Thứ Bảy, 20 Tháng Hai, 2016 18:09

Việt kiều hồi hương ăn Tết Việt

NGUYỄN NGỌC HÀ

Mỗi độ Xuân về, không ít gia đình Việt lại nao nức đón người thân ở nước ngoài về sum họp. Tết của những nhà có Việt kiều dường như cũng vui hơn.

Cứ vài năm, gia đình ông Quang Huy (quận 3, TPHCM) lại chộn rộn hẳn lên vào dịp Tết vì đón con gái ở Pháp về thăm nhà. Mỗi lần người con sửa soạn valy chuẩn bị lên đường, vợ chồng ông Huy cứ nhắn đi nhắn lại là đừng quan tâm đến quà cáp hay tiền biếu xén, về sum họp với gia đình là vui rồi. Ngoài con gái ở Pháp, nhà ông Huy còn thỉnh thoảng đón Việt kiều Mỹ là ba mẹ và anh em về ăn Tết ở Việt Nam. Ngôi nhà nhỏ như ấm áp hơn, người về từ nửa vòng trái đất rộn ràng kể chuyện làm ăn bên đất Pháp, đất Mỹ, còn người ở nhà thì hàn huyên về những đổi thay trong gia đình. Cũng ngụ quận 3 và có con gái đi Pháp, nhà bà Tố Nguyệt Tết năm nay rất nhộn nhịp vì có Việt kiều về chơi. Họ dành thời gian cho một chuyến du lịch Mũi Né 4 ngày từ trước Tết. Bà Nguyệt chia sẻ: “Ở nước ngoài, con chúng tôi thiếu không khí đón Tết gia đình nên khi về Việt Nam, cả nhà đã cùng đi du lịch đến 28 tháng chạp về để mọi người cùng vui Xuân tại nhà, đi chúc Tết họ hàng bà con, cùng nhau ăn bánh, mứt. Con gái tôi rất vui với không khí sum họp đầm ấm của đại gia đình”.
Sân bay Tân Sơn Nhất nhộn nhịp đón Việt kiều về quê ăn Tết

Ông Phùng Lâm, một Việt kiều Mỹ có người nhà ngụ ở quận 5 (TPHCM) tâm sự, trước đây mỗi lần về Việt Nam, ông rất bận tâm chuyện quà cáp, tiền lì xì bởi lần đầu tiên trở về sau ngày đất nước mở cửa, mười ngàn đô dành dụm của ông bay vèo. Bà con họ hàng nghe tin ông trở về đã đến chúc mừng nhưng sau đó lại than thở và trông đợi tiền biếu xén của “Việt kiều”. Khi món tiền tặng hơi ít, có người đã dỗi trả lại, có người “xin thẳng” 100 đô. “Sau lần đó, dù nhớ nhà lắm nhưng mỗi lần nghĩ tới chuyện trở về ăn Tết ở Việt Nam, tôi lại ngại ngần không dám. Nhưng thời bây giờ đã khác. Người trung lưu Việt vẫn có thể có một chuyến du lịch sang Mỹ chơi hay bất cứ một quốc gia tư bản nào khác, chứng kiến cuộc sống tất bật, cần kiệm của bà con Việt kiều, họ đã hiểu. Họ hàng nhà tôi cũng vậy, nhiều người khuyến khích mình về chơi, đừng bận tâm chuyện quà cáp, tiền bạc” - ông nói và cho biết, cứ khoảng 2 năm lại cùng vợ con về sum họp với đại gia đình ở Việt Nam.

Với ý nghĩa tốt đẹp của hai từ sum họp, gia đình bà Bích Hằng (quận 1, TPHCM) luôn vui mừng mỗi khi đón người chị ở Mỹ, các cô, các chú ở Pháp về Việt Nam. Các thành viên trong nhà bà hiểu tâm lý của Việt kiều nên luôn tạo một bầu khí đầm ấm và không hề để người thân xa xứ của mình phải chịu bất cứ áp lực nào về vật chất. “Chị em, cô chú từ xa về đã là hạnh phúc. Những cái Tết có Việt kiều về, nhà chúng tôi nhộn nhịp lắm, những bữa ăn thường đông đủ các thành viên với các món rất thuần Việt. Làm sao tạo được không khí vui vẻ chan hòa để người thân đi xa luôn cảm thấy muốn trở về nhà”, bà Hằng bộc bạch.

Gia đình ông Quang Huy sum họp cùng con cái và cháu ngoại từ Pháp vè trong dịp Tết cổ truyền vừa qua

Gia đình ông Nguyễn Văn Long (quận Gò Vấp, TPHCM) cũng rất vui khi đón con trai và cháu nội út lần đầu từ Mỹ về ăn Tết. Tuy mừng nhưng mọi người trong nhà cũng không quá vồn vã, sợ cậu bé mới hai tuổi sẽ “khớp” rồi khóc ầm lên, tạo một ấn tượng không tốt lần đầu về thăm nội. Sau một tuần làm quen với cháu nội và nghe con trai kể chuyện làm việc nơi xứ người, ông Long bảo các cháu nội ngoại ở Sài Gòn cùng đưa em họ đi chơi chợ hoa Tao Đàn, đường hoa Nguyễn Huệ. Rồi cả đại gia đình đã cùng tổ chức đi dã ngoại tại những khu du lịch Đầm Sen, Suối Tiên, Thảo Cầm Viên... Ông muốn đây là dịp để các con cháu gần, xa thêm gắn bó. Trong những bữa ăn chung của gia đình, ông bà luôn lưu ý những món con trai và cháu nội ưa thích. “Con trai tôi trước khi sang Mỹ thích ăn bánh tráng mạch nha. Mấy lần con về nước, chúng tôi tìm miệt mài món đó mà không có. Thế là cả nhà “cử” chị Ba nó làm mạch nha, chị Tư nướng bánh tráng rồi cả nhà cùng ăn thật vui vẻ”, ông Long kể. Mùng một, cả gia đình ông đi chúc Tết họ hàng, sang sáng mùng hai, mọi người lại cùng nhau làm một chuyến du Xuân lên Đà Lạt tới chiều mùng 6 mới về. Ông Long rất thỏa mãn với cuộc hội ngộ của gia đình mình.

Với truyền thống gắn bó tình thâm vốn có của người Việt, không ai muốn người thân sau nhiều năm xa cách về rồi ra đi với tâm trạng buồn bã nên luôn bằng cách này, cách khác, tạo cho gia đình một không khí thật ấm cúng. Nhất là những bữa ăn đoàn viên, luôn để lại ấn tượng cho những người con xa xứ mỗi khi nhớ về gia đình ở Việt Nam của mình.

NGUYỄN NGỌC HÀ

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm