Giáo đoàn Bangladesh chào đón Ðức Thánh Cha

Mới lập nước vào năm 1971, Bangladesh hiện là một trong những quốc gia có mật độ dân số cao nhất thế giới, với tổng dân số vào năm 2016 là 163 triệu người (trên diện tích 147.570 km2), theo thống kê của Ngân hàng Thế giới. Dù là công xưởng của thế giới, kinh tế của nước này vẫn chưa thật sự khởi sắc, với GDP bình quân trên đầu người trong năm 2016 là khoảng 1.350 USD. Số dân theo đạo Công giáo tại Bangladesh khoảng 350.000 người, chiếm chưa đến 0,3% dân số, theo số liệu vào năm 2016. Toàn nước này có 2 tổng giáo phận, 6 giáo phận và chỉ có một hồng y. Việc Ðức Giáo Hoàng phong chức cho 16 tân linh mục trong chuyến tông du là dấu hiệu cho thấy đất nước này tôn trọng quyền bình đẳng của mọi tôn giáo. Tại quốc gia mà 90% dân số là người Hồi giáo, Giáo hội Công giáo đã thành lập nhiều trường học và bệnh viện.

Chuyến thăm Bangladesh của Đức Giáo Hoàng Phanxicô mang lại niềm tin và hy vọng trong bối cảnh người dân nước này vẫn đang phải đối mặt với khốn khó bộn bề.

Sau khi kết thúc chuyến thăm kéo dài 4 ngày tại Myanmar, ngày 30.11.2017, Ðức Phanxicô đã bắt đầu chặng thứ hai của chuyến tông du châu Á với điểm kế tiếp là Bangladesh. Từ phi trường quốc tế Dhaka, ngài lập tức đến Ðài tưởng niệm Liệt sĩ quốc gia, cách Dhaka khoảng 32km, nơi vinh danh những người tử trận vào năm 1971 trong cuộc chiến tách Bangladesh khỏi Pakistan. Trong sổ lưu niệm, Ðức Giáo Hoàng viết: “Hãy tưởng nhớ những người hy sinh mạng sống để quốc gia này được khai sinh, cầu mong dân tộc Bangladesh luôn làm hết sức mình vì công lý và lợi ích cho tất cả mọi người”.

Ðấu tranh vì người thiệt thòi

Kế đến, Ðức Thánh Cha gặp riêng Tổng thống Abdul Hamid, trước khi có bài phát biểu gởi đến vị nguyên thủ, giới chức chính phủ, các nhà ngoại giao và lãnh đạo dân sự. Ngài đã ca ngợi đức hy sinh và sự hào phóng của người dân Bangladesh khi mở rộng vòng tay chào đón vô số người tị nạn “trước sự chứng kiến của cả thế giới”. Và Ðức Phanxicô không ngần ngại dùng những lời lẽ sắc bén khi nói về những người tị nạn từ bang Rakhine (Myanmar - chỉ người Hồi giáo Rohingya): “Không ai trong số chúng ta có thể ngoảnh mặt làm ngơ trước mức độ nghiêm trọng của tình hình, con số khủng khiếp của những con người phải chịu cảnh thống khổ, và điều kiện sống hết sức bấp bênh của vô số anh chị em của chúng ta, đa phần là phụ nữ và trẻ con, đang chen chúc nhau trong các trại tị nạn”.

Ngài kêu gọi cộng đồng thế giới hãy nhanh chóng triển khai “các biện pháp dứt khoát” để xử lý cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đang diễn ra. Tình hình vô cùng cấp bách, không chỉ nỗ lực giải quyết các vấn đề chính trị dẫn đến sự tha hương trên diện rộng của những người Rohingya, mà còn phải nhanh chóng cung cấp sự hỗ trợ vật chất tức thời cho Bangladesh, góp phần vào nỗ lực chung nhằm đáp ứng nhu cầu khẩn cấp của những người đang gặp nạn, mà theo con số Tổng thống Hamid đưa ra là khoảng 1 triệu người. Chính phủ Bangladesh ủng hộ đối thoại liên tôn, sự chung sống hòa hợp của mọi tôn giáo, tín ngưỡng trên cùng một lãnh thổ, và Tổng thống Hamid cho rằng “tôn giáo là vấn đề cá nhân, nhưng lễ hội lại thuộc phạm vi đại đồng”.

