Nơi các bệnh viện phụ sản, dễ bắt gặp hình ảnh những bà ngoại, bà nội đến chăm cháu và chăm luôn cả con gái, con dâu vừa mới “vượt cạn”. Chưa hết, các bà còn đóng vai trò đắc lực trong suốt thời gian người mẹ ở cữ và nuôi con mọn.
![]() |
Từ chuyện chăm “bà đẻ” theo cách xưa…
Khi mới sanh, thường các sản phụ còn yếu nên cần được người nhà chăm sóc từ chuyện ăn uống tới việc kiêng cữ để bảo vệ sức khỏe. Bà Trần Thị Thật, 63 tuổi (quê An Giang) lên Sài Gòn nuôi con gái vừa sanh nở. Sau bốn ngày ở bệnh viện, bà bảo con rể dẹp nệm ở nhà, thay vào là tấm chiếu kê lên giường, ở dưới đặt chiếc thau nhôm cũ, đốt than để hơ nóng cho mẹ và bé. Theo bà, phòng con gái mới sanh cần giữ ấm chứ không thể để máy lạnh rù rù, sau này người mẹ sẽ dễ bị bệnh khi trái gió trở trời. Cũng bởi quan niệm như thế nên bà Lê Thị Út, 60 tuổi (quê Đồng Tháp) đã “sốc” khi thấy phòng bà đẻ gắn máy lạnh, và thêm nữa, con dâu không chịu mặc áo lạnh, gắn bông gòn ở lỗ tai, lấy khăn trùm đầu chống lạnh. Bà Út chẳng biết làm gì, chỉ biết giải thích rằng thời của bà, hầu như ai mới sanh cũng phải nằm trong phòng kín, đốt than dưới gầm giường và giữ ấm từ đầu đến chân… Dù biết các bà kỹ lưỡng như vậy chỉ để lo cho sức khỏe của con và cháu về lâu về dài song ở thế kỷ 21 này, những người mẹ trẻ ít ai muốn nghe theo các “tập tục” ấy. Thật khó khi bắt họ phải ở trong phòng kín gió, bịt kín khắp người giữa trưa nắng Sài Gòn khi mà máy lạnh hiện nay vô cùng phổ biến.
![]() |
Bên cạnh đó, chuyện ăn kiêng với “bà đẻ”, giữa hai thế hệ cũng có quan niệm khác. Được mẹ ruột hoặc mẹ chồng quan tâm chăm sóc, đa phần các sản phụ trẻ đều thấy ngộp thở với những khẩu phần cá, thịt kho tiêu bởi nhiều người sợ ăn mặn dễ bị bệnh tăng huyết áp.
Vì thế, cũng có ít nhiều mâu thuẫn đã xảy ra giữa những bà ngoại, bà nội với con gái, con dâu trong thời gian “ở cữ”. Chưa kể những tập tục mà các bà vẫn muốn con mình áp dụng, tỷ như không cho bạn bè, đồng nghiệp đến thăm, sợ người ta khen “bé đẹp quá”, nó sẽ dễ bị bệnh; hay người mẹ mới sanh, không được tắm gội trong một tháng…
Vai trò quan trọng của bà ngoại, bà nội
Dù vậy, các bà ngoại, bà nội cũng đóng vai trò quan trọng, là chỗ dựa không nhỏ cho những người mẹ, người bố trẻ khi trong nhà có thêm thành viên nhí. Chả thế mà khi con gái vừa chuẩn bị “lâm bồn”, nhiều bà đã tất bật ngược xuôi lo cho con, thậm chí những bà ngoại ở xa cũng khăn gói đến ở cùng để tiện chăm con, chăm cháu. Bà Tuyết Châu (Đồng Nai) kể: “Con gái tôi lấy chồng và lập nghiệp ở Sài Gòn, mẹ chồng nó đã mất nên hai lần con sanh nở, tôi đều thu xếp mọi việc để có thể đến ở với con một thời gian, phụ với chồng nó chăm cháu ngoại…”. Công việc hằng ngày của bà Châu là đi chợ, nấu nướng những món phù hợp cho “bà đẻ” ăn rồi phụ dọn dẹp nhà cửa, bế cháu ngoại vì con rể phải đi làm, con gái mới sanh, đi lại còn yếu. Bà Hoàng Thúy (Lâm Đồng) cũng vậy, khi nghe con từ Sài Gòn báo tin sắp đẻ, bà tức tốc khăn gói, bắt xe xuống nhà con. Chính bà là người đưa con gái đi bệnh viện phụ sản rồi ở lại đây mấy ngày để lo cho hai mẹ con, con rể bà chỉ chạy vòng ngoài. Khi con xuất viện về nhà, bà cũng luôn túc trực bên cạnh để giúp con chăm cháu.
![]() |
Lâu rồi không nuôi con mọn nhưng những trải nghiệm một thời cũng giúp bà rất nhiều trong việc hướng dẫn con gái, con rể làm những gì cần thiết cho đứa cháu mới chào đời. “Thỉnh thoảng cũng có những bất đồng giữa hai thế hệ nhưng vợ chồng tôi luôn tìm cách dung hòa bởi biết được mẹ giúp một tay trong giai đoạn này thì rất an tâm chứ thuê người giúp việc cũng không dễ gì”, chị Hoàng Diễm – con gái bà Thúy chia sẻ. Chị Thanh Trúc, 30 tuổi (quận 3, TPHCM) không còn mẹ ruột nên khi vừa sanh con trai đầu lòng, đã được mẹ chồng từ quận 1 đến hỗ trợ. Theo chị, các bà mẹ thế hệ 4X, 5X quả là có một số kiêng cữ quá đáng, không hợp với quan niệm của người trẻ hôm nay, thậm chí chẳng “khoa học” gì cả, mẹ chồng chị đôi khi cũng vậy. Tuy nhiên, vợ chồng chị dựa vào ý kiến của bác sĩ để giải thích cho mẹ hiểu, đồng thời cũng chắt lọc những kinh nghiệm của mẹ để áp dụng trong việc chăm con nhỏ. “Cũng có một số kinh nghiệm của các bà rất tốt cho con cháu. Thí dụ mẹ tôi bồng bé tắm nắng lúc mặt trời vừa lên để bé cứng xương. Cũng vào buổi sáng, bà đốt một nồi than hồng để hơ tay rồi làm ấm lại cho cháu để bé được ấm áp. Bà luôn nhẹ nhàng sợ cháu giật mình. Khi giặt đồ cho cháu cũng rất kỹ càng… Tôi nghĩ, tất cả những gì thiết thực và kỹ lưỡng thì mình cứ nghe người có kinh nghiệm. Nói chung các bà có kỹ lưỡng cũng vì muốn tốt cho mình và cháu thôi mà”, chị Trúc nói.
Do khác thế hệ và hoàn cảnh sống nên sự kỹ lưỡng với sản phụ và chăm bé sơ sinh có khác. Nhưng tất cả các bà đều muốn tốt cho cháu. Con gái hoặc con dâu cần hiểu điều đó mà có những cách thề hiện tế nhị và từ tốn giải thích theo những chỉ dẫn khoa học. Chỉ cần hiểu tất cả vì sự an toàn của trẻ, tôn trọng và yêu thương nhau, những mâu thuẫn sẽ dễ dàng giải quyết.
Ngọc Hà - Lan Giao
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.