Chị Samari thân mến!
Trưa hôm ấy: trời nắng chang chang, gió im phăng phắc. Thầy tôi ngồi một mình trên thành giếng. Hai bàn tay cài răng lược đặt hờ trên hai đùi khép kín. Mắt nhìn về xa xăm. Cánh đồng lúa đang vào thời con gái: xanh bát ngát. Thế mà Thầy tôi lại thấy nó chín vàng. Đàn bà đàn ông kéo nhau ra đầy đồng để thu hoạch...
Bỗng có tiếng động. Thầy tôi giật mình quay lại. Thấy chị đang kéo nước. Sực nhớ mình đang khát đến khô cổ họng, Thầy tôi ngỏ lời.
- Chị làm ơn cho tôi xin ngụm nước.
- Ông là người Do Thái, tôi là người Samari. Tại sao ông lại xin tôi nước uống làm chi vậy?
- Nếu chị biết người xin nước là ai, thì chị sẽ xin người ấy và người ấy sẽ cho chị một thứ nước uống vào là thôi khát luôn.
- Giếng thì sâu, gầu thì không, thế mà lại khoe cho nước uống không khát. Bộ ông ngon hơn tổ phụ Giacóp đã đào giếng này cho chúng tôi sao?
- Nước tôi cho, tự nó là mạch nước rồi.
- Vậy thì ông cho tôi đi, để tôi không phải ra đây lấy nước mỗi ngày. Mệt muốn chết!
- Nói cho là cho, nhưng vẫn phải có điều kiện.
- Điều kiện gì?
- Chị cứ về gọi chồng ra đây là tôi cho ngay.
- Tôi có chồng đâu mà gọi.
- Đúng vậy. Chị đã có năm đời chồng rồi. Còn người này chỉ là đàn ông, chứ không phải là chồng.
- Như vậy thì ông là Ngôn Sứ hả? Thôi, chuyện nhỏ, bỏ đi... Bây giờ tôi hỏi ông nha: người Do Thái các ông thì thờ Chúa ở Giêrusalem; còn chúng tôi thì thờ Chúa ở Garidim. Vậy thì các ông làm đúng hay là chúng tôi làm đúng?
- Người Do Thái làm đúng. Ơn cứu độ phải phát xuất từ dân Do Thái. Nhưng... từ nay người ta không thờ Chúa ở Giêrusalem, cũng không thờ Chúa ở Garidim, mà chỉ thờ Người trong thần khí và trong chân lý.
- Thôi đi ông ơi. Chừng nào Đấng Cứu Thế đến, thì Người sẽ dạy chúng ta về điều ấy.
- Đấng Cứu Thế là người đang nói với chị đây.
Nghe vậy, chị lấy tay ôm mặt, trợn mắt, so vai, co rúm người lại, rồi... chạy ù về làng.
Một giờ sau, dân làng kéo ra gặp Thầy tôi chuyện trò tíu tít. Vui vẻ và thân thương đến cuồng nhiệt. Thầy tôi được mời vào làng. Thầy tôi ở lại hai ngày. Tình nghĩa chan hòa...
Chị Samari mến.
Bây giờ xin chị ngồi yên, lẳng lặng nghe tôi nói. Trước hết tôi nói với chị về chị. Sau đó tôi sẽ nói với chị về Thầy tôi.
1. NÓI VỚI CHỊ VỀ CHỊ
Theo trình thuật của Gioan, chị chỉ xuất hiện bên bờ giếng Giacóp chừng mười phút, rồi biến mất trong ngôi làng vô danh. Biệt tăm. Biệt tích. Mọi người sẵn sàng quên chị. Nhưng tôi thì... đừng hòng. Tôi vẫn miệt mài theo dõi chị. Theo dõi bằng phân tâm học, bằng óc tưởng tượng phong phú trời cho, bằng cả thính giác, thị giác và trực giác nữa.
Thầy tôi bảo chị đã có năm đời chồng và một đời đàn ông. Còn tôi thì khẳng định rằng chị chỉ thích lấy đàn ông, chứ không muốn có chồng. Đàn ông nối đuôi nhau để đến rồi đi. Y như một định mệnh. Chẳng biết tại sao mình đến; chẳng biết tại sao mình đi.
