Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô

Anh Ladarô mến!

Tôi sống xa anh gần mười ngàn cây số. Tôi sinh ra sau anh gần hai mươi thế kỷ. Giữa anh và tôi có một khoảng cách xa vời vợi. Xa về không gian. Xa về thời gian. Cái xa nào cũng là ngàn trùng.

Tôi quý mến anh và muốn biết thật nhiều về anh. Nhưng lịch sử thế giới không biết anh. Tôi mải mê đọc cuốn Tin Mừng thứ bốn, để may ra lượm được một nắm kỷ niệm về anh. Nhưng Gioan chỉ cho tôi một vài chi tiết thật nhỏ, nhỏ tí ti và mỏng tanh mỏng tang. Buồn quá và giận quá.

Đang buồn, đang giận, bỗng tôi mở choàng mắt ra. Tôi thấy anh rất rõ, rất to nhờ vài lời nói và vài cử chỉ của Thầy Giêsu của tôi.

1. Lúc anh vừa nhắm mắt lìa đời, Thầy tôi giục giã môn đệ: “Chúng ta hãy về miền Giuđê, để đánh thức bạn của chúng ta…”.

Thầy Giêsu của tôi là một sứ ngôn cao cả, là một siêu sao của thời ấy. Thế mà anh không khúm núm, không “kính nhi viễn chi”. Anh chơi thân với Thầy tôi như bạn bè. Anh ngồi ăn với Thầy tôi. Anh chuyện trò và trao đổi với Thầy tôi về thời cuộc, về nhân tình thế thái. Thầy của tôi cô đơn giữa chợ đời. Đệ tử và quần chúng chỉ quý trọng Ngài, chứ không hiểu Ngài. Thấy quần chúng đói, thì thương và cho họ ăn. Ăn xong họ tôn Ngài làm vua. Ngài phải trốn lên núi. Buồn tê tái! Thầy thì say mê cây khổ giá, trò thì hau háu chờ mâm xôi đĩa thịt. Chán vô cùng!

May quá, Thầy tôi gặp anh, một người bạn tâm phúc. Anh hiểu Thầy tôi. Anh chia sẻ tâm tư với Ngài. Tôi cám ơn anh về điều đó.

Tôi mường tượng thấy anh là một mẫu người cao to và bề thế. Ở đời chẳng ai dám bắt nạt anh. Còn anh thì chẳng thèm ăn hiếp ai. Người ta ở đời mà có được phần số như anh, thì chỉ chơi với Thầy tôi, còn đệ tử của Ngài, thì chỉ nhìn bằng một nửa con mắt.

Thật vậy, cái đám đệ tử của Thầy tôi hầu hết là dân ngu cu đen. Trình độ hiểu biết thì chẳng bằng ai. Tác phong đạo đức thì chỉ làm cho Thầy phải hổ ngươi. Thế mà anh không khẳng định đẳng cấp, không coi thường họ, vẫn coi họ như là bạn. Anh vẫn niềm nở với họ, vẫn cười đùa với họ...

Anh là mẫu người có tài và có đức, được người lớn kính trọng, được người nhỏ mến thương. Mừng cho anh.

2. Thầy Giêsu khóc nức nở trước ngôi mộ của anh khiến dư luận bàn tán: “Coi kìa. Ông ấy thương Ladarô biết dường nào!”.

Hai bà chị của anh cũng xác nhận điều đó, khi cho người ra ngoài Bắc báo tin về bệnh tình của anh: “Thưa Thầy, người Thầy thương mến đau nặng”.

Gioan, tác giả cuốn Tin Mừng thứ bốn cũng thấy như vậy: “Đức Giêsu quý mến cô Mácta cùng hai người em là cô Maria và anh Ladarô”.

Còn tôi thì khẳng định rằng Thầy của tôi quý anh, trọng anh, mến anh và yêu anh. Anh Ladarô ơi, anh phải là người như thế nào mới được Thầy của tôi thương mến đến như thế? Tôi chỉ biết lẳng lặng chắp tay xá anh ba cái, để tỏ lòng kính trọng anh và thương mến anh.

Tôi tin chắc rằng anh yêu kính và thương mến Thầy của tôi vô cùng vô tận. Anh lắng nghe và nuốt từng lời giáo huấn của Thầy tôi. Anh sẵn sàng trả giá cao nhất để làm vui lòng Thầy của tôi. Thấy anh yêu Thầy tôi như thế, tôi cảm động vô cùng. Cám ơn anh vô vàn!

3. Luca, tác giả cuốn Tin Mừng thứ ba kể cho tôi rằng: “Ban ngày Đức Giêsu giảng dạy trong đền thờ; nhưng đến tối, người đi ra và qua đêm tại vườn Cây Dầu”. Tôi sững sờ đến ngẩn ngơ. Tại sao vậy?

Tôi vẫn yên trí rằng: mỗi năm Thầy tôi về miền Nam bốn lần để dự các lễ Vượt Qua, lễ Ngũ Tuần, lễ Lều và lễ Cung Hiến Đền Thờ. Lần nào Thầy của tôi cũng tạm trú tại nhà anh. Ban ngày lên đền thờ để dự lễ và để giảng. Tối đến lại về ăn và nghỉ tại nhà anh. Tại sao tuần lễ Vượt Qua cuối cùng này Ngài lại không trọ ở nhà anh? Chắc là phải có sự cố lớn lắm. Tôi tò mò. Tôi thăm dò. Tôi đoán mò... và tôi hiểu.

Anh đã chết. Đám tang của anh lớn chưa từng có. Chôn cất anh được bốn ngày rồi, mà khách chia buồn vẫn còn nườm nượp. Có lẽ hình ảnh của anh đã ghi khắc vào con tim của hàng ngàn cư dân ở thủ đô. Người giàu sang mến anh, người nghèo khó trọng anh. Và bây giờ họ luyến tiếc anh vô cùng.

Anh nằm trong mộ bốn ngày rồi. Thối rữa ra rồi.

Thế mà Thầy tôi bảo anh đi ra. Anh đi ra thật. Giải băng còn quấn cứng ngắc...

Sự hoảng hốt bao trùm. Niềm vui bùng nổ. Hàng ngàn người lại nườm nượp tuôn đến. Đến để xem người chết sống lại. Anh trở thành thần thánh của ngàn người, của ngàn ngàn người. Anh là hiện thân của một biến cố lịch sử ngàn năm một thuở. Uy tín của anh lên tới tận trời mây. Uy tín của Thầy tôi lên đến tận chín tầng trời mây thăm thẳm. Cả thủ đô từ bần dân đến hạng quyền quý đều khẳng định Thầy Giêsu là Đấng Cứu Thế.

Thượng tế Caipha và Công nghị phải họp khẩn cấp để đối phó với tình hình khẩn trương. Họ kết án tử hình vắng mặt cho Thầy của tôi. Họ kết án tử hình cho cả anh nữa. Họ ra vạ tuyệt thông cho bất cứ ai tin nhận Thầy của tôi là Đấng Cứu Thế. Bầu khí căng thẳng kinh khủng! Chính vì thế Thầy của tôi không muốn đến trọ ở nhà anh nữa. Cũng chẳng dám đến nhà ai nữa. Đến vườn Cây Dầu ngủ đêm, để khỏi làm phiền cho bất cứ ai. Tôi thương Thầy quá! Nhưng chẳng biết làm gì, chỉ cúi đầu làm thinh, chỉ biết khóc một mình...

4. Còn số phận của anh thì sao? Tôi tiếp tục đọc Tin Mừng. Không có một tin tức gì về anh. Biệt tăm.

Tôi lại tò mò. Tôi lại thăm dò. Tôi lại đoán mò. Và tôi lại thấy anh.

Tôi theo dõi thân phận của nhà văn Rushdy, tác giả của cuốn “Vần Thơ Quỷ”. Vị lãnh đạo cao cấp nhất của Hồi giáo ở Irăng là Khumêni. Ông đã tuyên bố công khai rằng: “Mọi tín đồ Hồi giáo trên khắp thế giới có nhiệm vụ phải giết Rushdy vì cuốn Vần Thơ Quỷ của hắn xúc phạm đến Đấng Mahômét”. Thế là cảnh sát nước Anh phải bỏ ra hằng triệu bảng Anh để bảo vệ mạng sống của công dân Rushdy.

Từ đó tôi hiểu rằng thân phận của anh cũng giống như thân phận của Rushdy. Hàng ngàn tín đồ Do Thái giáo cuồng tín sẵn sàng ăn thề để giết anh theo lệnh của Thượng tế Caipha. Rushdy thì được cảnh sát nước Anh bảo vệ. Còn anh thì... chỉ còn một cách là vượt biên. Nhưng anh vượt biên đến nước nào? Tôi lại đoán mò.

Vào thời Saolô bắt đạo, nhiều tín đồ của Chúa vượt biên trốn lên đảo Sip, đảo Crét. Có người đi xuống tận Kyrênê, thuộc nước Lybia bây giờ. Cuối cùng họ kéo nhau về Antiôkia.

Anh có đến những nơi đó không? Tôi tin là không, vì ở nơi nào cũng có nguyện đường Do Thái. Do đó nơi nào có người Do Thái thì mạng sống của anh vẫn chỉ như trứng treo đầu gậy.

Tôi tin chắc nịch là anh trốn lên Samari. Dù người Do Thái biết anh ở đó, thì cũng chẳng dám đến mà ám sát anh. Chính Saolô biết ở Samari có nhiều người theo Chúa, thế mà anh ta có dám đến đó để bắt đâu. Anh ta phải lên tận Đamát, phải mua hết tám ngày đường: gian khổ, tốn kém!...

Anh sống thế nào và làm gì để sống ở Samari?

Tôi biết anh rõ lắm. Anh hiểu hết tâm và tư của Thầy tôi. Anh yêu Người bằng tất cả tâm và tư của anh. Anh không sợ chết đâu. Anh còn muốn được chết vì Thầy của tôi nữa là đàng khác. Nhưng anh chưa cần phải chết. Anh muốn dành hết thời giờ còn lại để loan báo Tin Mừng. Tiền bạc, cơm áo... thì anh không thiếu. Hai chị Mácta và Maria chu cấp cho anh thừa mứa, đến độ anh phải la lên: “Thôi! Đừng lo cho em nữa”.

Anh yêu Thầy của tôi, nên anh cũng yêu tha thiết người nghèo. Anh hiểu tấm lòng của Thầy tôi nên anh rất yêu mến và kính trọng người Samari.

Luca kể lại trong cuốn Công vụ Tông Đồ rằng: “Miền Samari đã đón nhận lời Thiên Chúa”. Tôi hiểu thêm rằng: Giáo hội Samari vừa phát triển mạnh, vừa bình an vô sự. Đó là công lao của những tín hữu trốn cuộc bắt bớ của Saolô. Nhưng tôi nghi ngờ rằng anh là người có công nhất và là linh hồn của Giáo hội Samari. Cũng chỉ vì anh là bạn thân của Thầy tôi.

Anh Ladarô mến.

Anh là bạn thân của Thầy tôi. Anh yêu Thầy tôi. Tôi cũng yêu Ngài như anh. Vậy chúng ta là anh em. Và Thầy Giêsu là Thầy của chúng ta.

Thương anh vô vàn!

tin liên quan

Chia sẻ:

Bình luận

những bài viết của cha thường mang sắc thái và sức cuốn hút rất riêng. Đọc không bao giờ biết chán!
những bài viết của cha thường mang sắc thái và sức cuốn hút rất riêng. Đọc không bao giờ biết chán!

