Ruột thừa là một thành phần bên trong cơ thể, có hình con giun dài từ 3 - 13cm, mở vào manh tràng qua lỗ ruột thừa (được đậy bởi một van). Nếu tắc nghẽn vì nguyên nhân nào đó (sỏi, phân, dị vật…) thì vi khuẩn có thể phát triển trong lòng ống bị nghẽn này dẫn đến tình trạng ruột thừa căng, áp lực trong lòng ống gia tăng, có thể tạo ra xung huyết và thiếu máu cục bộ. Tất cả những điều này dẫn đến viêm. Nếu không được điều trị thì ruột thừa sẽ vỡ, đưa tới viêm phúc mạc, nhiễm trùng huyết, suy đa cơ quan và có thể tử vong.
Lứa tuổi nào bị viêm ruột thừa?
Viêm ruột thừa có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, với trẻ càng nhỏ thì càng khó chẩn đoán vì các bé chưa thể diễn đạt rõ ràng hay diễn đạt sai về tình trạng của mình, trong khi lại có rất nhiều bệnh lý ngoại khoa cũng như nội khoa khác làm cho trẻ bị đau bụng. Viêm ruột thừa ở trẻ thường diễn tiến khá nhanh nên cần theo dõi thật kỹ những trẻ bị đau bụng.
Triệu chứng:
Có thể có các triệu chứng như đau bụng, thường bắt đầu quanh rốn, sau đó mới lan xuống hố chậu phải. Sốt, thường là sốt nhẹ. Buồn nôn, nôn, mệt mỏi, chán ăn, bụng chướng. Đi tiêu lỏng (có thể hoặc không).
Tuy nhiên, tất cả những triệu chứng này không phải lúc nào cũng xuất hiện đầy đủ, cần phải có sự thăm khám của bác sĩ, làm các xét nghiệm cận lâm sàng, siêu âm bụng. Vì vậy nếu trẻ đau bụng nên được đi tới khám bác sĩ hơn là tự mua thuốc và tự điều trị đau bụng ở nhà.
Điều trị:
Phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa là phương pháp điều trị chính. Nếu ruột thừa chưa bị vỡ thì tiến hành phẫu thuật bằng phương pháp nội soi, còn đã bị vỡ giải phóng ổ viêm ra ổ bụng thì cần tiến hành mổ rạch. Phẫu thuật qua nội soi đang được ưa chuộng, phương pháp này thẩm mỹ và hồi phục nhanh hơn mổ thường.
Kháng sinhđường tĩnh mạch được dùng để tiêu diệt vi khuẩn còn sót lại, làm giảm hiện tượng viêm.
BS. NGUYỄN NHẬT UY
(Bệnh viện Nhân Dân Gia Định)
Bình luận