Cặp mắt của chị sắc quá, sắc như dao cau vậy! Lưỡi dao ấn xuống, thì quả cau nào dù già dù non cũng bị tách ra thành hai, thành bốn, thành tám. Mặt miếng cau nào cũng nhẵn thín, tươi rói. Thấy là thèm. Người đàn ông nào nhìn vào cặp mắt ấy đều bị bắt làm tù binh ngay. Khi bị bắt làm tù binh rồi, thì ai cũng chỉ mong được trả tự do. Chị đẹp quá, khôn quá, mà cũng ranh quá! Đẹp như tranh, ranh như quỷ! Bởi thế nên chị mới ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh.
Chị là mẫu người vừa ranh vừa chảnh. Thầy của tôi là một bậc hiền nhân quân tử. Tài trí và thánh đức của Người thì ngàn trùng. Trí đức từ trong tâm thấm qua da thịt, hiện ra trên ánh mắt, bắt mọi người phải thương phải kính. Thế mà chị dám nạt nộ Thầy tôi, khi Thầy tôi nhỏ nhẹ xin chị một ngụm nước. “Ông là người Do Thái, tôi là người Samari. Tại sao ông lại xin tôi nước uống làm chi vậy?” Chua!
Thầy tôi đang trình bày về một thứ nước mà ai uống thì không còn khát. Chị không hiểu. Không hiểu thì hỏi. Không hỏi thì làm thinh. Thế nhưng chị lại vặn vẹo và chọc quê Thầy tôi: “ Nước thì sâu, gầu thì không. Bộ ông ngon hơn tổ phụ Giacóp, người đã đào giếng này cho chúng tôi hả?”. Bà chằng!
Khi Thầy tôi phanh phui quá khứ “thơm tho” của chị ra, chị mới bớt chảnh được tí tẹo. Nhưng liền sau đó, chị né đòn, đánh trống lảng sang chuyện khác. Vừa né đòn vừa chơi trèo. Trèo cao kiểu cô giáo “chơi đố” với các bé mầm non: “Bây giờ tôi hỏi ông nha. Người Do Thái các ông thờ Chúa ở Giêrusalem. Còn chúng tôi thì thờ Chúa ở Garidim. Vậy thì các ông đúng hay là chúng tôi đúng?” Láu cá quá chừng!
Thầy tôi trả lời dứt điểm “Người Do Thái đúng”. Sau đó Người mở ra một chân trời mới: “Từ nay chỉ còn thờ Chúa trong thần khí và chân lý”. Tôi cứ tưởng chị phải cúi đầu xá Thầy tôi ba cái. Ai ngờ... chị cào bằng, coi Thầy tôi như một người bạn đồng môn: “Chừng nào Đấng Cứu Thế đến Người sẽ dạy chúng ta về điều ấy”. Đại danh từ “chúng ta” chị nói nghe cứ ngọt sớt như đường phèn. Hỗn thật!
2. NÓI VỚI CHỊ VỀ THẦY TÔI
Thầy tôi ngồi nói chuyện với chị giữa đồng không mông quạnh. Chị có hiểu được tấm lòng của Thầy tôi không? Nền văn hóa Trung Đông của chị đánh giá đàn bà thấp tè tè. Có một nhà tư tưởng Ả Rập nào đó đã tuyên ngôn rằng: “Đàn bà là hữu thể trung gian giữa đàn ông và con thú”. Các đệ tử của Thầy tôi cũng nghĩ như thế. Họ buồn lắm khi thấy Thầy tôi ngồi nói chuyện với chị như với một đấng nam nhi. Thầy tôi chỉ thấy chị là một hữu thể được Chúa Cha trìu mến và ban Con Một của mình giáng trần để cứu chuộc bằng cái giá cao ngất trời. Trong cái gọi là văn hóa của Thầy tôi, không có bậc cấp cho “Đấng mày râu” và “Thân phận liễu yếu đào tơ”. Tất cả chỉ là một trong Đức Kitô.
Chị ngồi nói chuyện với Thầy tôi, một tôn sư cao quý, mà cứ lanh chanh, loi choi ra vẻ ta đây. Tôi thấy chị giống y như con chim chào mào bị nhốt trong lồng. Đi tù mà không biết thân biết phận. Cứ nhảy lên rồi nhảy xuống, nhảy xuống rồi nhảy lên. Vừa nhảy vừa cong cái đuôi, để khoe mình một cách vô duyên.
Nếu chị gặp tôi, thì tôi không thèm nói với chị lấy một nửa lời. Nhưng Thầy tôi thì chị thấy đấy: khiêm nhu và nhẫn nại vô cùng. Cứ bình tĩnh cho chị chơi trội, rồi từ từ lái chị vào quỹ đạo chân lý.
