Thứ Năm, 23 Tháng Bảy, 2015 23:13

Zeamă, món phở của Moldova

Khi nếm thử từng muỗng nước súp, điều đầu tiên tôi cảm nhận là sự nồng nàn của ớt chuông, vị chua thanh nhẹ của “borscht” và vị thơm ngọt của từng miếng thịt gà. Zeamă (Zea-mă), món ăn đặc trưng của Moldova đi qua cuộc đời tôi như một một món phở thứ hai, và đọng lại trong tôi cảm giác ấm áp của quê nhà khi đang học tập ở một nước Đông Âu xa xôi.

Zeamă vừa là một món súp truyền thống vừa là một món ăn đặc trưng của Moldova, một đất nước nằm trong lục địa Đông Âu. Về hình ảnh, cách dùng của zeamă gần giống với phở của Việt Nam nên tôi không thể không gật gù khi một người bạn đồng hương thân thương gọi zeamă là món phở thứ hai của Việt Nam, tất nhiên tôi cũng có những cảm nhận của riêng mình.

Zeamă món súp truyền thống của Moldova

“Là một món súp với thịt gà tươi ngon, có chút chút vị chua nhưng rất ngon đấy nhé!”, Vika Ciobanu, 22 tuổi, một bạn trẻ Moldova mời gọi tôi xắn tay áo vào bếp, bắt tay cùng làm món ăn hấp dẫn này. Sau khi luộc và để riêng thịt gà cho ráo, nước luộc gà tiếp tục sẽ được nấu với cà rốt, cà chua, ớt chuông tầm 15 phút, chuẩn bị một loại nước dùng đặc biệt. Tiếp theo, cho hỗn hợp gồm thịt gà xé, nấm đã xào trước, mì sợi đã chần qua nước sôi vào nước dùng, nêm nếm gia vị. Tuy nhiên điều đặc biệt của nước dùng chính là vị chua. Vị chua của zeamă được tạo ra từ một loại súp đặc biệt: borscht. Là một món súp có nguồn gốc từ Ukraina, phổ biến ở nhiều quốc gia Đông và Trung Âu, borscht thường được làm từ củ cải đường hoặc cà chua (có màu đỏ tía). Borscht có vị chua rất đặc biệt: thanh thanh, nhẹ nhẹ chứ không phải đắng nồng như chanh.

Thêm borscht vào nước dùng và nêm nếm vừa ăn là coi như đã hoàn thành zeamă. Nếu như ăn phở mà thiếu ngò gai là tô phở kém hấp dẫn thì trước khi thưởng thức zeamă, người dùng sẽ nêm thêm lá nguyệt quế cho đủ hương vị. Zeamă thường được ăn kèm với smântână (váng sữa), bánh mì (bánh mì đen hoặc trắng nhưng bánh mì đen được ưa chuộng hơn) và ớt.

Tôi thưởng thức zeamă rất từ tốn để cảm nhận món ăn tinh tế này với mọi giác quan có thể. Nếu sử dụng khứu giác, tôi cảm nhận được chút nồng nồng của ớt, hương thơm dịu dàng của rau củ. Nếu là vị giác, đầu lưỡi sẽ cảm nhận được vị chua đầu tiên, sau đó vị ngọt dần lan tỏa để rồi đọng lại vẫn là vị chua nhưng rất nhẹ nhàng, đằm thắm... Thị giác cho tôi thấy được những sắc màu sặc sỡ, bắt mắt có trong món ăn: màu đỏ của cà chua xen lẫn màu xanh của ớt, màu đỏ cam của cà rốt, cùng hòa quyện với màu trắng của mì sợi và thịt gà. Nước dùng không phải màu trong vắt, đó là màu vàng lóng lánh của dầu và tinh hoa của tất cả thành phần. Sợi mì để lâu trong nước không nở, mềm, không dai nhưng nhìn vẫn cứng cáp.

Với zeamă, tôi cảm nhận được sự gần gũi từ lần đầu tiên nếm thử. Ở đó, tôi thấy thấp thoáng những cánh đồng vàng óng ả và những ngọn đồi xanh bát ngát. Tôi thấy như có tô phở hôm nào cả nhà quây quần nấu thử, thấy cả vị chua ngọt của nồi canh chua bạc hà mẹ nấu. Moldova, một đất nước xa lạ nhưng có những cái lại rất gần gũi, thân thương, mang hơi thở của quê nhà.

Zeamă là cầu nối giữa con người với con người. Đây là món ăn được dùng trong các bữa ăn hằng ngày khi gia đình quây quần bên nhau, đặc biệt được giới thiệu với khách nước ngoài hoặc được dùng để chiêu đãi khách đến chơi nhà. Sabina Nadejdin, 29 tuổi, dân Moldova chính hiệu vui vẻ giới thiệu: “Cách mà chúng tôi nấu zeamă ngon và hấp dẫn đến đâu cũng chính là cách mà chúng tôi chào đón khách đến chơi nhà (khách nước ngoài) với lòng niềm nở như thế”. Và tôi không khỏi lâng lâng khi được cô chào đón bằng một tô súp zeamă gà thơm nồng. 

HÀ MINH THU (Du học sinh Moldova)

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm