Người yêu tôi sống tình cảm, chăm chút tôi từng ly từng tí, có điều nàng có máu Hoạn Thư. Tuần rồi tôi đi công tác, nàng hỏi thăm, gọi điện, nhắn tin liên tục nhưng suốt cả ngày trên đường trường, tôi không nghe máy. Phần tập trung lái xe cho an toàn, phần lúc dừng đèn đỏ hoặc kẹt xe thì phải chăm chú quan sát chung quanh tránh va quẹt. Vả lại xài điện thoại khi đang lái xe là phạm luật giao thông.
Cô ấy giận dữ khóc lóc nghi ngờ tôi và đang chiến tranh lạnh. Tất cả chỉ vì cái SmartPhone chết tiệt. Tôi chẳng biết nói sao nữa!
(Trần Văn T. Bình Tân, TPHCM)
Tôi hoàn toàn thông cảm với bạn! Với sự bùng nổ của các thiết bị công nghệ, người ta đã quá lạm dụng việc sử dụng điện thoại thông minh, nào là nhắn tin, gọi điện rồi thì tranh thủ lướt Facebook, chụp ảnh “tự sướng”, quay trực tiếp (livestream) khi đang điều khiển xe máy, xe hơi trên đường. Việc sử dụng các thiết bị điện tử, điện thoại khi tham gia giao thông không chỉ khiến người điều khiển phương tiện bị xao nhãng, mất tập trung khi lái xe mà còn có nguy cơ gây mất an toàn cho bản thân họ và những người khác.
Thời nay mặc dù có điện thoại “free hand phone”, một loại giúp tài xế có thể vừa lái xe, vừa nghe mà không cần dùng tay giữ điện thoại, có tai nghe, dễ dàng thao tác khi nhận cuộc gọi hay tắt máy, nhiều người cho rằng nó không nguy hiểm nhưng khi lái xe, mình đâu chỉ dùng mắt và tay phải không bạn?
Tất cả các giác quan của con người đều được huy động để đưa ra những phán đoán, quyết định chính xác, nhưng nếu sử dụng điện thoại, người tham gia giao thông sẽ bị giảm khả năng tập trung và khả năng quan sát dẫn đến khả năng phản xạ xử lý tình huống trên đường bị chậm.
Đồng thời, thông tin từ các cuộc điện thoại gây ra những cảm xúc cho người lái xe. Khi tập trung vào nội dung trò chuyện, bạn sẽ không chú ý đến âm thanh chung quanh, ngay cả tiếng còi xe xin nhường đường hoặc rẽ phải cũng bị phớt lờ, quên bật đèn xi-nhan vì mải mê nói chuyện điện thoại. Tham gia giao thông mà bỏ qua các tín hiệu này, va chạm là điều khó tránh khỏi. Giật mình trước những tình huống bất ngờ, bạn sẽ thắng gấp, gây tai nạn là điều khó tránh khỏi.
So với những người sử dụng rượu bia thì khả năng phản xạ của người vừa lái xe vừa nghe điện thoại thấp hơn, tức là nguy hiểm hơn những người sử dụng rượu bia. Ở Pháp, cứ 10 ca tai nạn giao thông thì có 1 ca liên quan đến dùng điện thoại, hầu hết các trường hợp vi phạm đều lấy lý do “có việc khẩn cấp”, “quá vội”, “gấp quá”. Sử dụng điện thoại khi lái xe được xem là một cách tiết kiệm thời gian đối với những người năng động. Tuy nhiên, khi sử dụng điện thoại đồng thời với điều khiển xe cũng mang lại những rủi ro tiềm ẩn. Theo phân tích của cơ quan chức năng, số vụ tai nạn giao thông do sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông tương đương với số vụ tai nạn do người lái xe sử dụng rượu bia.
Thay vì coi đó là “kẻ thù”, hãy dùng SmartPhone một cách thông minh. Trong những trường hợp khẩn cấp, tài xế nên dừng đỗ xe tại nơi an toàn để gọi điện. Ngay cả khi đi xe… “dép” (tức là đi bộ) khi băng ngang qua đường và đường sắt, cũng không nên dùng điện thoại để chú ý quan sát, tránh những va chạm không đáng có.
Bạn đã làm đúng và tôi ủng hộ bạn tiếp tục giữ vững nguyên tắc này khi đi đường. Xử lý cuộc chiến tranh lạnh với nàng, bạn nên “đối thoại” thay vì “đối đầu”: trước mỗi chuyến đi đột xuất nên thông báo lịch trình, đến trạm dừng chân, tranh thủ gửi 1 tin nhắn, khi chở nàng đi đâu cũng tuyệt đối không nhận điện từ người khác…, qua đó nàng tự hiểu rằng, lái xe mà mất tập trung không chỉ mất thời giờ cãi nhau với người yêu đâu mà còn mất mạng nữa đấy!
THẠC SĨ- BÁC SĨ LAN HẢI
Bình luận