Không một người Do Thái nào nói chuyện với người Samari. Không một người Do Thái nào đặt chân lên mảnh đất Samari, mảnh đất bị vạ tuyệt thông không thành văn. Chỉ có một mình Thầy tôi không phân biệt Do Thái với Samari. Chỉ có một mình Thầy tôi cứ đi qua Samari để đến Giêrusalem và để về Caphácnaum, trung tâm truyền giáo. Thầy tôi yêu quý dân Samari của chị đến mức độ đã dựng lên một vở kịch ngắn, trong đó người Samari đóng vai nhân vật lý tưởng. Vở kịch đó hôm nay chúng tôi gọi là “Dụ ngôn người Samari nhân từ”.
Chị Samari thân mến.
Khi chị chạy về làng báo Tin Mừng, thì Thầy tôi vẫn ngồi trên thành giếng, lặng lẽ suy tư. Thầy tôi nghĩ về một Giáo hội Samari trong tương lai, một giáo hội thịnh vượng và bình an vô sự. Yêu thương vô vàn! Tôi tin rằng chị là người đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng Giáo hội Samari ấy.
Trong lịch sử truyền giáo chẳng ai nhắc đến chị. Nhưng tôi vẫn gọi chị là nhà truyền giáo đầu tiên của Giáo Hội.
Chị Samari ơi! Nhà truyền giáo đầu tiên ơi! Tôi không quên chị. Chị đừng quên tôi nhá. Tôi mãi mãi thấy chị chạy ù về làng và cả làng ra đón Thầy.
Lá thư ngỏ gửi người đàn bà ngoại tình
Chị “ấy” ơi!
Tôi không biết tên chị. Hỏi người ta, thì ai cũng bĩu môi, không trả lời. Hỏi chị, thì chị chỉ khóc hù hụ. Tôi đành gọi chị là “ấy”. Chị thông cảm nhá.
Hôm ấy Thầy tôi đang giảng. Hàng trăm vành tai vểnh lên để nghe. Hàng trăm con mắt mở banh ra để nhìn. Có nhiều cái miệng há hốc ra mà quên không khép lại. Họ say mê nghe, đến xuất thần... Bỗng có tiếng ồn ào. Tôi nổi giận muốn chửi thề một câu. Ngước mắt lên, nhìn thấy chị, tôi chết lịm... Một người đàn bà tiều tụy như một đống giẻ rách. Tóc xõa xuống và rối nùi, che hết nửa phần thân. Hai bàn tay cố giữ lấy vạt áo che kín hết khuôn mặt. Tấm lưng thon thả khòm xuống và run lên bần bật. Tấm áo dài rộng thùng thình cũng đồng tình run lên cầm cập.
Thầy tôi đứng dậy; lưng thẳng băng; cặp mắt như bốc lửa, giọng nghiêm nghị:
- Chuyện gì vậy?
- Thưa Thầy, chúng tôi bắt quả tang con mẹ này đang ngoại tình. Theo luật Môsê, thì phải ném đá cho chết. Nhưng chúng tôi muốn Thầy cho ý kiến.
Thầy tôi không thèm nghe, không thèm trả lời. Người cúi mình, lặng lẽ lấy ngón tay viết lên đất. Viết gì thì chả ai biết. Nhưng chắc một điều là Thầy tôi không đồng ý với các ông kinh sư và Pharisêu. Người cũng không đồng ý với Môsê. Người im lặng một cách nặng nề là để phản đối một cách quyết liệt... “Xin Thầy cho ý kiến” lời ấy được nhắc đi nhắc lại. Dai như đỉa đói vậy. Cực chẳng đã Thầy tôi đứng thẳng lên, lấy ánh mắt xuyên tâm, quét một lượt lên mặt các ông kinh sư và Pharisêu, rồi phán một lời cứng như đanh, lạnh như băng: “Ai trong các ông vô tội, thì ném đá trước đi”. Chỉ nói có thế thôi, rồi Người lại cúi xuống, lại viết, viết mãi, viết để viết, viết để tỏ thái độ bất mãn cực kỳ.
Các đấng bề trên cao cả: áo mão xênh xang, râu ria đạo mạo... bỗng dưng sa sầm mặt xuống. Ông già râu bạc kéo áo ông trẻ râu xanh. Họ lặng lẽ rút lui. Khi họ đã đi xa tắp tít, Thầy tôi mới đứng lên. Người nhìn chị. Chị không dám nhìn Người. Chị vẫn bịt mặt, vẫn cúi đầu và vẫn khóc nức nở. Người hỏi chị. Giọng nói của Người nhỏ nhẹ, ôn tồn, như thương, như xót.