Đức Thánh Cha gặp Tổng thống Abdul Hamnid

Trước quan điểm cởi mở này, Ðức Phanxicô đáp lời: “Trong một thế giới mà tôn giáo bị một số lực lượng cực đoan lợi dụng làm công cụ chia rẽ, việc chứng kiến sự hòa giải và hòa hợp còn hơn cả sự cần thiết… Chỉ thông qua đối thoại thẳng thắn, chân thành và tôn trọng tính đa dạng hợp pháp, con người mới có thể hòa giải trước những phân biệt, vượt qua những ý kiến đơn phương, và công nhận giá trị của những cách nhìn khác nhau… Bởi vì đối thoại thực sự là hướng đến tương lai, nó giúp xây dựng được sự nhất trí trong việc phục vụ vì quyền lợi chung của mọi người, và quan tâm đến nhu cầu của mọi công dân, đặc biệt là người bần hàn, bị thiệt thòi và những người không có tiếng nói trong xã hội”.

Cầu xin sự tha thứ

Trong cuộc gặp đầy xúc động với một nhóm người tị nạn vào ngày 1.12 tại Bangladesh, ngài đã nói: “Trong ngày hôm nay, sự hiện diện của Thiên Chúa còn được gọi là Rohingya”. Tổng cộng 16 người đại diện cộng đồng Hồi giáo thiểu số này gặp Ðức Giáo Hoàng đã đến từ Cox’s Bazar, quận giáp Myanmar, nơi các trại tị nạn vẫn đang tiếp tục đón hơn 620.000 người Rohingya lánh nạn. Ðức Thánh Cha đã chào đón và ban phép lành cho họ, nắm chặt tay những người đang phải chạy trốn, và lắng nghe câu chuyện của từng người trong buổi cầu nguyện liên tôn ở Dhaka.

Ân cần với người tị nạn Rohingya

16 người này, gồm 12 đàn ông, 2 phụ nữ và 2 bé gái, và ai nấy đều có cơ hội trò chuyện với Ðức Phanxicô, thông qua phiên dịch. Ngài đặt tay lên đầu, ban phép lành cho một cô bé, và nắm lấy vai của một thanh niên. “Nhân danh những người đã hành hạ và đang mang lại đau khổ cho các con, làm hại các con, và trên hết là tình trạng bất bình đẳng của thế giới, cha mong nhận được sự tha thứ. Chúng ta luôn kề cận bên các con. Dù điều mà chúng ta có thể làm cho các con vô cùng ít ỏi so với nỗi thống khổ mà các con phải gánh chịu, trái tim chúng ta luôn có chỗ cho các con”, Ðức Giáo Hoàng nói một cách chân thành.

Sau đó, Ðức Thánh Cha thú nhận rằng mình “đã khóc nhưng cố gắng che giấu”. Trong cuộc họp báo trên máy bay lúc quay về Vatican, Ðức Giáo Hoàng Phanxicô cho biết cuộc gặp gỡ với những người Rohingya ở Bangladesh hoàn toàn không được lên kế hoạch trước, mà chỉ biết rằng mình sẽ gặp họ. Ban đầu, lịch trình chỉ cho phép nhóm người Rohingya chào Ðức Giáo Hoàng chứ không có thời gian trò chuyện, nhưng bằng cách nào đó, ngài đề nghị để họ được lưu lại. Và sau khi tiếp xúc từng người, Ðức Thánh Cha bị thôi thúc phải lên tiếng, và ngài đã hai lần cầu xin sự tha thứ.

Bỏ bài phát biểu chuẩn bị sẵn

Trong ngày cuối cùng tại Bangladesh, Ðức Giáo Hoàng thúc giục giới linh mục và nữ tu ở nước này hãy cưỡng lại sức cám dỗ chết người từ “chủ nghĩa khủng bố của ngồi lê mách lẻo”. Bằng cách nói chuyện hết sức sinh động, Ðức Thánh Cha cho rằng chuyện ngồi lê đôi mách có thể gây chia rẽ nghiêm trọng các cộng đồng tôn giáo. Giống như nhiều cuộc tiếp xúc trước đó, ngài quyết định bỏ bài phát biểu dài 8 trang đã được chuẩn bị sẵn, và thay vào đó trò chuyện với cộng đồng tu sĩ có mặt tại nhà thờ Mân Côi ở Dhaka bằng trái tim mình: “Cha chẳng biết điều đó tốt hoặc tệ hơn, nhưng cha hứa rằng cuộc nói chuyện sẽ đỡ nhàm chán hơn”.

