Gói ghém xuân này

Tết Nhâm Dần sẽ thật khác với những năm trước vì diễn ra trong hoàn cảnh “bình thường mới”. Dù vậy, không khí nao nức của năm mới vẫn hiển hiện trong nhịp sống mỗi ngày khi mà thời gian kết thúc năm Tân Sửu ngày một đến gần. Gói ghém hơn, nhưng làm sao để Tết vẫn được trọn vẹn có lẽ là suy nghĩ, cố gắng và lựa chọn của không ít gia đình.

Trẻ nhỏ luôn háo hức bên bếp nhà ngày Tết


Sắm sửa đơn giản hơn

Khi chợ ngay sát khu nhà bà Lương Thị Soan (Q. Bình Thạnh) đã nhộn nhịp bởi sự “phủ sóng” của đủ loại hàng hóa phục vụ Tết, thì lựa chọn của bà cho những ngày đầu năm sắp đến chỉ giản đơn với vài món truyền thống. “Mọi năm, giờ này nhà tôi đã lủ khủ đủ thứ để ăn Tết, nhưng năm nay thì khác lắm bởi năm qua nhiều khó khăn. Tôi cũng mới hoàn thành cách ly tại nhà ít lâu sau khi bị dương tính với siêu vi Corona, nên chuyện mua sắm bớt hứng thú. Hẳn nhiên nhà tôi vẫn sẽ sắm Tết nhưng tiết kiệm và cân nhắc nhiều hơn”, bà Soan chia sẻ. Chỉ cây mai đã tuốt lá cùng mảnh sân nhỏ điểm tô chậu hồng, khóm cúc vàng…, người phụ nữ ngoài tuổi lục tuần nói rằng sau những tháng ngày giãn cách, với bà, chút sắc hoa cùng khay bánh mứt truyền thống quyện hương nhang trầm thơm vào đêm Giao thừa đã là đủ cảm thấy hương Xuân.

Cũng cùng suy nghĩ sắm Tết tối giản trong khả năng tài chính có phần eo hẹp hơn năm cũ, chị Ngọc Phượng (Ðồng Nai) đưa ra trang sổ tay đã gạch đầu dòng hơn chục thứ cần mua. Có thể thấy đó là những món truyền thống và thiết thực như con gà luộc, bánh chưng, mứt gừng, nước giải khát, nguyên liệu nấu nồi thịt kho tàu, nồi canh khổ qua và quần áo mới. Chị nói: “Hầu hết mọi người quanh tôi đều lựa chọn mua đồ ít hơn bởi Tết cần rất nhiều khoản phải chi, năm vừa qua lại là một năm tài chính eo hẹp. Năm nay, tôi không chạy như con thoi tất tả mua quà biếu, mua nhiều món ngon, món lạ mà phải chú ý nhiều hơn đến các chương trình giảm giá, bình ổn giá khi mua sắm, nhưng dù phải tiết kiệm hơn không có nghĩa là không ăn Tết”.

Khi người mua “thắt lưng buộc bụng”, dường như các khu chợ vào những ngày cuối năm cũng ít hàng hóa hơn những năm trước. “Sau nhiều tháng ở yên trong nhà và tâm lý vẫn còn ngại đến chỗ đông người nên nhiều nhà ăn Tết gọn hơn, giản dị. Cho nên tôi buôn đồ khô, bánh mứt cũng tự cân nhắc giảm đặt hàng lại. Chợ Tết mấy ngày nay có không khí lắm rồi, nhưng có vẻ những hàng hoa, hàng dưa hấu, bánh trái, dưa kiệu…, người bán và người mua đều ít hơn năm ngoái”, chị Duyên, tiểu thương chợ Bà Chiểu, cho biết.

Phơi dưa món bên sân nhà


Khéo vun vén Tết

Tiết kiệm hơn, cân nhắc hơn trong mua sắm cũng phần nào tác động đến câu chuyện bếp nhà ba ngày Tết của nhiều gia đình. Thực tế, khá nhiều bà nội trợ đã vận dụng sự khéo léo để tự tay chuẩn bị những món ngon thay vì đi mua sẵn. Chị Hà Thị Hiền (TP Thủ Ðức) đã tự làm nhiều loại bánh mứt để gia đình ăn cũng như làm quà biếu tặng gia đình hai bên và bạn bè, đồng nghiệp. Ðể có những mẻ bánh mứt ngon và “nhẹ” tiền, từ tháng trước, chị đã mua nguyên liệu, bao bì để chuẩn bị. “Mình tranh thủ hai ngày cuối tuần bày ra làm. Mấy đứa nhỏ rất thích và bắt đầu có những cảm nhận thế nào là chộn rộn dịp cuối năm. Nhà có hương mứt dừa, mứt gừng cũng thấy không khí Tết rõ ràng hơn, bên cạnh chuyện dắt con đi sắm bộ áo dài Tết và đôi giày mới…”, chị Hiền kể. Cũng siêng bày biện bếp nhà ba ngày đầu năm cho xôm tụ nhưng phải giữ được tiêu chí tiết kiệm, chị Nguyễn Thị Hoa (Ðồng Nai) đã tự học cách làm giò thủ, giò hoa ngũ sắc, muối dưa kiệu…, thay vì đi mua sẵn. Chị Hoa thẳng thắn: “Nhiều người bảo làm chi cho cực thân, ăn có bao nhiêu đâu, nhưng thực ra nấu được một món ngon lại sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh mà tiết kiệm hơn, tôi thấy cực chút cũng được. Tết này gia đình tôi đã xác định sẽ ăn một cái Tết gói ghém, đơn giản hơn nhưng không có nghĩa là cắt giảm hết. Mình chịu khó chút mà có không khí gia đình sum họp”.