- Chị ơi, những người kia đi đâu hết rồi? Không ai kết án chị nữa sao?
- Thưa ông, không!
- Tôi không kết án chị đâu. Chị về đi. Nhớ từ nay đừng phạm tội nữa nhá.
Tôi thấy chị kéo vạt áo xuống dưới gò má. Chị nhìn trộm, rồi nhìn ngay vào mặt Thầy tôi. Nước mắt lại tuôn ra dầm dề. Chị nhệu nhạo kêu lên: “Thầy!”.
Chị ra về. Vừa đi vừa bới tóc. Vừa đi vừa sửa lại nếp áo nhăn nheo. Mặt tỉnh bơ như người đi chợ. Không mặc cảm tội lỗi. Thôi sợ chết nhục. Thôi sợ chết đau.
Chị “ấy” ơi, từ giờ phút này tôi không còn ghét chị nữa; tôi không còn khinh chị nữa. Chị và tôi có chung một Thầy. Chúng ta coi nhau như chị em nhé.
Chị về rồi. Biệt tăm. Tôi không còn gặp chị nữa. Nhưng óc tưởng tượng của tôi cứ bám lấy chị, mải mê nghĩ về chị. Những hình ảnh của chị cứ xuất hiện mãi trên màn ảnh ký ức của tôi. Nhiều lắm. Nhiều lắm.
1. Cánh cửa hé mở, rồi nhè nhẹ khép lại. Mùi cam tùng dịu ngọt vương vương. Chị hí hửng đi đến điểm hẹn. Chân bước thoăn thoắt. Tà áo bay bay. Lọn tóc bồng bềnh. Tình yêu đẹp vô cùng!
Bỗng chị đứng khựng lại. Ngẫm nghĩ. Ngón chân cái dí mạnh lên đế hài. Một nỗi sợ bao trùm. Trí tưởng tượng vẽ ra một ông Môsê: mặt hầm hầm, tay nắm chặt một hòn đá to, dứ vào mặt chị: ... “Đứa nào ngoại tình, thì ném cho chết”. Chị quay gót, sải bước về nhà. Bỗng dưng chị đứng khựng lại. Ngẫm nghĩ mông lung. Lòng nhủ lòng: “Tình yêu mạnh hơn sự chết”. Hết sợ. Chị lại quay gót. Lại hí hửng...
2. Khu vườn đẹp quá. Tường cao bao quanh. Màu xanh bát ngát. Im phăng phắc. Có hai bóng người lao vào nhau, dán vào nhau. Nghẹt thở... Thiên nhiên như ngưng đọng để lắng nghe, để nhìn ngắm một sự hài hòa đến tuyệt vời. Bên đây là một tác phẩm nghệ thuật mà từ thể khối đến đường nét và màu sắc không có một khuyết điểm nào: đường nét thon thả; thể khối no tròn; màu sắc tươi mát. Cái gì cũng mời gọi, cái gì cũng khiêu khích, mà cao điểm là thách thức... Bên kia là một vầng trán cao rộng, có thấp thoáng một vành khăn của bậc sư phụ. Một bộ râu điểm sương cứ rung rinh, rung rinh khẳng định sự giàu sang và hào phóng của bậc đại gia say mê và đê mê ru hai tâm hồn vào thế giới huyền mơ. Có tiếng chó sủa họ không nghe. Con chim giật mình vỗ cánh bay, để rơi trên đầu họ một vật thể lạ có mùi hôi hôi, họ không biết. Say mê quá hóa thành u mê...
3. Khu vườn đang tĩnh lặng bỗng trở nên huyên náo dữ dội. Bầy chó thi nhau sủa inh ỏi. Người ta đua nhau la om sòm: “Ngoại tình! Bắt lấy nó!”. Người đàn ông có bộ râu hoa mơ vụt chạy về cuối vườn, phóng qua tường. Biến dạng. Người đàn bà quơ vội tấm áo choàng phủ lấy tấm thân nõn nà, rồi quỳ mọp xuống, van lạy như tế thần: “Con lạy các thầy một trăm lạy. Xin các thầy tha chết cho con. Bây giờ các thầy muốn gì... con cũng chịu nữa”. Xung quanh người đàn bà quỳ mọp là hàng chục đấng nam nhi người nào cũng uy nghi, cũng đạo mạo, nhưng cặp mắt nào cũng hấp háy, lòng nào cũng rạo rực. Dường như họ cố tình rình mò, để bắt quả tang, để hạ gục một đối thủ nặng ký. Người đàn bà nõn nà chỉ là nạn nhân của một cuộc đấu đá giành giật quyền và lợi. Luật Môsê chỉ còn là phương tiện để người ta hạ bệ nhau...
4. Hàng trăm thính giả đang hau háu nuốt từng lời giảng của Thầy Giêsu, bỗng quay ngoắt một cái, chằm chằm nhìn vào người đàn bà thiểu não như một đống giẻ rách. Cặp mắt nào cũng đổ lửa. Quai hàm nào cũng bạnh ra. Răng nào cũng nghiến ken két. Có những ngón tay nhọn hoắt như mũi dùi chỉ thẳng vào đống thịt đang run rẩy và hét lên như sư tử gầm: “Con quỷ cái ấy phải đuổi cho khuất mắt. Bọn đĩ thõa ấy phải quét sạch thành đô, không sót một tên...”. Có một đấng nam nhi chân mày rậm rì, ti hí mắt lươn ôm về một vạt áo đầy đá cuội đang phân phát cho quần chúng, niềm nở như nhà từ thiện phát bánh mì cho những thân phận nghèo đói.
5. Một rừng người đồng tâm nhất trí, một lòng một dạ vung tay nguyền rủa, nắm tay kết án và thề thốt: “Nhân danh Chúa tao giết mày. Nhân danh Môsê tao ném đá mày”.
Có một người đàn ông, lưng dài vai rộng, không giống người phàm. Ông đứng thẳng lưng, lặng lẽ nhìn. Ông nhìn đám người đang gào thét bằng ánh mắt nảy lửa. Chỉ nhìn một cái rồi thôi. Vẫn im lặng. Ông đưa mắt nhìn người đàn bà rũ rượi. Ánh mắt nảy lửa dịu dần, dịu dần... Bây giờ chỉ còn thương xót, chỉ còn bao dung. Ông ngước mắt lên trời, dang rộng hai cánh tay. Dường như ông muốn gửi gắm. Dường như ông muốn che chở. Vẫn im lặng.
Quần chúng đang ồn ào, bỗng im phăng phắc, đang chằm chằm nhìn đụn giẻ rách thảm thương, bỗng hướng về người đàn ông không giống người phàm, chăm chú theo dõi. Lòng se lại. Cúi đầu. Xấu hổ...
Chị “ấy” ơi!
Bây giờ chị đang ở đâu? Chị thoát chết rồi, nhưng gia đình của chị và Hội đường của chị có dang tay đón chị về không? Có thể có. Có thể không. Theo thiển ý của tôi, thì đối với chị, mọi sự trên thế gian này bây giờ chỉ là chuyện nhỏ. Thầy Giêsu bây giờ mới là tất cả. Chỉ một tia mắt của Thầy cũng đủ làm cho hàng trăm người hẹp hòi, ích kỷ và tàn nhẫn phải gục đầu xấu hổ. Chỉ một thoáng nhìn của Thầy cũng đủ để vực dậy hàng trăm tâm hồn tan nát và tuyệt vọng.
Thầy đã nhìn chị. Chị đã nhìn Thầy và chị đã cảm nghiệm được ánh mắt ấy. Chị đang tủi hổ đến chết được, thế mà bỗng chị lại khẽ mỉm cười, mỉm cười như trẻ thơ vô tội. Ánh mắt hiền từ độ lượng của Thầy xóa hết mặc cảm tội lỗi của chị. Ánh mắt yêu thương và trìu mến của Thầy khiến chị đang tuyệt vọng, đứng phắt dậy, ngước mắt nhìn trời và vung tay đi về phía trước.
Chị “ấy” ơi! Tôi muốn gặp chị, để cùng chị suy nghĩ về Thầy. Tôi muốn gặp chị, để cùng chị đi đến tận cùng trái đất loan báo tình yêu của Thầy. Chỉ có tình yêu của Thầy mới vực dậy được người tội lỗi. Chỉ có tình yêu của Thầy mới gầy dựng được một thế giới hạnh phúc.
Chào chị từ xa. Xa mặt chứ không cách lòng. Thương mến vô vàn!
Bình luận