Thứ Sáu, 27 Tháng Năm, 2016 16:03

Viêm phế quản cấp ở trẻ em

Là sự viêm nhiễm xảy ra ở đường ống dẫn khí lớn, làm cho đường dẫn khí của trẻ trở nên phù nề và kích thích. Trẻ thường có các biểu hiện sốt, lạnh run, ho khan hoặc ho có đàm. Một số trẻ biểu hiện nặng có thể khò khè, khó thở, thở nhanh, bỏ bú, lơ mơ...

Nguyên nhân: có thể do nhiễm siêu vi hoặc do vi trùng, đặc biệt là vi trùng lao. Yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản: do môi trường sống oi bức, khói bụi ô nhiễm, khói thuốc lá, do người xung quanh mắc bệnh tiếp xúc và lây cho bé.

Đối với trẻ sanh non, nhẹ cân, trẻ có cơ địa bệnh hen suyễn, bệnh tim, suy dinh dưỡng có sức đề kháng yếu hơn, nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản cao hơn những trẻ bình thường.

Khi nào bé cần được đưa đến bác sĩ ?

Tất cả các trẻ biểu hiện ho, sốt, khạc đàm cần được sự thăm khám và kê toa của bác sĩ để được điều trị ổn định tình trạng viêm nhiễm của bé, tránh trường hợp người nhà tự ý đi mua thuốc bên ngoài, có thể gây ra nhiều hậu quả như bệnh diễn tiến nặng, dùng thuốc không đúng, không đủ, sẽ dễ xảy ra tình trạng kháng thuốc, rối loạn khuẩn ruột ở trẻ nhỏ làm trẻ dễ mắc các bệnh đường tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy...

Đặc biệt các trẻ có tiền căn bệnh suyễn, bệnh tim, trẻ sanh non, nhẹ cân, suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch, sức đề kháng yếu hoặc có biểu hiện bứt rứt, lừ đừ, bỏ ăn bỏ bú, khó thở, thở nhanh, thở co lõm ngực, nôn ói nhiều... cần được sự thăm khám sớm của bác sĩ và nhập viện khi có chỉ định.

Điều trị và chăm sóc:

- Thuốc kháng sinh: tùy theo nguyên nhân gây bệnh, trẻ có thể được điều trị thuốc kháng sinh nếu nguyên nhân gây bệnh là do nhiễm khuẩn, hoặc thuốc kháng lao nếu nguyên nhân là do lao.

- Thuốc hạ sốt, giảm ho, loãng đàm, giảm sổ mũi.

- Trẻ cần được ăn uống đầy đủ nhằm nâng cao sức đề kháng giúp chống chọi với bệnh tật.

- Cần giữ vệ sinh cho trẻ, tắm rửa sạch sẽ bằng nước ấm, tránh gió lạnh, nắng.

- Tránh nằm phòng máy lạnh, phòng kín lâu. Trong trường hợp bé bị viêm phế quản do tác nhân vi sinh vật (vi rút hoặc vi khuẩn), việc nằm phòng máy lạnh suốt ngày với cửa phòng đóng kín sẽ giúp các tác nhân vi sinh vật sống lâu hơn trong môi trường lạnh.

- Tránh khói thuốc lá, khói bụi.

Phòng ngừa:

Trong môi trường sống hiện tại, nắng nóng, thời tiết thay đổi thất thường, khói bụi xe cộ, nhà máy, việc phòng tránh các bệnh đường hô hấp cho trẻ nhỏ là vô cùng khó khăn cho các bậc cha mẹ. Tuy nhiên, những việc sau sẽ làm giảm phần nào nguy cơ mắc viêm phế quản ở trẻ nhỏ:

- Ăn uống đầy đủ, tập thể dục thường xuyên làm tăng sức để kháng cho trẻ

- Tránh để trẻ chơi ngoài trời nắng nóng hay những nơi có khói bụi, khói thuốc lá.

- Tiêm ngừa:

* Tiêm ngừa vi khuẩn Hemophilus influenzae (vi khuẩn gây viêm phế quản), được tiêm trong mũi tiêm 5 trong 1 hoặc 6 trong 1 từ lúc 2 tháng tuổi, 3 liều cách nhau 1 tháng, lặp lại lúc 16 đến 18 tháng tuổi.

* Tiêm ngừa phế cầu: tiêm vào các tháng thứ 2, tháng thứ 4, tháng thứ 6, tiêm nhắc khi trẻ được 12 đến 15 tháng.

* Tiêm ngừa cúm: sau 6 tháng tuổi. Đối với trẻ < 9 tuổi: tiêm 2 liều cách nhau tối thiểu 4 tuần. Trẻ từ 9 tuổi tiêm 1 liều. Vaccin ngừa cúm tiêm nhắc mỗi năm.

* Tiêm ngừa lao: lúc trẻ mới sinh ra.

BS. NGUYỄN THỊ LƯƠNG

(Bệnh viện Nhi Đồng 1)

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm