Dù nắng Xuân còn vương, nhưng cuộc sống thường nhật đã quay lại với mọi người. Thế là trên mạng xã hội bắt đầu xuất hiện những dòng than thở theo kiểu: “Tự dưng hết Tết, oải quá chẳng muốn đi làm/đi học”. May là nghỉ Tết ở Việt Nam chỉ hơn 1 tuần, chứ không như các nước phương Tây khác có thói quen lấy ngày phép nghỉ một lèo từ Giáng sinh qua luôn năm mới, ắt hẳn cảm giác này càng nghiêm trọng hơn. Giới chuyên gia thời nay đã đặt hẳn cái tên cho hiện tượng mà hầu như ai cũng trải qua sau thời gian nghỉ ngơi và tiệc tùng kéo dài “Hội chứng hậu nghỉ lễ”. Các triệu chứng bao gồm tâm trạng hơi trầm uất, ở một số trường hợp có thể dẫn đến trầm cảm. Một số người cảm thấy lo âu, số khác gặp vấn đề khi cần tập trung, trong khi nhiều người chẳng thể nào buộc bản thân tỉnh táo được.
Rắc rối không của riêng ai
Mọi công dân toàn cầu dường như đều gặp vấn đề khi phải xử lý những tình huống tương tự khiến tâm trạng giảm sút. Họ bắt đầu lên mạng tìm kiếm những bài viết của giới chuyên gia để học cách xử lý hội chứng hậu nghỉ lễ theo sau các kỳ nghỉ chính trong năm như Giáng sinh, năm mới, và tại Việt Nam là nghỉ Tết. Trang tin Asia One dẫn lời Zuo Lin, nhà tâm lý học chuyên về trầm cảm, cho hay không phải dễ dàng “trị” được hội chứng mà người nào cũng có thể mắc phải: “Đối với một số người, nguyên nhân hết sức đơn giản. Còn ở những người khác, lý do đằng sau tình trạng u sầu sau lễ hội có lẽ phải sâu xa hơn nhiều”. Chuyên gia Zuo giải thích rằng tết nhất có thể gợi nhớ những ký ức đau buồn xa xưa và đôi khi càng làm trầm trọng hơn vấn đề.
Chẳng hạn, bản thân bà Zuo dù đã qua 40 tuổi nhưng bị cha mẹ chồng buộc phải sinh cho được đứa con thứ hai để kiếm cháu nội nối dõi tông đường : “Thế nhưng tôi chẳng muốn sinh nữa. Tôi có những kế hoạch khác cho công việc của mình. Có lẽ dù chẳng thể được xem như một nghề nghiệp thực sự, nhưng tôi vẫn trân trọng việc mình làm”. Cứ đến Tết, cha mẹ chồng lại nhắc nhở chuyện “nối dõi tông đường” nhiều hơn. Dù có thể trị liệu tâm lý cho người khác, nhưng đến bản thân mình, bà Zuo buộc phải nhờ cậy lời khuyên của các đồng nghiệp để xua đi những cảm giác tiêu cực khỏi lồng ngực.
Trong một trường hợp khác, anh Nguyễn ngồi buồn chán tại bàn làm việc vào ngày mùng 7 Tết, trong đầu vẫn luẩn quẩn những bữa nhậu nhẹt cùng bạn bè hoặc đi “phượt” vài ngày trước đó. Làm việc tại trụ sở một nhà xuất bản của nhà nước, công việc của anh hết sức tập trung vào các chi tiết và cần sự toàn tâm trong công việc. Anh buộc phải nhớ yêu cầu cá nhân của tổng cộng 88 biên tập và diễn dịch chính xác những chi tiết này cho 4 nhà in, và đảm bảo nhà in sẽ vận hành đúng thời gian. Do vậy, chỉ cần nghỉ lễ, dù ngắn ngày, cũng có thể xóa nhòa phần lớn trí nhớ cần thiết lúc làm việc của công chức trẻ.
Trang tin Global News đã trao đổi với chuyên gia về việc làm và lối sống Maggie Distasi, cũng như chuyên gia Arturo Gallo của trang tư vấn nghề nghiệp Monster.ca. Họ đã chia sẻ những mẹo có thể xóa bỏ trạng thái buồn bã sau thời gian nghỉ lễ, và đảm bảo mọi người có thể quay về làm việc một cách trôi chảy.
Nhiều hệ quả
Đối với những người may mắn được nghỉ lễ tết, đại đa số sẽ quẳng mọi công việc và toàn tâm hưởng thụ thời gian nghỉ ngơi. Vì thế, không ngạc nhiên khi họ khó có thể đạt lại hiệu suất tối đa sau đó. Chuyên gia Gallo chỉ ra rằng ở nhiều trường hợp, nội chuyện tưởng tượng quay lại guồng làm việc thường lệ và những trách nhiệm kèm theo cũng đủ khiến mọi người cảm thấy vô cùng uể oải. Theo Đại học Granada (Tây Ban Nha), sự mệt mỏi, thiếu khẩu vị và sự tập trung, buồn ngủ hoặc thiếu ngủ, và nhức mỏi toàn thân chỉ là một vài tác động về thể chất mà con người có thể phải trải nghiệm sau thời gian rời xa công việc và phải đi làm lại. Các triệu chứng tâm lý bao gồm bứt rứt, lo âu, buồn bã, thái độ bất cần đời và cảm giác trống vắng.
Theo chuyên gia Distasi, “đó là sự gián đoạn trong các qui trình thể chất và tâm lý thường ngày”. Ngày càng có nhiều người trở nên mệt mỏi vào cuối ngày đầu tiên trở lại guồng máy. Não bộ của họ đang vận hành ở tốc độ khác, có khuynh hướng xử lý mọi việc chậm hơn, và chẳng còn quen với lối suy nghĩ chớp nhoáng trong lúc làm việc. Theo các chuyên gia, thời gian thích ứng của từng người hoàn toàn tùy thuộc vào quan điểm của họ đối với công việc đang làm. Nếu họ thích nghề đang theo đuổi, thời gian chuyển tiếp sẽ ngắn hơn và ít nhọc nhằn so với những người mất đi hứng thú với công việc của họ. Trên thực tế, dịp sau lễ lạc là thời điểm nhiều người đánh giá lại công việc và nghề nghiệp của bản thân mình.
Chuyên gia Gallo cho biết: “Đó là lúc chúng ta tự hỏi rằng phải chăng mình đang đi đúng con đường vẫn hằng mong mỏi, và liệu chúng ta có vui vẻ khi làm việc hay không”. Tại Canada, tháng 1 hằng năm luôn là thời điểm người lao động tìm việc nhiều nhất [chẳng hạn như trên trang Monster.ca]. Nếu áp dụng vào trường hợp Việt Nam sẽ là tháng 2. Tuy nhiên, trước khi quyết định đổi việc, mọi người nên dành thời gian cân nhắc kỹ lưỡng quyết định của mình, vì có thể đó chỉ là một phút nông nổi không kìm chế được chỉ vì bị hội chứng sau lễ.
Kim chỉ namtrị hội chứng hậu nghỉ lễ Các chuyên gia Distasi và Gallo cung cấp vài mẹo giúp quá trình chuyển tiếp bớt “đau khổ”: • Khởi đầu công việc một cách chậm rãi cho đến khi kết nối lại hoàn toàn với nhịp làm việc bình thường. Có thể nghỉ giữa giờ vài lần trong ngày để đi dạo quanh văn phòng chẳng hạn. • Nhớ rằng ai nấy đều giống như bạn, nên đừng nghĩ rằng chỉ có bản thân cảm thấy quá ngột ngạt khi trở lại làm việc. • Nên xử lý bớt công việc trước khi nghỉ lễ, để tránh trường hợp bàn làm việc chất như núi sau thời gian chơi xả láng. Thừa nhận cảm giác ngột ngạt mà mình đang cảm thấy, từ đó xác định đúng tình trạng tâm lý lẫn thể chất và bắt đầu đưa ra những hướng suy nghĩ mới. |
NHÀN VĂN
Bình luận