Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, ĐTC Phanxicô thông báo rằng các tín hữu xưng tội với các linh mục thuộc Huynh đoàn Thánh Piô X, vốn đã ly khai khỏi Giáo hội vào năm 1988, “cũng sẽ nhận được ơn tha tội cách thành sự và hợp pháp”.
Xin CGvDT giới thiệu đôi nét về huynh đoàn này?
Tấn Minh - Đồng Nai
Huynh đoàn Thánh Piô X do Đức TGM Marcel Lefèvre (Pháp) thành lập năm 1970 và năm 1988 trở thành phong trào ly giáo.
Đức TGM Marcel Lefèvre sinh tại Tourcoing ngày 29.11.1905, và qua đời tại Martigny ngày 25.3.1991.
Thầy Marcel Lefèvre gia nhập Đại chủng viện tại Roma. Sau khi thi hành nghĩa vụ quân sự, thầy lấy bằng tiến sĩ Triết và Thần học tại Đại học Giáo Hoàng Gregoriana và thụ phong linh mục năm 1929. Sau một thời gian làm cha phó một giáo xứ tại thành phố Lille, cha gia nhập dòng Chúa Thánh Thần, và năm 1932 đi truyền giáo bên Gabon. Ban đầu cha là giáo sư Tín Lý và Kinh Thánh tại Đại Chủng viện Libreville, thuộc vùng xích đạo Phi châu nói tiếng Pháp, và năm 1934 được chỉ định làm giám đốc. Năm 1945, được gọi về Pháp làm giám đốc Chủng viện của các cha dòng Chúa Thánh Thần.
Năm 1947, Đức Giáo hoàng Piô XII tấn phong cha làm giám mục, Giám quản tông tòa Senegal. Năm sau đó Đức cha Lefèvre được bổ nhiệm làm Khâm sứ toàn vùng Phi châu nói tiếng Pháp, và đại điện cho Tòa Thánh tại 18 nước Phi châu bao gồm 45 giáo phận với khoảng 2 triệu tín hữu. Năm 1955, làm TGM Dakar, thủ đô Senegal. Năm 1962, được bầu làm Bề trên Tổng quyền dòng Chúa Thánh Thần.
Trở về Pháp, Đức cha trông coi giáo phận Tulle nhỏ bé trong một thời gian ngắn và với tư cách là Bề trên Tổng quyền của dòng Chúa Thánh Thần, đã tham dự Công đồng Vaticanô II, trước đó đã được Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII chọn làm thành viên của Ủy ban chuẩn bị. Nhưng trong Công đồng, Đức cha đã mạnh mẽ phê bình cuộc cải tổ phụng vụ, phong trào đại kết và tự do tôn giáo. Đối với Đức cha, tất cả những điều đó là những nhượng bộ khuynh hướng duy tân thời và tin lành mới sẽ tàn phá Giáo hội.
Năm 1970, Đức TGM Lefèvre thành lập Huynh đoàn thánh Piô X với sự đồng ý của Đức cha Francois Charrière, Giám mục Fribourg với một chủng viện tại Ecône, và được Tòa Thánh chấp thuận năm sau đó. Năm 1971, Đức cha Lefèvre tuyên bố với các chủng sinh là ngài không chấp nhận Sách Lễ Mới của Công đồng, vì lý do lương tâm.
Năm 1981, Đức cha Antonio de Castro Mayer từ chức Giám mục giáo phận Campos bên Brasil, để theo Đức TGM Lefèvre và trở thành Giám đốc Hội linh mục Thánh Gioan Maria Vianney.
Năm 1983, linh mục Franz Schmidberger thay thế Đức TGM Lefèvre trong chức Bề trên Tổng quyền Huynh đoàn thánh Piô X. Năm sau đó, Tòa Thánh cho phép các linh mục của huynh đoàn cử hành thánh lễ bằng tiếng Latinh theo lễ nghi tiền Công đồng chung Vaticanô II. Nhưng vì các khác biệt thần học, năm 1985, một số linh mục rời bỏ huynh đoàn và thành lập Học viện Mater Boni Consilii. Một số linh mục khác trở về hiệp nhất với Giáo hội Công giáo và thành lập Huynh đoàn linh mục Thánh Phêrô.
Ngày 30.6.1988, Ðức cha Lefèvre đã cùng Ðức cha Antonio de Castro Mayer tấn phong 4 Giám mục Bernard Fellay, Bernard Tissier de Mallerais, Richard Williamson và Alfonso de Galarreta của huynh đoàn, bất chấp mọi khuyến cáo của Tòa Thánh. Theo khoản 751 của Giáo luật, vì đã công khai từ chối vâng lời Đức Giáo hoàng và khước từ sự hiệp thông với các chi thể của Giáo hội, nên hai Giám mục chủ phong và 4 tân Giám mục đều tức khắc bị vạ tuyệt thông.
Năm 2002, Hội linh mục Thánh Gioan Maria Vianney trở về hiệp nhất với Đức Giáo hoàng và Tòa Thánh cho thành lập Giám quản tông tòa Campos bên Brasil cho các tín hữu thủ cựu.
Ngày mùng 8.9.2006, một nhóm linh mục rời bỏ Huynh đoàn Thánh Piô X và thành lập Học viện Chúa Chiên Lành với sự đồng ý của Tòa Thánh và được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI thừa nhận.
Ngày 26.6.2008, cộng đoàn tu viện Chúa Cứu Thế Pháp có trụ sở chính tại Papa Stronsay, một đảo nhỏ xứ Ecốt, quay trở về hiệp nhất với Giáo hội.
Ngày 21.1.2009, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã tha vạ tuyệt thông cho 4 giám mục thuộc Huynh đoàn thánh Piô X.
Thực ra, từ năm 1987, Tòa Thánh đã tìm nhiều cách để hòa giải và đưa Huynh đoàn Thánh Piô X trở về hiệp nhất với Giáo hội. Quá trình này đã được thể hiện qua các vị giáo hoàng gần đây và vẫn đang được nối tiếp với nhiều dấu hiệu lạc quan.
CGvDT
Bình luận