Và thế là trong 15 phút trò chuyện, Ðức Phanxicô hoàn toàn chinh phục tâm trí người nghe, pha trộn những lời chỉ bảo ân cần của người cha về cách nuôi dưỡng thiên hướng tôn giáo, kèm theo một số câu nhắc nhở hết sức nhẹ nhàng về mối nguy hiểm mà “những quả bom” mang tên “thích tám chuyện” có thể phá hoại trong các cộng đồng tu trì khép kín. “Bao nhiêu cộng đồng tôn giáo đã bị hủy hoại vì thói ngồi lê mách lẻo? Các con, làm ơn, hãy làm ơn giữ miệng”, Ðức Giáo Hoàng chỉ ra, và bổ sung rằng ngài đang chia sẻ kinh nghiệm cá nhân. Ngài cũng là vị giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử liên tục nhắc nhở các tín hữu về mức độ hủy hoại khủng khiếp của thói quen buôn chuyện - mầm mống của ghen ghét, đố kị và oán giận.

Kim chỉ nam cho giới trẻ

Trong sự kiện cuối cùng trước khi kết thúc chuyến tông du nhiều cảm xúc tại Bangladesh, Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đã dừng chân tại Ðại học Công giáo Notre Dame danh tiếng ở Dhaka (trường do dòng Thánh Giá - CSC - thành lập) để gặp gỡ “tương lai” của đất nước Nam Á này. Tại đây, ngài đã trao “chìa khóa” giúp giới thanh niên luôn sẵn sàng sống và làm chứng nhân cho Tin Mừng. “Các con lúc nào cũng tràn đầy sự hăng hái, và ta luôn cảm thấy trẻ lại mỗi khi gặp các con”, Ðức Giáo Hoàng tán dương sức sống của tuổi trẻ. Ngài cũng đã nêu lên sợi dây liên hệ giữa lòng nhiệt huyết của người trẻ tuổi với tinh thần phiêu lưu: “Chúng ta cần phải đảm bảo rằng mình chọn đúng con đường, chứ không phải lang thang trong vô vọng. Cuộc sống của chúng ta không phải chẳng có phương hướng. Mỗi sự sống đều có mục đích mà Chúa đã trao cho chúng ta. Ngài luôn dẫn dắt chúng ta”.

Ðức Giáo Hoàng chỉ ra mỗi người đều được lắp đặt sẵn “phần mềm” giúp từng cá nhân phân biệt được kế hoạch của Thiên Chúa. Thế nhưng, cũng như bất kỳ phần mềm nào, nó buộc phải được cập nhật thường xuyên, bằng cách lắng nghe lời Thiên Chúa và chấp nhận thách thức để làm theo ý muốn của Ngài. Ðức Thánh Cha hé lộ bí mật giúp con người có thể định hướng cho cuộc hành trình của cuộc đời: đó là sự thông thái đến từ niềm tin vào tôn giáo, chứ không phải dựa vào thế giới này. Cuối cùng, vị chủ chăn thành Rôma khuyến khích giới trẻ không nên tự khóa mình vào thế giới nhỏ bé của chính họ, mà hãy mở rộng chào đón những người từ các tôn giáo khác, kính trọng người cao niên. Ngài kết luận, hy vọng đến từ sự tiếp xúc cá nhân với Chúa Giêsu trong lúc cầu nguyện, tham dự thánh lễ, và khi tiếp xúc với người nghèo, người bệnh tật.

Vào cuối buổi, đại diện cho Bangladesh, Ðức Giám mục Patrick D’Rozario, Tổng Giám mục Dhaka, đã gởi lời tri ân đến người kế vị thánh Phêrô: “Ðức Giáo Hoàng Phanxicô, chúng con yêu mến người. Ðức Giáo Hoàng Phanxicô, đừng lãng quên chúng con. Ðức Giáo Hoàng Phanxicô, hãy cầu nguyện cho chúng con!”.

