Con học giỏi, ngoan ngoãn, cha mẹ khen thưởng là chuyện bình thường. Thế nhưng với những đứa con yếu kém từ thể chất đến tinh thần, có những bậc cha mẹ vẫn có cách khích lệ để con tự tin vươn lên.
Có những đứa bé sinh ra ốm yếu hơn bình thường về thể chất dù gia đình dư ăn dư mặc, thậm chí 2 tuổi mà chưa biết đi hoặc 4 tuổi lại chưa biết nói. Là cha mẹ các em này thật không dễ dàng. Vừa phải “tinh thần thép” để ngẩng mặt nhìn đời cùng con mình, vừa phải suy nghĩ làm sao để con không sống trong mặc cảm thua sút mọi người. Với những đứa con kém may mắn như thế, cha mẹ cần phải can đảm nhìn thẳng sự thật để vừa chạy chữa cho con, vừa giúp con vượt qua cảm giác yếu kém để vươn lên trong cuộc sống.
Bà Phạm Thị Nhân, 37 tuổi, có con trai đôi chân yếu bẩm sinh. Theo bác sĩ, không phải cháu thiếu calci, mà vì cháu không điều khiển được bước chân của mình. Trong những hỗ trợ vui chơi bệnh nhi tại bệnh viện Nhi Ðồng I, bà đều bế con bà đến vui chơi dù bé là bệnh nhân điều trị ngoại trú. Khi con bước được 10 bước, bà vỗ tay. Bé bước 2 bước rồi bỗng nhiên té, bà cũng vỗ tay…Theo bà, vỗ tay để khích lệ con bước tiếp những bước chân đầu đời.
“Hay quá, tiến bộ hơn rồi đó. Lần sau con cố gắng nữa nha!”, đây là câu nói mà ông Lê Huỳnh (ngụ Q.Bình Thạnh, TPHCM) vẫn dành cho cậu con trai chậm chạp của mình. Biết con chậm phát triển, ông thường dẫn con đến những buổi vui chơi có sự hướng dẫn của sinh viên y khoa hoặc chuyên gia tâm lý để con cải thiện hơn. Trong những trò vui chơi cần sự sinh động, nhanh nhẹn như tạt lon, không phải lúc nào con ông cũng “bách phát bách trúng” nhưng ông vẫn khích lệ con để tiếp tục cố gắng. Khi con tạt trúng mục tiêu, ông vỗ tay tán thưởng và ôm con hôn một cách đầy yêu thương. Lâu dần, con ông tiến bộ hẳn, vui vẻ hơn và hòa vào cuộc sống.
Không phải đứa trẻ nào sinh ra cũng thông minh và có các năng khiếu. Có em giỏi về âm nhạc. Có em giỏi toán. Có em giỏi văn. Có em giỏi thể thao hay giỏi môn thủ công… Ở những nước tân tiến như Mỹ, một học sinh 0 điểm toán nhưng giỏi môn thể thao như bóng đá cũng được gọi là học sinh giỏi. Với giáo dục của Mỹ, giỏi môn gì cũng là giỏi. Ở Việt Nam lại khác, người ta thường chỉ chú trọng văn-toán-lý-hóa, ngoại ngữ. Nếu là một người hiểu biết, cha mẹ sẽ tìm xem mặt mạnh của con mà phát huy, chứ không ứng xử theo cách thấy con giỏi toán và yếu văn, lại bắt con học ngày học đêm để điểm môn văn phải bằng môn toán; và nếu con mình không giỏi môn nào thì lại đưa con học 12 tiếng/ngày để “giỏi như con người ta”. Một khi chưa tìm ra điểm mạnh của con, cha mẹ cũng nên khích lệ con tùy theo sức. Bà Trần Thị Ánh, 45 tuổi (Quận 1, TPHCM) chia sẻ: “Con gái tôi học những trường bình thường. Ngay từ tiểu học, tôi biết con mình học không thông minh song cũng không trách con. Tôi với ba nó biết con thi lại Toán, Anh văn, tôi chỉ khuyên nó cố học bằng cách tìm gia sư đến nhà dạy lấy lại căn bản, để khi thi lại đủ điểm lên lớp. Những lần thi lại, con đều đạt điểm lên lớp. Ðể khích lệ, tôi cho con chuyến đi chơi Nha Trang, Ðà Lạt. Ai hỏi, tôi cũng nói một cách hãnh diện là thưởng thằng bé được lên lớp...”. Cũng theo bà Ánh, vợ chồng bà luôn khuyến khích, khích lệ con mình, chứ không la mắng khi con thất bại mà cũng không khen lấy khen để, kẻo con lại ảo tưởng.
Ồng Trần Sơn, 35 tuổi (Q.8, TPHCM) có đứa con trai học chỉ trung bình, đủ điểm lên lớp. Thế nhưng ông không hề mặc cảm, vẫn khuyến khích con bằng những câu rất thực tế: “Con cố gắng như thế ba vui lắm rồi. Với ba, con là học sinh giỏi vì con cố học bằng sức của mình mà không quay cóp, gian dối để đạt điểm cao. Con vẫn có cái để ba tự hào…”. Trong những ngày hè, ông Sơn đưa con đi làm từ thiện nơi vùng xa, hoặc vào các nhà mở, nhà dưỡng lão phụ lau dọn, cũng có khi phụ xách thùng mì, gạo… cho các gia đình nghèo cần giúp đỡ. Những việc làm đó khiến con ông thấy mình có ích cho người khác, từ đó thêm trưởng thành và sống tích cực hơn.
Lời khen đúng với sức của con cái, là những khích lệ tốt mà qua đó, cha mẹ có thể giúp con tự tin, cố gắng tiến bộ hơn mỗi ngày.
NGUYỄN NGỌC HÀ
Bình luận