Cạnh câu chuyện bếp núc còn có nhiều người chăm tìm hiểu cách tự trang trí nhà theo phong cách Xuân. Chẳng hạn như gia đình chị Nhật Hạnh (Q. Gò Vấp), cả mấy anh chị em trong nhà cùng nhau dành ngày cuối tuần lau dọn, cắt dán, sơn vẽ, lẫn sắp xếp tiểu cảnh ở phòng khách để rộn ràng bầu khí Tết Nguyên đán. Ngoài ra, tất cả phần trang trí trái cây như cặp dưa, cặp bưởi cũng do cả nhà thực hiện bằng cách tự dán, vẽ chữ… thay vì đặt mua. “Ba mẹ tôi khuyên các con tiết kiệm hơn những năm trước và mong muốn chúng tôi giảm bớt chuyện mua sắm. Ba mẹ quý những thứ chúng tôi tự tay làm nên năm nào nhà tôi cũng có bộ ảnh kỷ niệm ở phòng khách, nơi mà mấy anh chị em tôi tự do bài trí”, chị Hạnh kể.

Câu chuyện thu vén sao cho khéo trên tinh thần giảm chi tiêu không cần thiết trở thành vấn đề được quan tâm. Trải qua một năm công việc không thuận lợi với số tiền thưởng tháng 13 có phần ít hơn mọi năm, chị Huỳnh My (TP Thủ Ðức) quyết định cắt giảm nhiều khoản như trang trí nhà cửa, thay nội thất, quần áo… Chị My chia sẻ: “Hai vợ chồng tôi ngồi lại và cắt bỏ bớt các khoản râu ria, vậy mà thấy tiết kiệm được cũng khá. Tết vẫn đầy đủ, chẳng qua là cảm giác không được xông xênh bằng thôi. Nhà tôi vẫn mua hoa chưng Tết nhưng thay vì mua nhiều loại và cỡ lớn thì mua cỡ nhỏ hơn và ít lại. Các món ăn đúng vị Tết cũng đủ đầy, chỉ là không có những món đặc sản, cầu kỳ như những năm nhận được tiền thưởng cao…”.

Mang gì về cho mẹ?

Một năm đầy khó khăn vừa qua đã ít nhiều tác động đến hành trang của nhiều người trong chuyến về nhà đoàn viên, những thực phẩm thiết yếu, món ăn truyền thống trở thành lựa chọn hàng đầu. Anh Hồ Công Nhâm (Q. Tân Bình) dí dỏm nói năm nay trong hành trang về quê ăn Tết thì “mang cháu về cho mẹ”, bên cạnh mấy món “phụ huynh” thích như bánh tét kiểu miền Tây, lạp xưởng, các loại bánh mứt đặc trưng miền Nam mang về đất miền Trung. Ðiều ba mẹ anh mong đợi suốt một năm qua là sum họp gia đình và được bế cháu, thay vì chỉ thấy qua điện thoại. Và dù còn vất vả, kém phần rủng rỉnh, nhưng món quà vợ chồng anh chuẩn bị là tấm lòng người đi xa nhà đã gởi gắm vào.

Không còn cảnh lùng sục khắp nơi để mua quà biếu cho sang, cho lạ, ngoài phần bao lì xì mừng tuổi ba mẹ, chị Quỳnh Phương (Bình Dương) dành một phần tiền thưởng cho các sản phẩm thực phẩm bổ trợ sức khỏe. Trước khi quyết định mua gì mang về cho gia đình, chị phải suy nghĩ, tính toán rất nhiều bởi số tiền dành dụm lẫn lương thưởng năm có giảm đi. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc, chị thấy ba mẹ cần được bồi bổ, nhất là khi trải qua thời gian dài có nhiều tác động xấu lên sức khỏe.

Gói ghém để có Tết hay một cái Tết gói ghém hơn có lẽ cũng không quá khác nhau, khi cái đích hướng đến vẫn là có dịp đầu năm mới trọn vẹn, ấm cúng và đậm đà sự quan tâm, yêu thương.

Minh Minh

Từ khoá:
Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Đại diện Trung ương MTTQVN chúc Tết các linh mục ủy viên và nguyên ủy viên
Đại diện Trung ương MTTQVN chúc Tết các linh mục ủy viên và nguyên ủy viên
Sáng ngày 18.1.2025, đoàn công tác của Trung ương MTTQVN do ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng ban Dân tộc - Tôn giáo và Kiều bào đại diện, đã đi thăm và chúc Tết các linh mục là ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương MTTQVN tại TPHCM.
Kho quẹt - dân dã mà ngon
Kho quẹt - dân dã mà ngon
Ký ức ngày xưa hiện về với ông bà Năm. Hình ảnh cái nồi đất nhỏ đặt trên lửa riu riu cho sắc lại, mấy đứa con dùng đũa quẹt cái nước chấm kia đến tận đáy nồi mới thôi
Dọn lòng đón tết
Dọn lòng đón tết
Không khí Tết đã rộn ràng ngoài kia, gần lắm. Nhà nhà, người người tất bật sắm sửa, dọn dẹp, chuẩn bị đón một năm mới an khang, thịnh vượng. Thế nhưng, với người Công giáo, có những điều đã trở thành không thể nào quên thực hiện vào dịp...
Đại diện Trung ương MTTQVN chúc Tết các linh mục ủy viên và nguyên ủy viên
Đại diện Trung ương MTTQVN chúc Tết các linh mục ủy viên và nguyên ủy viên
Sáng ngày 18.1.2025, đoàn công tác của Trung ương MTTQVN do ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng ban Dân tộc - Tôn giáo và Kiều bào đại diện, đã đi thăm và chúc Tết các linh mục là ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương MTTQVN tại TPHCM.
Kho quẹt - dân dã mà ngon
Kho quẹt - dân dã mà ngon
Ký ức ngày xưa hiện về với ông bà Năm. Hình ảnh cái nồi đất nhỏ đặt trên lửa riu riu cho sắc lại, mấy đứa con dùng đũa quẹt cái nước chấm kia đến tận đáy nồi mới thôi
Dọn lòng đón tết
Dọn lòng đón tết
Không khí Tết đã rộn ràng ngoài kia, gần lắm. Nhà nhà, người người tất bật sắm sửa, dọn dẹp, chuẩn bị đón một năm mới an khang, thịnh vượng. Thế nhưng, với người Công giáo, có những điều đã trở thành không thể nào quên thực hiện vào dịp...
Có ai mong “đợi đến tết Congo”?
Có ai mong “đợi đến tết Congo”?
Hồi trước, tôi hay nghe anh chị tôi nói câu này mà chẳng hiểu gì cả. Dần dà, lờ mờ hiểu là có chờ đợi “mút chỉ” cũng chẳng được gì. Nghĩa là đừng hy vọng vào một điều mà không biết bao giờ sẽ xảy ra như... “đợi Tết...
Ðức năng thắng số, nhân định thắng thiên
Ðức năng thắng số, nhân định thắng thiên
Ở những dòng thơ giới thiệu chị em Thúy Kiều, thi hào Nguyễn Du đã tiên tri số phận của họ. Mặc dù Kiều “so bề tài sắc lại là phần hơn”, nhưng lại là điềm báo cho cuộc đời truân chuyên.
Những giờ kinh tối khó quên
Những giờ kinh tối khó quên
Nếp sinh hoạt hằng ngày của gia đình tôi là bắt đầu giờ kinh tối lúc 9 giờ. Sau khi xem tivi, cả nhà chuẩn bị ghế ngồi quanh chân tượng Chúa và tượng Đức Mẹ.
Nghĩ về phong tục ngày Tết
Nghĩ về phong tục ngày Tết
Tôi vẫn nhớ ngày còn nhỏ, cứ gần Tết là mọi người thi nhau… trả nợ, dù ít dù nhiều thì đều cố gắng không để nợ nần qua năm. Càng không bao giờ dám đi vay mượn vào dịp đầu năm.
Tết này nhà mình đi đâu?
Tết này nhà mình đi đâu?
Dù ở độ tuổi nào và xã hội biến đổi ra sao, thì Tết vẫn luôn có một ý nghĩa đặc biệt trong lòng mỗi người, mỗi gia đình.
Vì mùa Xuân lại sẽ đến
Vì mùa Xuân lại sẽ đến
Nhẩm đếm, còn hai Chúa nhật nữa thôi là Tết, nên đứng đầu trong danh sách việc cần làm là dọn dẹp, sắp xếp nhà cửa. Nếu các góc khác trong nhà tốc độ hoàn thành khá nhanh thì khi dọn đến khu vực kệ sách lại đến quên thời...