PHỎNG VẤN GIÁO HOÀNG PHANXICÔ
Nói chuyện trực tiếp với Đức Giáo hoàng Phanxicô thật sự là một kinh nghiệm thiêng liêng. Ở cạnh ngài trong thời gian khá lâu đã cho tôi một cảm nghĩ cũng như nhận thức được một con người sâu sắc đắm chìm trong Chúa. Một trong những người bạn của ngài là Luis Palau, vị lãnh đạo thế giới khá tiếng tăm của những tín hữu Phúc âm đã có một lần nói : “Khi anh ở với Hồng y Bergoglio, anh có cảm tưởng rằng ngài biết rất tường tận về Thiên Chúa Cha”. Và đúng như vậy, trước mặt ngài người ta có cảm tưởng ngài là một con người tự do, một sự tự do thiêng liêng, hoàn toàn dấn thân trong cuộc sống, trong sự năng động và trong những tình cảm trìu mến. Ngài là một con người thoải mái, rõ ràng...
![]() |
Quyền bính của ĐTC đã không kèm theo một khoảng cách có tính phẩm trật, nhưng trái lại có một sự sẵn sàng, gần gũi mà ngài đã hết sức lưu tâm |
Jorge Maria Bergoglio rất khôi hài, đồng thời cũng rất nghiêm túc với cuộc sống, và điều đó đôi khi làm cho ngài trở nên nghiêm nghị nhưng không bao giờ u tối. Ngài là một con người rất quan tâm đến những ai đối diện, biết lắng nghe trong chiều sâu. Bản tính tự nhiên dấn thân của Hồng y Jorge Maria Bergoglio và sau này là Giáo hoàng Phanxicô thực sự là một “KHỐI HỔN LOẠN BÌNH AN”, mời gọi một tương giao không cần đến những quy tắc, ngược lại với một cuộc phỏng vấn đặc biệt thì luôn phải có quy tắc. Do vậy, tôi cũng không nhớ thế nào và tại sao tôi đã nói với ngài về cha mẹ của tôi Grazia và Santi. Đức Giáo Hoàng đã cám ơn tôi rất nhiều về việc này. Còn ngài thì nói với tôi về bà ngoại Rosa của mình, nói về những cuộc dạo mát với gia đình, những lần đi xem phim... Dĩ nhiên, khi đó máy ghi âm đã được tắt. Và tôi đã khó khăn khi mở lại, như cách mở lại máy làm cho cuộc trao đổi bị cắt đứt, làm cho tôi có cảm giác tôi không còn được phỏng vấn riêng ngài nữa.
Trước mắt tôi có giấy bút và tôi cũng đã ghi chú một vài điểm nhưng không được bao lâu và không được nhiều. Bởi vì tôi nghĩ rằng tờ giấy với những tẩy xóa sẽ là cản trở cho cuộc đàm thoại xuyên suốt và dễ mến này. Và tức khắc tôi đã bỏ ngòi bút và đã đối thoại với ngài một cách tự do, dù máy cứ tiếp tục chạy nhưng là việc của máy, tôi không quan tâm nữa. Còn cuộc trao đổi này thật là một dòng suối. Việc đã có cùng một cách đào tạo với tư cách là tu sĩ Dòng Tên đã giúp chúng tôi có một ngôn ngữ đồng cảm với nhau hơn.
Giáo hoàng đã dặn kỹ rằng tôi không cần phải sợ sệt, ngại ngùng nêu ra những vấn đề nếu tôi muốn hỏi thêm điều gì đó trong phần chia sẻ hoặc thắc mắc chỗ chưa rõ. Lời mời gọi này cho thấy ngài mong ước có được một cuộc trao đổi chân thành, thẳng thắn. Có một chi tiết gây cho tôi sự ngạc nhiên và thú vị : Giáo hoàng rất thích Henri de Lubac và Michel de Certeau. Từ trước tới nay, tôi đã đoán ngài thích Henri de Lubac - tác giả mà ngài thường xuyên thích trích dẫn trong những cuộc nói chuyện, nhưng giờ tôi mới biết là ngài thích cả Michel de Certeau. Hai tu sĩ Dòng Tên này có một sự liên kết chặt chẽ : Nếu năm 1950, Michel de Certeau trở thành tu sĩ dòng Tên chính vì ảnh hưởng lớn của tư tưởng Henri de Lubac, thì đến năm 1971, Henri de Lubac hoàn toàn tách biệt và tách biệt một cách đau đớn khỏi người môn đệ của mình. Cách trích dẫn và kết hợp hai người với nhau của Đức Giáo Hoàng đã làm tôi bị đánh động bởi cho chúng ta thấy rằng, ngài có một tư tưởng rất cởi mở đối với những cuộc xung đột, ngài có những lập trường khác nhau và cũng không buộc phải hòa hợp với nhau. Lật lại những tuyên bố trước khi ngài làm giáo hoàng, chúng ta có thể nhận ra tư tưởng đó. Chẳng hạn, ngày 19 tháng 9 năm 2009, khi bế mạc Ngày mục vụ xã hội lần thứ 12 của học viện Colegio San Cayetano, ngài đã phát biểu : “Liều lĩnh dễ sợ nhất, bệnh hoạn dễ sợ nhất là bình địa hóa tư tưởng, tính tự kỷ của trí thức, của tình cảm, đưa dẫn chúng ta đến những nhận thức chân thực ở trong vòng luẩn quẩn của chúng ta. Vì vậy, điều quan trọng là khám phá lại tính tha nhân và đối thoại”. Kết hợp các khác biệt với nhau cũng là điểm làm cho ngài luôn luôn quan tâm nghĩ rằng hai điều khác biệt đó có thể sống chung với nhau. Vì vậy, ngài đã đưa ra hình ảnh về sự đa diện, nghĩa là tất cả bổ túc cho nhau nhưng mỗi người vẫn giữ lấy sắc thái riêng của mình và làm phong phú hóa những người khác.
Tất cả những điều này giúp tôi cảm thấy hoàn toàn thoải mái. Song dù sao tôi cũng thấy có một sự đối chọi trong tôi : tôi biết rằng trước mặt tôi là Đức Giáo hoàng, và tôi ý thức được quyền bính của ngài, nhưng tôi vẫn không cảm thấy có sự cách biệt trong tương quan với ngài. Quyền bính của ngài đã không kèm theo một khoảng cách có tính phẩm trật, nhưng trái lại có một sự sẵn sàng, gần gũi mà ngài đã hết sức lưu tâm.
Vẫn có những lúc trong cuộc nói chuyện tôi có cảm tưởng mình đang ngồi trên một ngọn núi lửa, tôi thú nhận với Đức Giáo Hoàng và dường như ngài giả bộ không nghe. Giáo hoàng của chúng ta là một người hay mơ mộng. Không phải hay mơ như chúng ta thường làm, mà ngài là một con người thực tế, tin vào những ước mơ theo nghĩa đón nhận những nơi chốn có thể gặp được Thiên Chúa. Kinh Thánh cũng đã cho chúng ta biết về những giấc mộng và đó là nguồn suối và năng lực của ngài. Không phải là vô cớ khi mà nơi bàn làm việc của ngài có tượng thánh Giuse đang ngủ. Có một tượng khác như thế trước phòng ngủ của ngài như tượng trưng cho giấc mộng trong đó Thiên Thần nói với Thánh Giuse: “Đừng sợ đem Maria về nhà mình” (Mt 1, 20). Tôi nghĩ rằng hình ảnh trung thực về hành động của ngài là giấc mộng của Giuse và sự vâng phục vững vàng của tổ phụ về giấc mộng này.
