10 màu”, cậu mạnh dạn bảo: “Không sao, bố tớ sẽ gắn lại”. Thấy vậy, người bán vui vẻ không lấy tiền cái xe bị hư.

Chỉ khoảng một tiếng sau, hội chợ bế mạc vì hàng hóa đã bán hoặc trao đổi hết. Các bé nhanh nhẹn dọn dẹp rác chung quanh, quét sạch sẽ nơi mình vừa bày hàng, xem lại “thành quả” buôn bán, trao đổi của mình. Một bé trai nói với mẹ: “Con sẽ đọc truyện kỹ, chơi đồ chơi kỹ, mặc quần áo cũng kỹ... để năm sau mang ra đây đổi hay bán lại. Con bán được 170 ngàn đồng, mẹ chở con đi mua đồ chơi mới nhé!”. Người mẹ trẻ vui vẻ ừ khi cậu con trai nhanh nhẹn leo lên xe ngồi sau lưng. Ở góc khác, một giọng nữ líu lo: “Mẹ ơi, con thích bộ đầm mới. Chừng này tiền bán truyện tranh với mấy con thú đủ mua không mẹ?”. Chúng tôi kịp nghe lời mẹ của bé đáp trước khi chiếc xe tay ga lướt đi: “Không sao, có thiếu chút đỉnh mẹ bù cho”.

Dường như các bé cảm thấy thật tự hào vì mình đã gìn giữ những món đồ cũ thật cẩn thận để có thể trao đổi hoặc bán lại, lấy số tiền đó góp vào mua một món đồ mới, tiết kiệm phần nào chi phí cho cha mẹ. Đó cũng là điều ý nghĩa tôi cảm nhận được ngoài những gì cô hiệu phó nói ở trên. Chợt nghĩ, nên chăng có nhiều những hội chợ như thế nơi các trường học, và không chỉ giới hạn với học sinh trong trường mà có thể mở rộng cổng cho các em bên ngoài được tham gia, nhất là những trẻ mà cha mẹ không bao giờ đủ tiền để thường xuyên sắm cho con những quyển sách, cái áo hay một món đồ chơi mới.

Sơn Hạ

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm