Thứ Bảy, 16 Tháng Giêng, 2016 16:43

Viêm hạch lympho

Con tôi hiện nay được 9 tháng tuổi, lúc mới sinh có tiêm phòng vắc xin ngừa lao. Cách đây 2 tháng, tình cờ lúc tắm cho bé tôi phát hiện ở vùng nách bên trái của bé có 1 cục hạch cứng, to bằng đầu ngón tay cái, di động. Đến giờ vẫn còn hạch cứng, và không to lên. Cháu không bị sốt, vẫn ăn uống và lên cần bình thường. Bác sĩ cho tôi hỏi hạch này là hạch gì có nguy hiểm không, tôi phải đưa cháu đi khám ở đâu và điều trị như thế nào? Hạch này có tự hết hay phải mổ lấy hạch thưa bác sĩ? Tôi xin chân thành cảm ơn bác sĩ tư vấn.

Trần Thị Minh Tâm – 32 tuổi – Bình Dương

Biến chứng hay gặp sau tiêm vắc xin BCG ngừa lao là nổi hạch (hay còn gọi là viêm hạch lympho). Đây là một hiện tượng rất thường gặp ở những trẻ sau khi chích ngừa lao (phản ứng quá mức của cơ thể), người ta gọi là BCGite. Thường sau khi chích ngừa lao ngay bên tay chích ngừa ở vùng nách (trái).

Sưng hạch dưới nách trái, chiếm tỉ lệ 0,6-1,33%. Hạch xuất hiện sau khi trẻ tiêm văcxin BCG từ 2 tháng đến 1 tuổi. Sự phát hiện này do tình cờ bà mẹ tắm cho con. Lúc đầu hạch nhỏ, sau đó to dần.

Hạch sau tiêm ngừa BCG có thể biểu hiện hai hình thức:

- Hạch đơn giản (không mưng mủ): thường biểu hiện triệu chứng lâm sàng nhẹ nhàng với một, hai hoặc ba hạch dính lại với nhau, không đỏ, không đau và không sốt. Sờ vào có cảm giác cứng và chắc. Hạch thường tự khỏi trong vòng 1-2 tuần và không để lại di chứng.

- Hạch phức tạp (mưng mủ): hạch viêm tấy đỏ, đau, lớn dần, sờ vào có cảm giác bập bềnh, nếu để lâu ngày hạch có thể vỡ và rò mủ.

Phương pháp điều trị:

1. Kháng sinh: một vài kháng sinh như (Erythromycin) và thuốc kháng lao (isoniazid, rifampicin) đã được sử dụng cho thấy thuốc không thể dự phòng viêm hạch mủ, không làm rút ngắn thời gian lành bệnh. Kháng sinh được chỉ định điều trị viêm hạch mủ do  bội nhiễm vi khuẩn sinh mủ thông thường như tụ cầu vàng, liên cầu… hoặc điều trị phối hợp với phẫu thuật

2. Chọc hút bằng kim: viêm hạch mủ sau tiêm BCG nếu không được điều trị sẽ có khuynh hướng tự vỡ ra và sẽ làm thành lỗ dò lâu lành. Chọc hút bằng kim có thể dự phòng biến chứng này và rút ngắn thời gian lành bệnh, ngoài ra nó còn cung cấp thêm thông tin để chẩn đoán bệnh.

3. Phẫu thuật cắt bỏ hạch: đây là phương pháp cuối cùng để lấy hạch một cách hiệu quả, trọn vẹn, mau lành bệnh. Tuy nhiên bệnh nhi phải chịu nguy cơ của cuộc phẫu thuật và nguy cơ của cuộc gây mê. Thường thực hiện ở trẻ lớn, nhiều hạch tạo thành cụm, thất bại với phương pháp chọc hút bằng kim.

Khi phát hiện hạch ở nách, hầu hết các bà mẹ rất lo sợ nên đưa con đi khám hoặc xin vào điều trị tại bệnh viện vì được các bác sĩ chẩn đoán hạch lao sau tiêm chủng BCG. Do đó, từ trước đến nay phần lớn trẻ này được điều trị các thuốc kháng lao kéo dài từ 6-9 tháng. Tuy nhiên, bản chất của hạch này không phải hạch lao mà là hạch phản ứng sau tiêm chủng nên không cần điều trị bằng các loại thuốc kháng lao. Theo kinh nghiệm của các bác sĩ nhi đồng, chỉ cần dùng kim tiêm chọc hút một hoặc hai lần, sau đó cho uống kháng sinh thông thường trong vòng năm ngày sẽ cho kết quả tốt. Khi hạch sắp vỡ thì phải can thiệp phẫu thuật chứ đừng để nó tự vỡ sẽ làm thành lỗ dò lâu lành.

Trên đây là một số thông tin mà bạn có thể tham khảo. Bạn nên đưa cháu đến bệnh viện nhi đồng để khám và điều trị đúng cách

                                        Ths.Bs Trung Phan

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm