Lá thư ngỏ gửi anh Phaolô(9)

Truyện ngắn

Anh Phaolô rất đáng kính, rất đáng mến.

Anh đang ngồi tù ở thủ đô Rôma. Ngồi tù mà y như ngồi giảng. Nhà tù lại là ngôi nhà mà chính Anh thuê mướn. Người lính có nhiệm vụ quản lý Anh, thì kính trọng và quý mến Anh như một chú tiểu đồng chăm sóc sức khỏe cho tôn sư. Cả cộng đoàn Rôma đang tất bật lo cho Anh, y như một ngàn đứa con đang tíu tít xung quanh một ông bố già. Đặc biệt là anh chị Aquila và Prítkila đôn đáo ngược xuôi để lo cho Anh từ miếng cơm manh áo cho tới an ninh chính trị.

Có một bàn tay toàn năng của một người cha đang rà rà trên cuộc đời của Anh. Có một bàn tay mềm mại của một người mẹ đang vuốt ve trên nỗi khổ trập trùng của Anh. Nghĩ đến thân phận của Anh hôm nay, tôi không hề buồn, tôi không hề lo. Tôi chỉ biết khoanh tay, cúi đầu, khép hờ đôi mi, để cảm tạ vòng tay yêu thương của Chúa. Tôi muốn lãng mạn một tí để ví von: Anh đang là một cành lá xơ xác bỗng biến thành một bông hoa rực rỡ trong tay ngọc ngà của một mỹ nhân; Anh đang là một đấng nam nhi hào hùng bỗng trở thành một bé thơ, đơn sơ như thiên thần, được mẹ ủ ấp trong vòng tay vô vàn thương mến.

Khi bộ não không còn căng thẳng, khi con tim không còn hồi hộp, tôi thảnh thơi đọc lại những lá thư Anh gửi cho giáo đoàn Galát, Philíp và Corintô. Đọc đi đọc lại, đọc mãi đọc hoài, bỗng … tôi cảm thấy bớt thương Anh một tí, chỉ một tí thôi. Anh có biết tại sao không? Anh không thèm biết đâu, nhưng tôi yêu cầu Anh hãy biết.

1. Đọc lá thư Anh gửi giáo đoàn Galát, tôi thấy có ba chỗ làm tôi nhột nhạt quá thể.

1.1. Anh gọi giáo đoàn Galát là những người NGU – XUẨN. Tại sao Anh nỡ tâm nặng lời với họ như vậy? Dĩ nhiên là tại họ nghe bọn bảo thủ quá khích: đòi người ngoại trở lại phải cắt bì. Ơn cứu độ không đến từ phép cắt bì, mà đến từ niềm tin vào Đức Giêsu. Họ có nhẹ dạ, họ có lầm đường lạc lối, nhưng đừng gọi họ là đồ NGU XUẨN. Vì quá nhiệt thành mà Anh nặng lời với họ như thế. Mong rằng Anh có lời xin lỗi họ.

1.2. Anh nói tục: “Tại sao bọn họ không tự thiến quách đi cho rồi”. Tôi không bênh bọn họ đâu. Họ vừa quá khích, vừa dai như đỉa. Tại Công đồng Giêruxalem, ông Giacôbê đã tuyên bố rõ ràng rằng: “Từ nay người ngoại trở lại khỏi cắt bì”. Thế thì hà cớ gì mà họ cứ day dí mãi về cái miếng da bọc quy đầu làm chi vậy. Rõ ràng là họ cố chấp. Nhưng thái độ cố chấp ấy bắt nguồn từ truyền thống của nhiều ngàn năm. Tổ phụ Ápraham cắt bì, tổ phụ Ixaác và Giacóp cắt bì, Môsê cắt bì và ngàn ngàn người, triệu triệu người cắt bì, nối tiếp nhau suốt dòng lịch sử một nghìn tám trăm năm. Họ là nạn nhân của truyền thống. Mong Anh bỏ qua cho họ.

1.3. Anh gọi ông Kêpha là người không ngay thẳng trên con đường loan báo Tin Mừng. Tôi không nghĩ như thế. Chắc Anh chưa quên câu chuyện tranh cãi trong Công đồng Giêruxalem giữa Anh và nhóm bảo thủ. Tôi thấy chưa ai thắng ai. Thế mà phần thắng bất ngờ nghiêng hẳn về Anh. Do đâu? Do ông Kêpha. Ông Kêpha tuyên bố một câu nặng như búa tạ: “Chúng ta không được thách thức Thiên Chúa mà quàng trên cổ anh em tín hữu cái ách mà cả ông cha chúng ta lẫn chúng ta không ai vác nổi”. Ông Kêpha nói như thế với tất cả tâm tư và kinh nghiệm sống của ông. Rất chân thành. Rất nhiệt thành.

Nhưng khổ một nỗi là ông hay cả nể. Vì vậy mà lập trường của ông dễ bị chao đảo. Chỉ có thế thôi. Đâu đến nỗi là không ngay thẳng trên con đường loan báo Tin Mừng. Mong Anh nghĩ lại.

2. Đọc lá thư Anh gửi cho giáo đoàn Philíp, tôi thấy có hai chỗ làm tôi bị sốc.

2.1. Anh gọi nhóm bảo thủ lì lợm là “Bọn chó má”. “Bọn thợ xấu”. “Bọn giả danh cắt bì”. Đứng vào vị trí của Anh, tôi cũng nghĩ như thế, nhưng không nỡ tâm nói như vậy. Bọn họ là ai ? Hầu hết bọn họ là các ông kinh sư và Pharisêu đã từng theo dõi và làm khổ Chúa suốt ba năm trời. Nhưng sau khi Chúa cho ông Ladarô phục sinh, thì họ bắt đầu suy nghĩ. Khi bọn lính canh mồ về báo cáo là họ thấy Chúa phục sinh, thì họ tin và chịu phép rửa. Rất đáng trân trọng !

Nhưng khổ một nỗi là họ chưa dám khẳng định Đức Giêsu là Thầy trên hết mọi thầy và chỉ có mạc khải trọn vẹn trong Đức Giêsu mà thôi. Họ được giáo dục trong mục vụ Do Thái giáo vào thời sa đọa đến tận cùng. Đạo chỉ còn là cái vỏ, ruột thì rỗng tuếch. Đạo chỉ còn là danh và lợi. Họ là nạn nhân của mục vụ sai lầm, chứ họ không phải là chủ thể. Họ là đối tượng cần được cứu vớt, hơn là đối tượng để kết án. Dường như Anh cũng nghĩ như thế, khi Anh viết: “Miễn là Đức Giêsu được rao giảng”. Chí lý lắm thay !

2.2. Anh cám ơn giáo đoàn Philíp, vì họ đã gửi viện trợ rộng rãi cho Anh, đến mức độ không còn túng thiếu, mà còn dư dật nữa. Nhân tiện Anh tuyên bố với họ rằng: “Từ khi rời khỏi xứ Makêđônia, không một Hội Thánh nào đã đóng góp vào các khoản chi thu của tôi, chỉ có anh em đó thôi”. Có thật không đấy? Giáo đoàn nào cũng nhiệt tình đóng góp vào quỹ truyền giáo của Anh. Còn có nhận hay không là do Anh mà thôi. Tại sao nhận, tại sao không, thì Anh tự biết.

Tôi lấy nguồn tin từ các giáo đoàn. Tôi lắng nghe, tôi ngẫm nghĩ, tôi phân tích để hiểu Anh và thương Anh.

uỞ Êphêxô, bà con cho gì Anh cũng không nhận. Anh hì hục lao động trong xưởng dệt của anh chị Aquila _ Priskila. Hỏi tại sao, thì Anh bảo rằng: “Chúa dạy: cho thì tốt hơn nhận”.

uỞ Tétxalonica Anh cũng đầu tắt mặt tối để tự lực mưu sinh. Hỏi tại sao thì Anh bảo là để làm gương lao động cho một số người cứ ăn không ngồi rồi và cứ xía vào chuyện nội bộ của người khác. Anh cũng cho biết có rất nhiều người túng thiếu cần sự giúp đỡ của Anh và của mọi người.

uỞ Côrintô, Anh cũng hì hục lao động. Hỏi tại sao, thì Anh bảo là Anh không muốn làm phiền ai hết, Anh không muốn trở nên gánh nặng cho bất cứ người nào.

Tôi suy nghĩ, tôi phân tích và tôi thấy rằng sự thật không phải như vậy. Với các giáo đoàn Ephêxô, Tét xalonica, Galát và Corintô thì Anh không nhận sự giúp đỡ về tài chính. Anh không muốn làm phiền một số người nào đó thôi. Bằng chứng là trong thư gửi cho giáo đoàn Côrintô, Anh đã không ngần ngại nói rằng: “Tôi bóc lột các giáo đoàn khác, để giảng không công cho anh chị em”. Anh cũng không giấu giếm một sự thật này là: “Hồi ở giữa anh em, những khi lâm cảnh túng thiếu, thì tôi đã chẳng phiền lụy ai, bởi vì các anh em từ Makêđonia đến đã cung cấp đầy đủ những gì tôi cần”.

Sự thật là như thế, thì tại sao Anh cứ nói rằng: “Tôi tự lực mưu sinh” ; “Tôi không muốn làm phiền lòng ai hết”; “Từ ngày tôi rời Makêđonia không giáo đoàn nào giúp tôi về tài chính ??”.

