Tôi từng nghe kể về những cô bảo mẫu la mắng, rung lắc, bịt mũi đút cho trẻ ăn. Cứ nghĩ đến những chuyện bạo hành trẻ nhỏ trong các cơ sở trông trẻ tư nhân gần đây là tôi lại nóng ruột và lo ngại. Sao cha mẹ không đưa con đến lớp mầm non ngay trong phường?
Xin hỏi có dấu hiệu nào cho thấy bé bị bạo hành ạ?
(Một người gọi qua điện thoại số 0903...)
Nhiều bậc cha mẹ là người có thu nhập thấp, lao động phổ thông, công nhân và dân nhập cư trong xóm lao động, không có ông bà họ hàng thân cận giúp đỡ trông con cho đi làm, công việc bấp bênh không đủ điều kiện nộp hồ sơ xin vào trường mẫu giáo tốt, phải gởi con vào những cơ sở trông trẻ tư nhân không đủ chuẩn, mà người trông trẻ cũng vất vả, thiếu thốn. Tóm lại cả phụ huynh và bảo mẫu đều là những người cùng cảnh ngộ, có hoàn cảnh khó khăn, vất vả, bế tắc như nhau.
![]() |
Một người mẹ phải chăm con, lo cho con ăn (từ ăn bột, ăn cháo, ăn cơm nát), đối phó với chuyện con ngậm, lười nhai, nôn trớ, khóc lóc đã đủ trầm cảm lắm rồi. Đằng này một cô bảo mẫu phải “đánh vật” với năm ba trẻ đủ các độ tuổi, tính khí khác nhau ăn cùng một lúc thì cực lắm. Cực từ ngày này qua tháng khác mà chẳng được ai quan tâm, chia sẻ, giải quyết và vẫn phải tiếp tục làm để mưu sinh. Điều đó sẽ dẫn đến ức chế nặng, không biết chia sẻ cùng ai, đến một lúc ắt bị bùng nổ. Bạn thử nghĩ xem: một cỗ máy tốt, vận hành nhiều ngày trong điều kiện không được châm dầu và sửa chữa những chỗ bị trục trặc, nó vẫn phải chạy tiếp nhưng sớm muộn đến một lúc nào đó bị quá tải sẽ dẫn đến sự cố chập, cháy, nổ... Ngay cả những cô nuôi dạy trẻ được đào tạo qua trường lớp và có bằng cấp sư phạm cũng chưa được huấn luyện trong hoàn cảnh tình huống nghề nghiệp đặc biệt. Nhiều cô còn trẻ, nhiều cô độc thân, chưa có kinh nghiệm làm mẹ hoặc trông em trông cháu... Sao chúng ta không nghĩ: thực ra la to mấy câu là cô cũng chỉ muốn cho các cháu ăn hết suất, tăng cân đúng biểu đồ, làm phụ huynh hài lòng. Các thầy thuốc chúng tôi, nhiều người giỏi, yêu nghề, nhã nhặn, tận tình với công việc nhưng bị áp lực nghề nghiệp suốt từ sáng đến tối, cả giờ ngủ nghỉ, lâu ngày cũng dẫn đến stress, và đôi khi người bệnh cuối của ca trực phải kêu ca “bác sĩ cau có, khó tính quá” là vậy.
![]() |
Trước kia các cụ đồ nho vẫn cho trẻ “ăn roi” vì quan niệm “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Dùng biện pháp cứng rắn để đưa trẻ vào khuôn phép, đó là vì trẻ. Ngày nay nhiều khi người lớn “mạnh tay” với trẻ chủ yếu là vì cơn giận của mình chứ không phải vì trẻ. Thường thì không có dấu chứng gì cho thấy một đứa trẻ bị dọa nạt. Tuy nhiên, vài dấu hiệu cho thấy đứa trẻ nạn nhân thường biểu lộ thiếu tự tin, sợ sệt không còn tin nơi người lớn, sợ đi học. Những dấu hiệu khác như thiếu cảm xúc, thay đổi thói quen đi ngủ, giật mình khóc thét gặp ác mộng khi ngủ, trở lại mút tay hoặc đái dầm, bất thần ăn quá nhiều hoặc biếng ăn, không chịu đi học, hung hãn hoặc giận dữ bất thường, thiếu lễ phép...
Hành động rung lắc trẻ mạnh và liên tục có ảnh hưởng đến não. Bịt mũi đút cho trẻ ăn có thể gây ho sặc, rơi dị vật vào đường thở gây ngạt, tím tái, nếu không xử trí kịp có thể nặng thì tử vong, không thì bị viêm phổi.
THẠC SĨ- BÁC SĨ LAN HẢI
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.