Hội đoàn Công giáo từ buổi đầu đến năm 1954
Hội đoàn Công giáo từ buổi đầu đến cuối thế kỷ XIX
Hội đoàn là hình thức tổ chức tập hợp tín hữu Công giáo ở các xứ, họ đạo. Nguồn gốc ra đời, hình thức tổ chức của hội đoàn Công giáo ở Việt Nam rất phức tạp và đa dạng. Cũng như việc ra đời của tổ chức xứ - họ đạo, việc ra đời hội đoàn Công giáo có tính lịch sử, phụ thuộc vào sự phát triển của Giáo hội Công giáo ở Việt Nam, đồng thời phụ thuộc vào những sự kiện lịch sử dân tộc Việt Nam. Thời kỳ đầu, hội đoàn được gọi là họ hay họ thánh là để phân biệt với những phường, họ xã hội, cũng có thể là để phân biệt với họ tộc (chẳng hạn như họ Nguyễn, họ Trần).
![]() |
Nhà thờ Phủ Cam năm 1931 |
Họ (hội đoàn) nào xuất hiện sớm nhất? Tài liệu thu thập của chúng tôi cho thấy, hội/ họ xuất hiện sớm nhất là hội Rôsariô[1] được lập ở địa phận dòng Đa Minh vào thời điểm năm 1678 dưới thời Thừa sai Thập (Juan de Curuz)[2]. Về sau hội này được phát triển sang địa phận Tây Đàng Ngoài dưới thời Giám mục Phêrô Maria Đông (Gendreau)[3].
Ở địa phận Tây Đàng Ngoài, hội đoàn thành lập sớm hơn cả có lẽ là hội/ họ Áo Đức Bà núi Carmêlô, thời gian khoảng giữa thế kỷ XIX. Tiếp theo là hội/ họ Lái (trái) tim Đức Chúa Giêsu được thành lập do Thư chung của Giám mục Bảo Lộc Phước (Puginier) ban hành ngày 19.3.1873. Thư chung đề tháng 9.1898 xác nhận: “Trong địa phận này có ba họ thánh bề trên đã lập là họ Áo Đức Bà, họ Lái tim Đức Chúa Giêsu, họ Rôsariô Đức Bà”[4].
Ở Nam Bộ, có một số hội đoàn sau:
Hội con Đức Mẹ: Mục đích giáo dục và thánh hóa các thiếu nữ.
Hội Thánh Thất: Giúp các gia đình sống lành mạnh, thánh thiện.
Hội Thánh Thể: Gia tăng lòng tôn sùng yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể.
Hội Các Đẳng: cầu nguyện cho người qua đời.
Hội Mai Khôi: Lập ngày 29.1.1905 tại xứ Tân Định, cổ vũ lần chuỗi trong gia đình.
Hội Thiên Thần Hộ Thủ: Tập hợp các em trai trong ca đoàn và các em giúp lễ.
Hội Tương Tế, v.v...
Đến đầu thế kỷ XX, các tổ chức tập hợp tín hữu Công giáo ở các địa phận miền Bắc vẫn được gọi là họ. Ví dụ, năm 1905, Giám mục Đông ra Thư chung lập họ Quản giáo[5]. Đặc biệt năm 1915, ở nhà thờ họ xứ Thái Bình lập nên họ Bà Thánh Imelda[6]. Nhưng cũng vào thời điểm này, ngày 9.10.1903, Giám mục Đông ra Thư chung lập hội Santi. Vậy là chữ hội đến tận thời kỳ này mới xuất hiện.
Đề cập đến hội đoàn Công giáo, không thể không đề cập đến một loại hội đoàn đặc biệt, đó là dòng ba, mà cụ thể là Dòng ba Đa Minh. Đây là dòng ba phần đời, “gồm những người sống giữa thế gian, tuân giữ kỷ luật dòng ba, sống biệt lập hoặc sáp nhập vào một đoàn thể gọi là huynh đệ đoàn dòng”[7]. Cuốn Sử ký Địa phận Trung, in năm 1916 cho biết vào thời điểm này, dòng Đa Minh ngoài đời được gọi là Họ Dòng ba Ông thánh Duminhgô và (họ) đã lan ra trong khắp cả địa phận, hầu chẳng có một họ (đạo) nào, dù rất nhỏ mọn mặc lòng, mà chẳng có ông bà nào vào dòng ba ông thánh Duminhgô. Đừng kể các chị em bên trong nhà mụ là những kẻ ở trong Nhà chung, thì trong địa phận này có một vạn hai ngàn năm trăm mười hai ông bà thuộc về dòng thứ ba ông thánh Duminhgô[8].
Cho đến cuối thế kỷ XIX, hội đoàn lập ra ở thời kỳ này chủ yếu để các tín hữu sống đạo, giữ đạo. Khi ra Thư chung thành lập hội Santi, Giám mục Đông nêu 3 lý do thành lập hội là:
- Khuyến khích lòng mộ đạo, Mình Máu Thánh Chúa Giêsu.
- Những kẻ phạm tội vì Mình Máu Thánh Chúa Giêsu có dịp cầu nguyện đền tội.
- Hội viên giúp nhau về phần linh hồn, khi sống, khi rình sinh thì và khi chết đoạn.
Các hội được tổ chức chặt chẽ, giám mục là người chuẩn y thành lập, linh mục chánh xứ là người chịu trách nhiệm. Trụ sở của các hội là nhà thờ xứ đạo. Nếu nhà thờ xứ đạo rộng rãi, có hai bàn thờ, một bàn thờ phụ sẽ được dành cho các hội. Các hội có kinh cầu riêng, có Thánh Quan thầy. Quỹ hội được gây bằng đóng nguyệt liễm. Mỗi hội đều xây dựng lề luật. Hội (đoàn) Công giáo cho đến đầu thế kỷ XX đều thành lập ở Việt Nam, chưa thấy có hội đoàn truyền từ nước ngoài vào.
![]() |
Hướng đạo Việt Nam năm 1950 |
Hội đoàn Công giáo từ đầu thế kỷ XX đến năm 1954
Như đề cập ở phần trên, với việc thành lập hội Santi ngày 9.10.1903 thời Giám mục Đông, chữ hội để chỉ tổ chức tập hợp tín hữu Công giáo mới chính thức xuất hiện. Năm 1935, với việc ra đời của Đoàn Thanh niên Công giáo, chữ đoàn mới chính thức xuất hiện để rồi sau đó tổ chức tập hợp tín hữu Công giáo được gọi chung là hội đoàn. Tuy nhiên có những hình thức tập hợp tín hữu để phục vụ nghi lễ như: Kèn, trống, trắc, bát âm, giai đoạn này không gọi là hội mà gọi là phường: Phường Bát âm, phường Kèn Tây, phường Bắc Nhạc, phường Nam Nhạc[9].
Một hình thức tổ chức khác không gọi là hội, đoàn hay phường mà được gọi là Đạo binh Đức Mẹ (Legio Maria). Song đây cũng là một tổ chức hội đoàn mà thôi.
Năm 1932, Hội Tôn Nữ Vương được thành lập. Năm 1933 là năm có nhiều hội đoàn Công giáo thành lập như: Hội Bà thánh Anna, hội Bà thánh Têrêsa, hội Ông thánh Giuse. Từ năm 1935, một hình thức tập hợp thanh niên là tín hữu Công giáo có tên là Đoàn thanh niên Công giáo được thành lập. Hệ thống tổ chức có 3 cấp: Liên đoàn (toàn quốc), địa phận và đoàn xứ, họ đạo. Năm 1938 xuất hiện các đoàn Nghĩa Binh ở các địa phận Hà Nội, Bùi Chu, Vinh.
Trong khoảng thời gian từ năm 1935 đến 1945 có một số hội đoàn mới xuất hiện như: Hội cầu nguyện còn có tên là Tông đồ cầu nguyện (địa phận Hà Nội), hoặc Cầu nguyện truyền giáo (địa phận Bùi Chu), Hướng đạo sinh Công giáo, Hội thánh Vinh Sơn còn gọi là Vanh Xăng (Vincent) hoặc hội Bác ái Vinh Sơn, Đạo binh Đức Mẹ (Legio Maria), Đoàn thanh niên Công nhân Công giáo (thành lập năm 1941).
Hội đoàn giai đoạn này phong phú, một số hội đoàn có nguồn gốc từ nước ngoài được truyền bá và phát triển vào Việt Nam như Hướng đạo sinh Công giáo, Hội thánh Vinh Sơn (ra đời ở nước Pháp năm 1833), truyền vào Việt Nam khoảng thời gian từ 1935 - 1949, Đạo binh Đức Mẹ (thành lập ngày 7.9.1921 tại thành phố Dublin thuộc Ireland), Đoàn thanh niên Công nhân Công giáo (lập ở châu Âu năm 1893).
Có thể nói giai đoạn từ đầu thế kỷ XX đến năm 1954 là giai đoạn mà hội đoàn Công giáo Việt Nam bộc lộ khá đầy đủ những đặc điểm về loại hình và các biểu hiện hoạt động[10].
PGS.TS Nguyễn Hồng Dương
1 Rôsariô được dịch ra ẩm Hán-Việt là Mân Côi, Môi khôi, nghĩa là Hoa hồng. Một trong những tước hiệu của Đức Maria được Công giáo tôn là Đức Mẹ Mân Côi.
2 Sử ký địa phận Trung, Sđd, tr.18.
3 Xem: Sách thuật lại các Thư chung địa phận Tây Đàng Ngoài, in tại Kẻ Sở, 1908, tr.83.
4 Sách thuật lại các Thư chung địa phận Tây Đàng Ngoài, Sđd, tr. 119.
5 Sử ký Địa phận Trung, Sđd, tr. 216.
6 Sử ký Địa phận Trung, Sđd, tr. 216.
7 Thủ bản dỏng ba Đa Minh Việt Nam, Chân Lý xuất bản, in lần thứ ba, Sài Gòn 1975, tr. 82.
8 Sử ký địa phận Trung, Sđd, tr 212.
9 Hương ưóc các làng Lưu Phương (Kim Sơn, Ninh Bình), làng Phú Nhai (Xuân Trường, Nam Định) đểu ghi.
10 Viết phần Tổ chức giáo xứ, giáo họ Công giáo từ buổi đầu đến năm 1954, chúng tôi biên soạn theo cuốn sách của PGS.TS. Nguyễn Hồng Dương: Tổ chúc xứ, họ đạo Công giáo ở Việt Nam lịch sử - hiện tại và những vấn đề đặt ra, Nxb Khoa học xã hội, 2011, tr.19 - 79.
Bình luận