Ðức Giáo Hoàng đi xích lô

Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đã tạm rời “tông xa” (papamobile) để thử cuốc xích lô truyền thống của người Bangladesh khi thăm Dhaka vào ngày 1.12, theo AFP. Ðức Thánh Cha đã cười rạng rỡ khi ngồi trên chiếc xe khởi hành từ vườn của Tòa Tổng Giám mục. Xích lô là phương tiện chuyên chở rất phổ biến của người dân xứ sở Nam Á này và thường được sơn phết nhiều màu sắc đẹp đẽ. Chiếc xe chở Ðức Giáo Hoàng hoàn toàn mới, được lắp thêm các thanh chắn để bảo vệ an toàn cho ngài. Sau chuyến đi ngắn, Ðức Thánh Cha ban phép lành cho người điều khiển xe là bác tài Sagar Corraya, trao cho ông một chuỗi tràng hạt. AFP dẫn lời ông Corraya chia sẻ: “Ngài vỗ vai tôi và nói cám ơn rất nhiều. Khi tôi chuẩn bị rời đi, ngài gọi tôi lại và tặng tôi món quà đó”. Ông thêm rằng mình vô cùng phấn khích và không thể nào bày tỏ hết niềm vui.

Đức Gioan Phaolô II (trái) và Đức Phanxicô đều đi xích lê khi đến Bangladesh

Ðức Thánh Cha cũng nhận được món quà đặc biệt là chiếc xích lô mini bằng vàng ròng trong cuộc gặp với Tổng thống Bangladesh. Trước Ðức Phanxicô, vị giáo hoàng gần đây nhất từng công du Bangladesh là thánh Gioan Phaolô II cũng ngồi thử xích lô truyền thống vào tháng 11.1986.

Ðức Giáo Hoàng truyền chứccho 16 tân linh mục

Trong thánh lễ với sự tham dự của khoảng 100.000 tín hữu vào sáng 1.12 tại công viên Suhrawardy Udyan ở Dhaka, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã phong chức cho 16 tân linh mục. Ðây được xem là một sự kiện hiếm thấy trong các chuyến tông du. Bangladesh cũng là điểm đến yêu thích của nhiều đời giáo hoàng, trước Ðức Phanxicô đã có 2 vị là Ðức Phaolô VI vào năm 1970 và thánh Gioan Phaolô II vào năm 1986.

