Giáo lý Hội Thánh Công giáo đã dạy: Tin sự sống lại của những người chết là một yếu tố căn bản của đức tin Kitô giáo ngay từ hồi đầu… Chúng ta tin vào Thiên Chúa, Ðấng tạo dựng thân xác. Chúng ta tin vào Ngôi Lời đã trở nên xác phàm để cứu chuộc thân xác. Chúng ta tin “xác loài người ngày sau sống lại” là tột đỉnh của công trình tạo dựng và cứu chuộc thân xác”1.
Trong bối cảnh của tháng cầu nguyện cho các linh hồn, chúng ta nhắc lại niềm tin chúng ta vẫn tuyên xưng khi đọc Kinh Tin Kính: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin hằng sống vậy” để chúng ta sống xứng đáng ngay ở đời này. Ðồng thời, chúng ta cầu nguyện cho các linh hồn còn đang được thanh luyện nơi luyện ngục, sớm được hưởng tôn nhan Chúa sẵn sàng đón chờ Chúa đến và xác sẽ được sống lại ngày sau.
Sở dĩ, chúng ta “tin xác loài người ngày sau sống lại,” vì đó là ý định ban đầu của Thiên Chúa, Ðấng “không phải là Thiên Chúa của kẻ chết nhưng là của kẻ sống”2.
Chúng ta “tin xác loài người ngày sau sống lại,” vì Thiên Chúa là Cha không đành lòng nhìn thấy con cái mình phải chết. Khi nguyên tổ sa ngã phạm tội, các ngài không chỉ chuốc lấy án tử cho riêng mình mà còn gây ra hậu quả phải chết cho hậu duệ 3. Nhưng, Thiên Chúa đã đi bước trước trong tình yêu,4 Ngài yêu thương chúng ta ngay cả khi chúng ta còn là những tội nhân 5. Ngài không thể thấy con người phải chết mà lại không cứu chuộc.
Chúng ta “tin xác loài người ngày sau sống lại”, vì Thiên Chúa quyền năng tuyệt đối, Ngài làm chủ cả sự sống và sự chết, Ngài luôn trung tín trong mọi lời hứa, “Ngài không thể nào chối bỏ chính mình”6 để khước từ lời hứa ban sự sống cho con người. Nhưng đã ban chính Con Một để cho thế gian được “sống và sống dồi dào”7.
Chúng ta “tin xác loài người ngày sau sống lại”, vì chính Ngôi Hai Thiên Chúa đã nhập thể, mặc lấy xác phàm, đã chết và đã phục sinh để cứu nhân loại khỏi chết. Và nhờ thế, những ai “cùng chết với Ðức Kitô sẽ được cùng sống lại như Người”8.
Nhờ “tin xác loài người ngày sau sống lại”, chúng ta sẽ có được cái nhìn đúng đắn về thân xác của mình cũng như của người khác, để rồi biết quý trọng bản thân và tôn trọng tha nhân cho đúng mực, hài hòa; chúng ta còn biết thực thi tình bác ái với tha nhân bằng những hành động cụ thể.
“Tin xác loài người ngày sau sống lại” còn là khuôn vàng thước ngọc để chúng ta dựa vào đó mà thẩm định giá trị sự sống đời tạm này với giá trị sự sống vĩnh cửu đời sau. Nhờ vậy, ta xây dựng cho mình được một lối sống lành mạnh và quân bình để có được hạnh phúc trong từng giây phút hiện tại. Ðồng thời giúp ta phân định được ngôi nhà thân xác của mình được đặt móng trên nền cát phù vân hay trên nền đá vững chắc để biết mình khôn hay dại 9.
“Tin xác loài người ngày sau sống lại” còn như là mối dây thần giao cách cảm kết nối thế giới người sống với kẻ chết và là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, nối kết sự hiệp thông giữa Hội Thánh lữ hành trần gian với Hội Thánh thanh luyện và Hội Thánh khải hoàn trên thiên quốc. Vì thế, ta thêm ý thức về trách nhiệm phải liên đới với các linh hồn trong luyện tội, cũng như được tự hào mình là “đồng hương với các thánh và là người nhà của Thiên Chúa”10. “Tin xác loài người ngày sau sống lại” sẽ là tia sáng hy vọng cuối cùng của mỗi người trong cuộc hành trình dương thế này. Vì biết chắc rằng: “Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”11. Bởi Chúa đã hứa: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết”12.
“Tin xác loài người ngày sau sống lại” nghĩa là chuẩn bị cho cuộc sống đời đời. Tin có cuộc sống vĩnh hằng.
Với niềm tin vững mạnh như vậy, chúng ta ý thức hơn khi mỗi lần chúng ta đọc Kinh Tin Kính để tuyên xưng đức tin của mình.
Lạy Chúa, bằng niềm tin chân thành, xin cho con sống ở đời này trong sự liên kết với sự sống đời sau. Xin cho con sống tốt đời này, để con gặt hái được sự sống vĩnh cửu đời đời. Amen
Nt. Maria Thérèse MINH THÙY, dòng Ðaminh Rosa Lima
__________________________________________________________
1. Sách GLHTCG, số 991, 1015.
2. Mc 12,27.
3. x.St 3,3.
4. x.1Ga 4,10.
5. x. Rm 5,8.
6. 2 Tm 2,13.
7. Ga 10,10.
8. Rm 6,8.
9. Mt 7,24-27.
10. Ep 2,19.
11. Trích Kinh Hòa Bình của thánh Phanxicô Assidi
12. Ga 11,25.
Bình luận