Tôi lại phải ngẫm nghĩ và nghiên cứu. Tất cả sự thật đều được giải bày trong thư thứ nhất Anh gửi cho giáo đoàn Corintô.

3. Thư I Corintô. Đọc khúc giữa của thư I Cor tôi cảm thấy như mình đang đi dưới trời mưa tầm tã, có sấm chớp đì đùng. Vừa đọc tôi vừa so vai, rụt cổ để né tránh những cú đánh của ông thiên lôi.

uCú đánh một: “Đây là lời biện hộ của tôi chống lại những kẻ hạch sách tôi”.

uCú đánh hai: “Phải chăng chỉ có tôi và anh Bạcnaba không có quyền được miễn lao động?”.

uCú đánh ba: “Chúa truyền cho những ai rao giảng Tin Mừng thì phải sống nhờ Tin Mừng. Nhưng phần tôi thì … thà chết còn hơn”. Anh còn nhấn mạnh thêm: “Đó là niềm tự hào của tôi”.

Đọc đoạn thư này, tôi muốn giận Anh quá. Nhưng nghĩ mãi, tôi lại thương Anh và giận ai đó đang dày vò, đang hành hạ Anh một cách tàn nhẫn. Có hai vấn đề mà những ai đó đang hạch sách Anh. Đó là:

uNhững ai đó không nhận Anh là Tông Đồ.

uNhững ai đó ngứa mắt vì thấy những bà mệnh phụ vừa đẹp vừa giàu vẫn đến thăm và tài trợ công tác truyền giáo của Anh một cách hào phóng cực kỳ.

Anh Phaolô ơi ! Bây giờ thì tôi hiểu Anh rồi. Tôi lại thương Anh quá chừng.

uTuy Anh không được trực tiếp học hỏi với Thầy Giêsu cùng với mười hai ông kia. Nhưng Anh đã được gặp Thầy trên đường đi Đamát, được học với Thầy qua những lần xuất thần. Là người đệ tử sau cùng, nhưng Anh hiểu Thánh Kinh hơn mười hai ông kia gấp hai ba lần. Trí thông minh của Anh thì vượt trội. Sự nghiệp truyền giáo của Anh thì chồng chất. Cái giá mồ hôi, nước mắt và máu đào mà Anh phải trả cho sự nghiệp truyền giáo thì hơn hẳn những ai đó. Cũng chỉ vì những cái vượt trội ấy, mà Anh bị ganh ghét. Thậm chí những ai đó còn độc miệng nói rằng Anh và ông Bạcnaba “không đáng được nuôi ăn”. Chính vì thế Anh không thèm nhận sự giúp đỡ của một số giáo đoàn, để những ai đó mở mắt ra mà thèm thuồng, vì Anh không những không thiếu mà còn dư dật là đàng khác.

Anh Phaolô rất thân mến.

Tôi đang giận Anh, bỗng lại thương Anh, thương Anh quá chừng. Đang thương Anh quá chừng, tôi lại buồn buồn. Buồn vì Đức Giêsu còn khổ hơn Anh. Người phải khổ vì những ai đó lòng dạ hẹp hòi. Người phải khổ vì chính miệng Anh vừa tuyên bố “Chúa truyền người rao giảng Tin Mừng phải sống nhờ Tin Mừng”, thì lại bẻ chỉa và tuyên bố ngược lại rằng: “Riêng tôi thì … (thèm vào)… thà chết còn hơn”.

Tôi mạn phép thay mặt Anh và thay mặt cả những ai đó để xin lỗi Thầy Giêsu. Tôi cũng mong rằng Anh lặp lại lời Anh đã viết cho giáo đoàn Philíp: “Dù thế nào đi nữa, với ý lành hay ý xấu, cuối cùng Đức Giêsu được rao giảng là tôi mừng rồi”. Tuyệt vời ! Xin Anh hãy mãi mãi tuyệt vời như thế.

Thân ái chào Anh trong Đức Giêsu Kitô.

Tái bút : Những ai đó dị nghị về chuyện Anh có một tín nữ tháp tùng truyền giáo. Phải chăng người tín nữ ấy là chị Lydia, đứa con đầu lòng của Anh ở giáo đoàn Philíp ? Phải chăng chị không thường xuyên có mặt trên mọi tuyến truyền giáo của Anh, mà chỉ lâu lâu một lần đi thăm và tài trợ Anh một cách hào phóng ?

Nếu đúng như vậy, thì Anh bị ai đó dị nghị là chuyện bình thường của “Nhân tình thế thái”. Chị Lydia vừa đẹp gái, vừa giàu sang, vừa đảm đang, vừa mạnh tay mở hầu bao, thì bị ai đó ganh ghét là phải rồi. Anh bị vạ lây thì … cũng là thường tình rồi … Nên buồn cười hơn là buồn giận.

