Trong thời buổi thị trường lao động cạnh tranh khốc liệt, người lành lặn tìm được việc làm ổn định đã khó, người khuyết tật lại càng khó hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những thách thức, vẫn có những cơ hội hé mở cho bộ phận lao động này khi cả xã hội cùng chung tay tạo điều kiện và chính bản thân người khuyết tật nỗ lực hơn.
Chia sẻ từ người trong cuộc
Bích Hiền, cô gái trẻ bị khiếm thính (thành viên của CLB Funny Deaf tại TPHCM) từng được đào tạo trong một chương trình Tin học dành cho người khiếm thính ở trường Đại học Văn Lang. Tốt nghiệp, Hiền cũng xin được việc làm tại một công ty, nhưng cô chỉ làm vỏn vẹn được 5 tháng thì nơi này có giám đốc mới. Người quản lý mới không muốn nhận nhân viên khiếm thính nên cô phải rời công ty dù trước đó cũng đã tìm cách để “ông chủ” có thể đồng cảm với mình bằng cách tỏ ý muốn được dạy cho ông về ngôn ngữ ký hiệu để tiện giao tiếp nhưng không hiệu quả. Sau khi nghỉ việc, Hiền phải xoay qua đi học trang điểm và hiện cô đang làm nghề này.
![]() |
Vấn đề đào tạo cho người khuyết tật phải được chú trọng |
Bị khuyết tật vận động (chân) từ nhỏ do di chứng sốt bại liệt, chị Đặng Thị Nhanh (Hòa Vang, Đà Nẵng) phải bỏ giấc mơ vào trường Sư phạm, một ngành chị vốn yêu thích để chuyển sang học Kế toán. Ấy vậy mà khi ra trường, chị nộp hồ sơ xin việc nhiều nơi nhưng không được tuyển dụng. Các doanh nghiệp đều từ chối khi biết chị là người khuyết tật. Thấy đi tìm việc gian nan quá, chị đành gom góp mở một tiệm tạp hóa nhỏ để kiếm sống qua ngày.
Trường hợp của chị Ngân Hà, một người khuyết tật có bằng đại học Mỹ thuật (TPHCM) thì ban đầu tìm việc khá khó khăn nhưng rồi chị cũng xin được vào làm ở một công ty tư nhân chuyên vẽ áo. Song điều khiến chị không khỏi băn khoăn là cùng một công ty nhưng mức lương của người khuyết tật lại được trả thấp hơn so với người bình thường khác, trong khi thời gian làm việc của họ không kém, thậm chí có khi còn nhiều hơn.
Trước thực tế khó khăn trong chuyện tìm việc, làm việc ở các cơ sở, doanh nghiệp, không ít người khuyết tật chọn phương cách làm việc tự do để kiếm sống hoặc được gia đình hỗ trợ vốn, mở cơ sở rồi cùng tạo việc cho những người cùng cảnh ngộ. Chị Diệu Linh, một người yếu cơ chân (ngụ quận 7, TPHCM) hiện đang có một cơ sở nhỏ chuyên kết cườm, làm đồ thủ công mỹ nghệ, cùng làm với chị có 3 nhân viên nữa cũng là người khuyết tật. Chị tâm sự, trước đây mình học ngành may, vì đi xin việc khó quá nên mới nghĩ đến chuyện tự làm gì đó cho riêng mình. Cái khó của những người làm tự do, tự mở cơ sở như chị Linh là phải xoay sở tìm đầu ra cho sản phẩm và mức thu nhập cũng phụ thuộc vào chuyện tiêu thụ được hàng nhiều hay ít.
Người khuyết tật có trình độ, được đào tạo mà vẫn phải trầy trật trong chuyện tìm việc và trụ với nghề thì những người do tình trạng bản thân, do hoàn cảnh không được đi học, việc làm với họ là cả một vấn đề, mà con số này trên thực tế không nhỏ.
Nỗ lực từ nhiều phía
Phân tích những khó khăn trong vấn đề việc làm cho người khuyết tật, ông Lê Hữu Thương (chuyên viên điều phối dự án Việc làm tại Trung tâm Khuyết tật và Phát triển – DRD) đã nhấn mạnh đến hai khía cạnh: Bản thân người khuyết tật và xã hội. Theo ông, nếu người khuyết tật giải quyết được những khó khăn từ chính bản thân mình thì cơ hội giải quyết được việc làm là 50%, còn 50% là do xã hội tạo điều kiện, mở lối cho họ.
![]() |
Các Trung tâm giới thiệu việc làm cần đầy mạnh những kỹ năng tư vấn cho người lao động khuyết tật |
Khó khăn từ phía người khuyết tật trước hết về mặt tâm lý. Phần lớn họ tự ti, mặc cảm. Chính tâm lý này ảnh hưởng đến quá trình đi học, đi làm. Có người bỏ học sớm hay bỏ cuộc ở chỗ làm chỉ vì thấy mình bị chê cười, bị phân biệt đối xử. Dạng tật cũng quyết định công việc, tỷ như người bị khuyết tật vận động chân dễ tìm việc làm hơn người bị yếu một tay… Từ tâm lý, dạng tật lại ảnh hưởng đến học vấn. Mà muốn có một công việc tốt lại đòi hỏi trình độ học vấn, những việc không cần trình độ thì thường lương không cao, không ổn định. Khó khăn trong việc hội nhập vào môi trường học hành, làm việc của người khuyết tật còn một phần do sự bao bọc của gia đình. Các phụ huynh hay sợ con em mình bị tổn thương nên nhiều khi không dám cho tiếp xúc với bên ngoài, từ đó người khuyết tật bị cô lập, chỉ quanh quẩn trong nhà. Chính vì ít trải nghiệm nên khi ra xã hội, họ dễ bị va chạm, gặp sự cố gì thường khó tự giải quyết và lại lui về gia đình.
Về phía xã hội, vấn đề đào tạo nghề cần phải được chú trọng. Các chương trình dạy nghề ngắn hạn 3 tháng, 6 tháng thường không mang lại hiệu quả do chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội. Trong việc đào tạo, phải làm sao để người khuyết tật nhận ra được khả năng của mình thích ứng với nghề nào, để khi ra trường có thể tự tin bắt tay vào làm việc đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, các Trung tâm giới thiệu việc làm cần đẩy mạnh những kỹ năng tư vấn cho người lao động khuyết tật, cùng đồng hành với họ trong quá trình tìm việc và cả khi đã đi làm để ổn định dài lâu. Nếu doanh nghiệp nhìn vào khả năng, giá trị thực sự của người khuyết tật thì cơ hội việc làm cho họ sẽ mở ra hơn. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng (lối đi, nhà vệ sinh phù hợp), mối quan hệ đồng nghiệp chan hòa, không kỳ thị trong môi trường làm việc cũng thực sự cần thiết để người khuyết tật hội nhập và duy trì được công việc…
Là một chuyên gia nhân sự, làm việc ở công ty Jia Hsin (Long An), bà Kiều Thị Ngọc Dung cho biết, doanh nghiệp của mình chuyên sản xuất dép, có trên 2.300 nhân viên, trong đó có 17 người khuyết tật. Ở đây, họ được đối xử bình thường như những nhân viên khác, công ty chỉ tạo điều kiện cho họ đi lại dễ dàng, thuận tiện. Được bố trí vào một số công đoạn phù hợp, người khuyết tật làm việc rất khéo léo, tập trung cao. Khi tuyển dụng, doanh nghiệp xem đây như một nguồn lao động tích cực. Thậm chí, họ còn đóng góp cho công ty một hình ảnh đẹp, làm cho những công nhân khác nhìn vào, được tác động tốt. Từ kinh nghiệm tuyển dụng của mình, bà Dung cho rằng, người khuyết tật nên nhận thức là mình làm việc bằng khả năng chứ đừng tạo cho nhà tuyển dụng cảm giác thương hại. Tự tin, bồi đắp kiến thức thì chuyện tìm được việc làm là bình thường. “Tổng giám đốc của tôi khi tham quan xưởng, thấy người khuyết tật làm việc tốt, chăm chỉ…, ông đánh giá cao đội ngũ lao động này và nghĩ chuyện tuyển dụng họ là bình thường, họ có thể làm được việc, tại sao không tuyển?”, bà Dung chia sẻ.
Vấn đề việc làm cho người khuyết tật chỉ được giải quyết khi có sự phối hợp giữa bản thân người khuyết tật, gia đình và xã hội. Các chính sách của nhà nước cũng cần được cải thiện, cập nhật phù hợp với từng giai đoạn, để các doanh nghiệp được tạo điều kiện, có thể an tâm sử dụng lao động khuyết tật.
Liên Giang
Theo Tổng cục điều tra dân số nhà ở tại Việt Nam năm 2009, trong 6,1 triệu người khuyết tật, từ 5 tuổi trở lên), phần lớn có trình độ học vấn thấp, 41% chỉ biết đọc, biết viết; 19,5% học hết cấp một; 2,75% có trình độ trung học chuyên nghiệp hay chứng chỉ học nghề, và ít hơn 0.1% có bằng cao đẳng, đại học.
|
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.