Những ngày chờ Chúa giáng thế đang đến rất gần, đâu đâu cũng nô nức trang hoàng để chuẩn bị đón Hài nhi Giêsu. Khắp nơi từ phố thị đến thôn quê, đèn chớp nháy xanh đỏ đều đã giăng lên cây thông Noel, lên mái nhà, cửa sổ, cửa chính và nhất là hang đá để trang trí. Các nhà thờ cũng gấp rút hoàn tất việc làm hang đá của giáo xứ mình theo chủ đề của từng năm, bằng những cách thức hợp lý nhất, ý nghĩa nhất, và cũng bắt mắt nhất. Nhưng đâu đó vẫn còn nhiều nơi không có nhiều điều kiện để trang hoàng cho Giáng Sinh, họ tận dụng tất cả những gì đang sẵn có tại chỗ để tự làm đẹp không gian theo cách riêng của mình. Như việc sử dụng những ống tre, cành trúc sẵn có ở trong làng hay trên nương rẫy để làm trụ đỡ cho hang đá nhỏ, là cách mà người đồng bào dân tộc Bahnar ở Kon Tum chuẩn bị hang đá để đón Chúa Hài Ðồng.
Một hang đá đơn sơ của người dân tộc Bahnar
|
Họ tận dụng những tàu lá chuối được cắt sau vườn nhà để làm mái lợp cho hang đá; tận dụng những bó rơm rạ sẵn có ở ngoài đồng vừa thu hoạch vụ lúa xong làm đệm cho Chúa nằm; cả những bụi cỏ khóm hoa ven đường, ven suối đủ màu sắc cũng được mấy em nhỏ nhổ về trồng trong những khúc cây mục thay cho chậu hoa cảnh... Với họ, tất cả những điều đó là đẹp nhất để làm “ổ” cho Chúa chào đời.
Tôi nhớ đến bài giảng của một linh mục ở Kon Tum, khi chia sẻ với các em nhỏ, ngài nói: “Các con đừng lấy làm buồn vì nhà mình không có điều kiện để trang trí cho hang đá của mình được đẹp và cũng không đẹp như mong muốn. Mà chúng con cứ làm đơn giản, đơn sơ thôi là đã đẹp rồi. Vì ngày xưa khi Chúa Giêsu được sinh ra, Mẹ Maria và Thánh Giuse không có điều kiện để thuê được quán trọ, không tìm được một căn nhà ấm cúng để Mẹ nghỉ ngơi. Mẹ Maria phải sinh Chúa Giêsu trong hang lừa, lấy khăn vải quấn con trẻ và đặt nằm trong máng cỏ cơ mà. Không gian đó đâu có được trang hoàng lộng lẫy gì đâu, đâu có được thơm tho gì đâu, hay cũng đâu có ấm áp gì, mà là lạnh lẽo thật sự. Thế nên hang đá xấu mới là đúng nhất, là đẹp nhất đấy các con!”.
Ðiều vị linh mục nói tưởng chừng như vô lý mà lại thật hợp lý hợp tình. Dù biết đó chỉ là sự khích lệ để con trẻ hân hoan, sốt sắng cùng gia đình làm hang đá nhân dịp lễ Giáng Sinh thôi, nhưng tôi cảm nhận được bài học để mỗi người chúng ta cần tập trung dọn tâm hồn mình đón Chúa giáng sinh trong sự yêu thương, hân hoan, chân thành. Như hang đá mộc mạc, đơn sơ mà được chung tay gầy dựng bởi tất cả mọi người trong gia đình, hay trong làng cùng làm với nhau thì sẽ là hang đá đẹp nhất, ấm áp nhất...
Người dân trong làng tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn để làm hang đá |
Ở làng Kon K’Tu chúng tôi, những ngày trước Noel cũng rộn ràng lắm, hầu hết các nhà đều đã có hang đá nhỏ cả rồi, mỗi cái mỗi kiểu khác nhau, nhưng tất cả đều giống nhau bởi sự đơn sơ, mộc mạc và cũ kỹ y như ngôi làng bao năm qua. Một mùa Giáng Sinh nữa lại về, chúng tôi, những con người của núi rừng, chúc tụng và mừng đón Chúa Giáng Sinh theo cách thức riêng của mình. Nơi có nắng của cao nguyên, có gió của rừng núi, và có cả cái lạnh của đất trời hoang vu, nhưng trong đó còn có cả cái ấm áp của tình làng nghĩa xóm, tiếng nói cười của con trẻ khi tự tay dựng nên những hang đá nhỏ xinh làm nơi trú ngụ cho Hài nhi Giêsu giáng trần. Ðó sẽ là những của lễ đẹp lòng nhất, hợp dâng cùng hoa màu sản vật của vụ mùa vừa thu, dâng lên cho Chúa Hài Ðồng.
THÔNG BAHNAR
Bình luận