Lm. Piô NGÔ PHÚC HẬU

tin liên quan

Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Thầy Giêsu của tôi là một sứ ngôn cao cả, là một siêu sao của thời ấy. Thế mà anh không khúm núm, không “kính nhi viễn chi”. Anh chơi thân với Thầy tôi như bạn bè.
Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Tôi quý mến anh và muốn biết thật nhiều về anh. Nhưng lịch sử thế giới không biết anh. Tôi mải mê đọc cuốn Tin Mừng thứ bốn, để may ra lượm được một nắm kỷ niệm về anh. Nhưng Gioan chỉ cho tôi một vài chi tiết thật nhỏ,...
Lá thư ngỏ gửi người phụ nữ Samari
Lá thư ngỏ gửi người phụ nữ Samari
Trưa hôm ấy: trời nắng chang chang, gió im phăng phắc. Thầy tôi ngồi một mình trên thành giếng. Hai bàn tay cài răng lược đặt hờ trên hai đùi khép kín. Mắt nhìn về xa xăm.
Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Thầy Giêsu của tôi là một sứ ngôn cao cả, là một siêu sao của thời ấy. Thế mà anh không khúm núm, không “kính nhi viễn chi”. Anh chơi thân với Thầy tôi như bạn bè.
Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Tôi quý mến anh và muốn biết thật nhiều về anh. Nhưng lịch sử thế giới không biết anh. Tôi mải mê đọc cuốn Tin Mừng thứ bốn, để may ra lượm được một nắm kỷ niệm về anh. Nhưng Gioan chỉ cho tôi một vài chi tiết thật nhỏ,...
Lá thư ngỏ gửi người phụ nữ Samari
Lá thư ngỏ gửi người phụ nữ Samari
Trưa hôm ấy: trời nắng chang chang, gió im phăng phắc. Thầy tôi ngồi một mình trên thành giếng. Hai bàn tay cài răng lược đặt hờ trên hai đùi khép kín. Mắt nhìn về xa xăm.
Lá thư ngỏ gửi ông Giaia
Lá thư ngỏ gửi ông Giaia
Ông Gia-ia ơi, từ giờ phút này, tôi không còn có thành kiến về ông nữa. Tôi thương mến ông quá chừng. Tôi lẽo đẽo đi theo Thầy. Tôi ghi khắc từng thái độ, từng cử chỉ nhỏ nhặt của ông.
Lá thư ngỏ gửi ông Nicôđêmô
Lá thư ngỏ gửi ông Nicôđêmô
Đêm hôm ấy, Thượng tế Caipha triệu tập Đại Công Nghị để họp khẩn cấp. Các Đấng Bề trên, các ông Pharisêu, các ông Kinh sư... Trùng trùng, điệp điệp. Và có cả ông nữa. Toàn là dân trí thức. Toàn là bậc thầy thuộc Thánh kinh làu làu.
Lá thư ngỏ gửi ông Dakêu
Lá thư ngỏ gửi ông Dakêu
Ông là người lớn mà leo lên cây để nhìn trộm, y như một thằng trẻ con. Tại sao ông lại có thể đánh mất mình một cách dễ dàng như thế? Nghĩ mãi tôi mới ngộ ra rằng khi người ta quá say mê một cái gì, thì dễ...
Lá thư ngỏ gửi phu nhân Gioanna
Lá thư ngỏ gửi phu nhân Gioanna
Tôi ngỏ bày hết tâm tư của mình cho Thầy, mong Thầy cho tôi biết thật nhiều về Chị. Thầy chỉ mỉm cười, vỗ nhẹ lên vai tôi, rồi nhỏ nhẹ tâm tình: “Một ơn gọi đặc biệt. Một ơn gọi hiếm hoi”.
Lá thư ngỏ gửi Tiểu Vương Philíp
Lá thư ngỏ gửi Tiểu Vương Philíp
Tôi đi từ Bắc chí Nam, từ nông thôn đến thành thị. Tôi lắng nghe lời bình luận của những cụ già đức độ và đầy kinh nghiệm. Tôi ghi nhận những thông tin dài vô tận của những người đàn bà ủng hộ quá khích quyền tự do ngôn...
Lá thư ngỏ gửi Tôma
Lá thư ngỏ gửi Tôma
Thầy quỳ gối, chắp tay, cúi đầu. Không động đậy, y như một pho tượng. Tớ cũng quỳ xuống, chắp tay, nhưng không cúi đầu, mà lom lom nhìn ngắm Thầy. Bỗng Thầy dang tay, ngước mắt nhìn trời. Nhìn lâu lắm.