GIANG VÔ YÊN

Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Giáo dân “ngắt kết nối” mạng xã hội trong một ngày
Giáo dân “ngắt kết nối” mạng xã hội trong một ngày
Giáo phận Arlington, Mỹ, kêu gọi toàn thể tín hữu tạm gác điện thoại và thiết bị điện tử trong “Ngày ngắt kết nối tại giáo phận” lần thứ hai, diễn ra vào thứ Sáu 28.3.2025, nhằm giúp giáo dân tập trung vào cầu nguyện, chay tịnh và bố thí
Pakistan tôn vinh Đức Hồng y Coutts vì thúc đẩy hòa hợp liên tôn
Pakistan tôn vinh Đức Hồng y Coutts vì thúc đẩy hòa hợp liên tôn
Nhân Ngày Quốc khánh Pakistan 23.3, Đức Hồng y Joseph Coutts, nguyên Tổng Giám mục Karachi, đã được trao giải thưởng Tamgha-e-Imtiaz - danh hiệu dân sự cao thứ tư - vì những nỗ lực thúc đẩy đối thoại giữa người Hồi giáo và Công giáo tại quốc gia Hồi...
Giáo lý viên học cách ứng dụng AI
Giáo lý viên học cách ứng dụng AI
Ủy ban Giáo lý Tổng Giáo phận Jakarta, Indonesia, đã tổ chức cuộc hội thảo một ngày về trí năng nhân tạo (AI) dành cho các trưởng nhóm giáo lý viên - những người dẫn dắt hàng trăm giáo lý viên tại 68 giáo xứ trong Tổng Giáo phận.
Giáo dân “ngắt kết nối” mạng xã hội trong một ngày
Giáo dân “ngắt kết nối” mạng xã hội trong một ngày
Giáo phận Arlington, Mỹ, kêu gọi toàn thể tín hữu tạm gác điện thoại và thiết bị điện tử trong “Ngày ngắt kết nối tại giáo phận” lần thứ hai, diễn ra vào thứ Sáu 28.3.2025, nhằm giúp giáo dân tập trung vào cầu nguyện, chay tịnh và bố thí
Pakistan tôn vinh Đức Hồng y Coutts vì thúc đẩy hòa hợp liên tôn
Pakistan tôn vinh Đức Hồng y Coutts vì thúc đẩy hòa hợp liên tôn
Nhân Ngày Quốc khánh Pakistan 23.3, Đức Hồng y Joseph Coutts, nguyên Tổng Giám mục Karachi, đã được trao giải thưởng Tamgha-e-Imtiaz - danh hiệu dân sự cao thứ tư - vì những nỗ lực thúc đẩy đối thoại giữa người Hồi giáo và Công giáo tại quốc gia Hồi...
Giáo lý viên học cách ứng dụng AI
Giáo lý viên học cách ứng dụng AI
Ủy ban Giáo lý Tổng Giáo phận Jakarta, Indonesia, đã tổ chức cuộc hội thảo một ngày về trí năng nhân tạo (AI) dành cho các trưởng nhóm giáo lý viên - những người dẫn dắt hàng trăm giáo lý viên tại 68 giáo xứ trong Tổng Giáo phận.
Giáo hội Nhật cầu nguyện cho nạn nhân của nạn lạm dụng tình dục
Giáo hội Nhật cầu nguyện cho nạn nhân của nạn lạm dụng tình dục
Đức Hồng y Isao Kikuchi, Tổng Giám mục Tokyo, vừa lên tiếng kêu gọi Giáo hội Công giáo tăng cường trách nhiệm và đồng hành với các nạn nhân bị lạm dụng tình dục bởi hàng giáo sĩ. Lời kêu gọi được đưa ra trong bài giảng Chúa nhật III...
Bên trong Tổng đài  Vatican
Bên trong Tổng đài Vatican
Trong thời gian Ðức Giáo Hoàng Phanxicô nhập viện điều trị, các nữ tu của Tổng đài Vatican luôn tìm cách an ủi và giảm sự lo lắng của những người gọi điện đến thăm hỏi sức khỏe ngài.
Ðức Giáo Hoàng dưỡng bệnh tại nhà trọ Thánh Mátta
Ðức Giáo Hoàng dưỡng bệnh tại nhà trọ Thánh Mátta
Ngay trước khi xuất viện vào ngày 23.2, Ðức Phanxicô đã nhờ người đẩy xe lăn ra ban công ở lầu 5 để ngài có thể gởi lời chào đến đông đảo các tín hữu tập trung ở sân trước của Bệnh viện Gemelli (Rome).
Đức Thánh Cha và niềm vui bất ngờ cho bà cụ "đóa hoa hồng vàng"
Đức Thánh Cha và niềm vui bất ngờ cho bà cụ "đóa hoa hồng vàng"
Bà cụ ngỡ ngàng mất một lúc, rồi vui mừng giơ bó hoa lên chào ngài. Sau đó, bó hoa đã được đưa đến tận tay Đức Giáo Hoàng. Ngài cũng lên xe, xuất viện về lại Vatican và trên đường về, xe dừng ở Vương Cung Thánh Đường Đức...
Đức Phanxicô xuất hiện trước công chúng kể từ khi nhập viện
Đức Phanxicô xuất hiện trước công chúng kể từ khi nhập viện
12g trưa 23.3 (giờ Rome, tức 18g, giờ Việt Nam), Đức Phanxicô đã xuất hiện ở ban công của bệnh viện Gemelli, nơi ngài được điều trị hơn 1 tháng qua.
Vị nữ tu  kinh tế gia của Vatican
Vị nữ tu kinh tế gia của Vatican
Giáo sư, nhà kinh tế học Alessandra Smerilli, nữ tu dòng Con Ðức Mẹ Phù Hộ (Salêdiêng Don Bosco) là một trong vài phụ nữ đảm nhiệm các chức vụ cao cấp của giáo triều Rome.