“Đừng sợ…”: sự xác tín nội tâm này chắc chắn đã theo chân Đức Phanxicô khi ngài chấp nhận cuộc bầu cử làm giáo hoàng. Một sự chấp nhận đầy rẫy niềm an ủi nhưng đồng thời cũng có những bóng tối khi nghĩ đến tương lai, như ngài đã nói. Và từ lúc đó, tất cả đối với ngài biến thành một sự ngỡ ngàng như là đối với thánh Giuse: “Chính Thiên Chúa đã lấp đầy các khoảng trống” - ngài đã chia sẻ như vậy trong cuộc phỏng vấn tại Rio cũng như tại Roma. Thấy tôi ngỡ ngàng, ngài tiếp tục tâm sự : “Chính tôi, tôi cũng ngạc nhiên về tôi”. Ngài bảo khi gặp gỡ bất kỳ ai, ngài đều cảm thấy được sự thiện cảm. Tôi liên tưởng đó chính là sự thiện cảm mà ông Abraham Joshua Heschel đã đề cập đến và liên hệ tới người ngôn sứ : là người đặt cuộc sống của mình hòa hợp với lời của Thiên Chúa bằng cách lấy những tình cảm của những người đang nghe mình làm thành tình cảm của mình.
Thánh Giuse cũng là gạch nối với ngài: ngoài kinh nghiệm sống còn là “tinh thần người bảo vệ”. Ngày 19.3.2013, ngày lễ thánh Giuse, trong thánh lễ khai mạc sứ vụ Giáo hoàng của mình, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói ngài nhận tư cách người bảo vệ như là sứ vụ đặc biệt và như thánh Giuse. Chúng ta có thể hiểu, đó là “liên lỉ lưu tâm đến Thiên Chúa, cởi mở với các dấu chỉ”; “đọc các biến cố với tất cả thực tế của nó, lưu tâm đến những gì xảy ra xung quanh mình, lấy những quyết định khôn ngoan nhất”. Ngoài ra, đối với Đức Phanxicô, sự lưu tâm này có nghĩa là “ý thức rằng Thiên Chúa luôn làm ta ngạc nhiên”. Câu hỏi mà ngài tự đặt ra là : “Tôi có tự để cho mình ngỡ ngàng bởi Thiên Chúa như Mẹ Maria hay là tôi khép mình trong sự an toàn của tôi, an toàn vật chất, an toàn trí tuệ, an toàn trí thức hệ và an toàn về những kế hoạch của riêng tôi ?”.
Tôi nói với Đức Giáo hoàng rằng nhiều hành động của ngài đã làm tôi nhớ đến Đức Giáo hoàng Marcel II (1501-1555), một vị Giáo hoàng mà thánh Inhaxiô rất quý mến. Triều đại của ngài rất ngắn ngủi, chưa đầy một tháng, bởi cái chết đột ngột, tuy vậy, đã dấy lên những niềm hy vọng lớn lao để canh tân Giáo hội. Tôi cũng đã đem theo một số tác phẩm chính thức mà Dòng Tên đã viết về vị Giáo hoàng này và đọc một số đoạn cho Đức Giáo hoàng Phanxicô nghe. Tôi nhấn mạnh chi tiết Đức Giáo hoàng, Marcel II đã cấm tất cả những sự biểu lộ bên ngoài về những niềm vui bình thường tại lâu đài Saint-Ange cũng như ở những nơi khác và lệnh rằng tiền bạc mà người ta dùng vào những dịp lễ lớn phải được chuyển về cho những người nghèo và công tác từ thiện. Hơn thế, Giáo hoàng Marcell II luôn thích đi bộ hơn là được ngồi trên xe từ nhà thờ Thánh Phêrô đến nhà thờ Palais. Tôi dò hỏi Đức Giáo hoàng Phanxicô rằng có nhìn thấy mình trong sự kiện này không thì ngài trả lời ngay : “Triều đại của Giáo hoàng Marcell II chỉ chưa đầy một tháng”. Đó là bình luận duy nhất mà Giáo hoàng nói với tôi cùng với một nụ cười kèm câu “sau đó, có Hồng y Carafa”. Nên lưu ý rằng Hồng y Carafan được bầu chọn giáo hoàng dưới tên Phaolô IV, được gợi ý như là một giáo hoàng đã nới rộng quyền hành của TÒA ÁN GIÁO HỘI và đã xuất bản cuốn “Index des livre interdits”(1559).
(còn nữa)
Antonio SPADARO, SJ.
Nt QUỲNH GIAO chuyển ngữ
Bình luận