có thể bạn quan tâm

Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Thầy Giêsu của tôi là một sứ ngôn cao cả, là một siêu sao của thời ấy. Thế mà anh không khúm núm, không “kính nhi viễn chi”. Anh chơi thân với Thầy tôi như bạn bè.
Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Tôi quý mến anh và muốn biết thật nhiều về anh. Nhưng lịch sử thế giới không biết anh. Tôi mải mê đọc cuốn Tin Mừng thứ bốn, để may ra lượm được một nắm kỷ niệm về anh. Nhưng Gioan chỉ cho tôi một vài chi tiết thật nhỏ,...
Lá thư ngỏ gửi người phụ nữ Samari
Lá thư ngỏ gửi người phụ nữ Samari
Trưa hôm ấy: trời nắng chang chang, gió im phăng phắc. Thầy tôi ngồi một mình trên thành giếng. Hai bàn tay cài răng lược đặt hờ trên hai đùi khép kín. Mắt nhìn về xa xăm.
Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Thầy Giêsu của tôi là một sứ ngôn cao cả, là một siêu sao của thời ấy. Thế mà anh không khúm núm, không “kính nhi viễn chi”. Anh chơi thân với Thầy tôi như bạn bè.
Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Tôi quý mến anh và muốn biết thật nhiều về anh. Nhưng lịch sử thế giới không biết anh. Tôi mải mê đọc cuốn Tin Mừng thứ bốn, để may ra lượm được một nắm kỷ niệm về anh. Nhưng Gioan chỉ cho tôi một vài chi tiết thật nhỏ,...
Lá thư ngỏ gửi người phụ nữ Samari
Lá thư ngỏ gửi người phụ nữ Samari
Trưa hôm ấy: trời nắng chang chang, gió im phăng phắc. Thầy tôi ngồi một mình trên thành giếng. Hai bàn tay cài răng lược đặt hờ trên hai đùi khép kín. Mắt nhìn về xa xăm.
Lá thư ngỏ gửi ông Giaia
Lá thư ngỏ gửi ông Giaia
Ông Gia-ia ơi, từ giờ phút này, tôi không còn có thành kiến về ông nữa. Tôi thương mến ông quá chừng. Tôi lẽo đẽo đi theo Thầy. Tôi ghi khắc từng thái độ, từng cử chỉ nhỏ nhặt của ông.
Lá thư ngỏ gửi ông Nicôđêmô
Lá thư ngỏ gửi ông Nicôđêmô
Đêm hôm ấy, Thượng tế Caipha triệu tập Đại Công Nghị để họp khẩn cấp. Các Đấng Bề trên, các ông Pharisêu, các ông Kinh sư... Trùng trùng, điệp điệp. Và có cả ông nữa. Toàn là dân trí thức. Toàn là bậc thầy thuộc Thánh kinh làu làu.
Lá thư ngỏ gửi ông Dakêu
Lá thư ngỏ gửi ông Dakêu
Ông là người lớn mà leo lên cây để nhìn trộm, y như một thằng trẻ con. Tại sao ông lại có thể đánh mất mình một cách dễ dàng như thế? Nghĩ mãi tôi mới ngộ ra rằng khi người ta quá say mê một cái gì, thì dễ...
Lá thư ngỏ gửi phu nhân Gioanna
Lá thư ngỏ gửi phu nhân Gioanna
Tôi ngỏ bày hết tâm tư của mình cho Thầy, mong Thầy cho tôi biết thật nhiều về Chị. Thầy chỉ mỉm cười, vỗ nhẹ lên vai tôi, rồi nhỏ nhẹ tâm tình: “Một ơn gọi đặc biệt. Một ơn gọi hiếm hoi”.
Lá thư ngỏ gửi Tiểu Vương Philíp
Lá thư ngỏ gửi Tiểu Vương Philíp
Tôi đi từ Bắc chí Nam, từ nông thôn đến thành thị. Tôi lắng nghe lời bình luận của những cụ già đức độ và đầy kinh nghiệm. Tôi ghi nhận những thông tin dài vô tận của những người đàn bà ủng hộ quá khích quyền tự do ngôn...
Lá thư ngỏ gửi Tôma
Lá thư ngỏ gửi Tôma
Thầy quỳ gối, chắp tay, cúi đầu. Không động đậy, y như một pho tượng. Tớ cũng quỳ xuống, chắp tay, nhưng không cúi đầu, mà lom lom nhìn ngắm Thầy. Bỗng Thầy dang tay, ngước mắt nhìn trời. Nhìn lâu lắm.