Năm nay sẽ là dịp mừng đáo tuế (60 tuổi) với những ông bà sinh năm Ất Mùi 1955. Với người Công giáo, khái niệm đáo tuế thường khá xa lạ nhưng khi hỏi về cảm nhận cuộc đời đã qua, các vị không ngần ngại chia sẻ những buồn vui, ước mong của mình.
![]() |
Bước sang tuổi 60, bà Phạm Thị Huê (TP.HCM) vẫn còn dẻo dai, sung sức với việc bán buôn hằng ngày. Nhưng với bà, công ăn việc làm giờ là phụ, ở độ tuổi này hướng về nhà thờ, kinh lễ mới là chính. Bởi vậy, bà dành nhiều thời gian hơn để sinh hoạt trong hội Legio Mariae, những lần đi thăm hỏi, từ thiện đó đây là niềm vui cho tuổi già và cũng là cách để tạ ơn vì những hồng ân gia đình có được. Ngẫm lại chặng đời đã đi, bà chia sẻ: “Tôi rất hài lòng về mọi thứ, hai đứa con thành tài, ngoan ngoãn, công việc trôi chảy, gia đình thì hòa thuận. Tôi biết có những chị em đồng trang lứa không có được diễm phúc như mình nên tôi càng quý trọng các ơn lành trên”. Chính từ may mắn, thành công trong nhiều năm qua, nhân năm mừng 60 tuổi bà sẽ xin một ý lễ tạ ơn rồi cả nhà cùng tham dự, sau đó là buổi cầu nguyện trong giờ kinh tối gia đình.
Còn bà Trần Thị Lan (Tiền Giang) vốn là một nông dân quanh năm cặm cụi với việc trồng trọt chăn nuôi. Cả cuộc đời bà hầu như đầu tắt mặt tối cùng chồng lo cho bốn người con ăn học, giờ có đứa thành đạt đỡ đần lại nên bà rảnh rỗi đôi chút. Do công việc bận rộn nên trước giờ chưa từng tham gia đoàn thể ở giáo xứ nhưng bà đang có ý định sẽ gia nhập hội nào đó để sinh hoạt và chuẩn bị “đời sau”. Nói về đoạn đường đã qua cùng ước mong nhân dịp 60 năm đời người, bà vui vẻ nói: “Mình tuổi con dê mà nhiều lúc thấy cực như tuổi trâu, thời gian qua đúng là có vất vả thiệt nhưng bù lại là được Chúa cho sức khỏe bình thường, không đau ốm gì nặng, điều đó mới cần và quý. “Tiền hung hậu kiết”, gia đình nay đã ổn định, tươm tất hơn xưa nên tôi định năm nay sẽ đi hành hương La Vang để tạ ơn về mọi điều, coi như kỷ niệm năm tuổi của mình luôn”.
Mừng đáo tuế không cần phải đi đâu xa mà được thấy con cháu cùng tụ họp, quây quần bên bữa cơm ngày Tết, với ông Vũ Văn Xuyến (Bình Dương) thế đã là món quà ý nghĩa nhất trong năm nay. Bởi lẽ, về mặt kinh tế thì gia đình rất dư giả nhưng về tình cảm thì gần đây con cái lại mâu thuẫn, chiến tranh lạnh làm ông rất buồn lòng. Trong niềm tin của mình, ông đành phó thác bằng lời cầu nguyện. Và điều làm ông cảm thấy vui hơn chính là con cái có dấu hiệu làm lành, vết nứt ngày càng được hàn gắn. “Sóng gió gia đình yên thì bước vào tuổi 60 mới vui trọn vẹn được.”, ông tâm sự.
Ông Đặng Khánh (TP.HCM) vẫn nhớ và biết Ất Mùi này là đúng 60 tuổi của mình. Vậy nhưng, vợ ông vừa mất cách nay sáu tháng nên đến giờ nỗi buồn vẫn chưa nguôi ngoai. “Lớn tuổi rồi có hai người già hủ hỉ với nhau cũng vui, giờ bà nhà không còn nữa thấy thiếu thiếu, buồn buồn sao đó…”, ông trầm ngâm nói. Các con của ông hiểu được nỗi trống vắng của cha nên dự tính sẽ xin một ý lễ tạ ơn và tổ chức bữa cơm thân mật trong nhà hầu mong ông sẽ thấy vui tươi, hạnh phúc đôi chút nhân dịp mừng tuổi mới.
Có những người Xuân đến, Xuân đi cũng chẳng nhớ gì đến tuổi tác của mình, “đáo tuế” lại càng là khái niệm xa lạ, như trường hợp bà Nguyễn Thị Hà, hiện đang sống tại Nhà tình thương dưỡng lão Tân Thông (TP.HCM). Không gia đình, người thân, từ An Giang một mình lên Sài Gòn kiếm sống từ lúc trẻ, năm 2009 bà bị đột qụy rồi được đưa vào nhà dưỡng lão này tới nay. Nếu không nhắc có lẽ bà cũng chẳng nhớ năm nay mình 60. Hỏi có mong muốn điều gì nhân năm tuổi và cho cả ngày mai, bà nói ớ ớ: “Chỉ mong giúp được các sơ điều gì đó để trả ơn vì thấy các sơ cực quá. Còn năm tuổi hả, chẳng để ý nữa, cứ sống qua ngày vậy thôi”. Với bà, chuyện mừng lễ, ăn tiệc nhân năm đáo tuế là gì đó vượt ngoài suy nghĩ…
“Em ơi, có bao nhiêu, sáu mươi năm cuộc đời…”, câu hát như nhắc nhớ rằng tuổi 60 như một mốc quan trọng của đời người. Bởi vậy, dù vui hay còn nhiều điều chưa được trọn vẹn, nhiều người vẫn muốn nói lời “tạ ơn Chúa” vì không phải ai cũng được sống tới tuổi này.
THANH CA
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.