“... Đức Giêsu... vào hội đường giảng dạy” (Mc 1,21).
Hội đường, theo nguyên ngữ là “họp lại với nhau”. Trong Tân Ước hội đường chỉ một nhóm người Do Thái gặp nhau làm việc thờ phượng, nhưng thường chỉ một ngôi nhà họ gặp nhau.
Việc thờ phượng tại hội đường có thể đã bắt đầu thời lưu đày. Không thể tế lễ tại Đền thờ, cộng đoàn gặp nhau với các nhà lãnh đạo tinh thần (Ed 14,1; x. Ed 20,1).
Hội đường có thể được thiết lập bất cứ ở đâu (Mc 1,21), ở tại Giêrusalem (Cv 6,9). Nơi có quá ít người Do Thái thì hội đường có thể là một nơi cầu nguyện (Cv 16,12-13.16; 17,1.10; 18,19).
Vai trò của hội đường:
- Trung tâm cầu nguyện và đọc Thánh Kinh (Cv 13,15; x. Nkm 8,2-8; 9,3; Lc 4,15-33).
- Trung tâm xử lý các việc của cộng đoàn: “Anh em hãy coi chừng người ta sẽ nộp anh em cho các hội đồng và hội đường ...” (Mc 19,8 // Mt 10,17; x. Lc 12,11).
- Việc trục xuất khỏi hội đường là một hình phạt, như cha mẹ người mù tự bẩm sinh đã sợ (Ga 9,22; x. Ga 9,35; 12,42).
Việc hướng dẫn thờ phượng tại hội đường:
- Đó là trách nhiệm của ông trưởng hội đường (Mc 5,22; Cv 18,8).
-Những giáo dân có khả năng được phép giảng dạy, như khi Chúa Giêsu vào hội đường ngày Sabat (Lc 4,16; x. Cv 13,15).
Việc tham dự tại hội đường:
-Đây là việc Chúa Giêsu thường làm, “Người giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời ...” (Mt 9,35; x. Mc 6,2; Lc 4,16; Ga 6,59).
-Đây là thực hành của thánh Phaolô và các kitô hữu Do thái khác (Cv 9,19-20; x. Cv 14,1-2; 17,2; 19,8).
-Các Kitô hữu tiên khởi tiếp tục thờ phượng tại các hội đường (Lc 24,53; Cv 19,8-9).
LM. PHẠM QUỐC TÚY - GIÁO PHẬN PHÚ CƯỜNG
Bình luận