Con tôi năm nay 12 tuổi, bị cục mắt cá chân chỗ gót chân như mụn cóc, gây đau đớn khi đi nên nó cứ lấy bấm ngón tay gỡ da gây chảy máu. Tôi bảo cháu đi bệnh viện khám và phẫu thuật nhưng cháu sợ đau không dám mổ. Xin hỏi bác sĩ tôi phải làm gì để trị mụn này? Mụn cóc này có lây không?
Xin chân thành cảm ơn bác sĩ tư vấn.
Lê Thị Tuyết Nhung – Đồng Nai
Trả lời:
Mắt cá chân hay mụn cóc là tình trạng tăng sinh lành tính ở lớp nông thượng bì da do nhiễm siêu vi HPV (Human Papiloma Virus), virus HPV xâm nhập vào da qua những vết trầy xước bên ngoài. Bệnh rất hay gặp ở trẻ nhỏ và thanh thiếu niên.
Các dạng mụn cóc thường gặp:
- Dạng mụn cóc thông thường (common warts): là những cục sẩn cứng khô trên da, mặt sần sùi, hình tròn, kích thước từ 2mm đến vài chục milimet, có màu xám. Có thể gặp mụn cóc loại này ở bất kỳ vùng nào trên da, thường gặp nhất là ở bàn tay do chung đụng nhiều. Mụn cóc có thể mọc ở một số vị tri đặc biệt như dưới lòng bàn chân, dưới móng tay, dưới móng chân khi chạm vào thường gây đau nhói.
- Mụn cóc Mosaic (Mosaic warts): bao gồm nhiều mụn cóc nhỏ mọc thành chùm ở lòng bàn chân, gót chân.
- Mụn cóc bộ phận sinh dục (Genital warts): gặp ở bộ phận sinh dục Nam hoặc Nữ, chung quanh hậu môn, có triệu chứng gần như mào gà. Khi quan hệ tình dục có thể dễ bị lây.
- Mụn cóc phẳng (plane warts): là những sẩn nhỏ hơi nhô cao trên bề mặt da nhìn kỹ mới phát hiện được, kích thước từ 1mm đến 5mm, màu vàng nâu, bề mặt trơn láng. Loại mụn cóc này thường lây lan nhanh nên thường có vài chục đến hàng trăm cái mọc trên da. Vị trí thường gặp ở lưng bàn tay, cẳng tay, mặt cổ.
Trước khi chỉ định phương pháp điều trị mụn cóc, bác sĩ cần phải cân nhắc các tiêu chí: loại mụn cóc, vị trí, mức độ gây khó chịu, tình trạng miễn dịch của da cũng như sự hợp tác của bệnh nhân. Cần phải biết rằng mụn cóc vẫn có thể tái phát sau điều trị và 2/3 các trường hợp mụn cóc có thể tự khỏi sau 2 năm mà không cần sự can thiệp của bác sĩ.
Hiện nay có một số phương pháp điều trị mụn cóc phổ biến như sau:
- Bôi acid Salycylic và acid lactic 15-35% hằng ngày và băng kín. Sử dụng cho mụn cóc dưới 0.5cm. Thuốc sẽ làm tiêu hủy, bong tróc các tế bào sừng cùng với virus ở mụn cóc. Tuy nhiên phải mất nhiều tuần mới có thể làm mụn cóc biến mất hoàn toàn.
- Chấm Nitơ lỏng: thường được làm nhiều đợt cách nhau 1-2 tuần. Thuốc ít để lại sẹo hay biến đổi sawcstoos ở vị trí chấm nhưng thường gây khó chịu khi chấm, có thể gây phồng nước và gây đau nhiều ngày sau khi chấm.
- Đốt điện: áp dụng cho các mụn cóc có kích thước dưới 2cm và ở vị trí phẳng như (gót chân, ở kẻ ngón tay, chân). Mụn cóc sẽ được lấy đi bằng dòng điện cao tần. Ưu điểm của đốt điện là tiến hành nhanh chóng, đơn giản, rẻ tiền và có thể khoét sâu lấy hết nhân mụn cóc. Khuyết điểm là thời gian lành vết thương lâu hơn tiểu phẫu, chăm sóc vết thương kỹ hơn, dễ nhiễm trùng, chảy máu ở vết thương to.
- Tiểu phẫu: áp dụng cho mụn cóc có kích thước dưới 2 cm và ở vị trí phẳng (gót chân, cạnh bàn chân, lòng bàn chân…). Ưu điểm của tiểu phẫu là thời gian lành vết thương nhanh hơn đốt điện, chăm sóc vết thương sau mổ dễ dàng, ít nguy cơ nhiễm trùng hơn, nhưng chi phí cao hơn, dễ tái phát vì không lấy hết nhân mụn cóc được và có thể để lại sẹo.
Đối với trường hợp của bé nhà chị, theo như mô tả thì có thể là mụn cóc thông thường. Chị cần đưa đến bác sĩ chuyên khoa khám và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp
Ths.Bs Trung Phan
Bình luận