Ông Nicôđêmô kính mến.
Hôm ấy, tôi thấy ông lò mò đi trong đêm tối. Tôi tò mò hỏi:
- Rápbi đi đâu đấy?
- Tôi đi đâu, kệ tôi!
Thấy ông lấm lét sợ hãi, tôi tránh mặt. Nhưng vẫn theo dõi... Ông đi về hướng đông núi Cây Dầu. Ông lấy gậy đập nhẹ cánh cổng nhà bà Mátta. Ladarô ra mở cổng, lắp bắp chào.
- Rápbôni! Thầy đi đâu vào giờ này?
- Cho tôi gặp Thầy Giêsu. Bí mật nha.
Ông ơi! Thầy Giêsu của tôi giảng dạy công khai. Quần chúng đến với Ngài trùng trùng điệp điệp như thác vỡ bờ. Không ai sợ hãi, chẳng ai dè dặt. Hà cớ gì ông phải lấm lét đến với Ngài như thế? Y như thằng ăn vụng. À, tôi biết rồi...
Giới lãnh đạo của các ông dùng nỗi sợ để khống chế tín đồ. Sợ Giavê trừng phạt như một tên nô lệ sợ ông chủ hà khắc. Chính Thầy của tôi đã thẳng thắn cảnh cáo các ông: “Khốn cho cả các ông nữa, hỡi các nhà thông luật! Các ngươi chất trên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi, còn chính các người, thì dù một ngón tay cũng không động vào” (Lc 11,46). Một người tín đồ của các ông là Kêpha sau này đã phải cay đắng nhận xét rằng những luật lệ ấy là cái ách quàng lên cổ tín đồ, mà từ thời cha đến thời con không ai vác nổi (Cv 15,10). Chính đường lối mục vụ của nỗi sợ ấy lại trở nên vũ khí tối tân bảo vệ Quyền và Lợi của giới lãnh đạo các ông. Chính vì thế uy tín của Thầy Giêsu càng lên cao thì uy tín của giới lãnh đạo các ông càng tụt xuống. Mà uy tín của các ông chẳng qua chỉ là “cái nồi” và “cái ghế”.
Nhưng rất may mắn, ông là một thiểu số nhỏ nhoi và cô đơn có lương tâm ngay thẳng, biết nhìn nhận lẽ phải. Ông tin thầy Giêsu có chân lý và là Đấng Thiên Sai. Chỉ tiếc một điều là cái thiện trong ông vẫn còn bé quá, vẫn bị cái ác lấn lướt. Ông tin Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, nhưng ông vẫn sợ gãy cái ghế và bể cái nồi. Ông là mẫu người trí thức vẫn còn tham, sân, si. Ông vẫn sợ mất quan điểm. Mất quan điểm thì mất quyền lợi. Theo Đức Giêsu, thì mất quyền lợi. Không theo Đức Giêsu thì lương tâm cắn rứt. Ông là người đau khổ vì sự giằng co giữa thiện và ác. Tôi đang tò mò theo dõi ông để xem cuộc chiến giữa thiện và ác trong con người trí thức có lương tri như ông.
Ông Nicôđêmô kính mến.
Hôm ấy, tôi thấy các vệ binh trở về tay không. Giới lãnh đạo các ông nổi giận tưng bừng.
- Tại sao chúng mày không điệu Giêsu về đây cho chúng ta?
- Ông ấy giảng hay quá! Chúng tôi không dám bắt đâu.
- Cả chúng mày nữa, chúng mày cũng bị nó mê hoặc rồi sao? Chúng tao có ai tin nó đâu. Chỉ có chúng mày là những thằng ngu mới tin nó thôi. Đồ khốn nạn! Đồ không biết Lề Luật!
Giữa những đấng bề trên đằng đằng sát khí, tôi thấy ông lắc đầu bất mãn. Nhưng tôi thấy ông vẫn sợ. Ông không dám mạnh dạn đấu tranh cho chân lý. Ông chỉ nhỏ nhẹ góp ý.
- Luật của chúng ta không cho phép kết án ai, khi chưa nghe, chưa biết người ấy nói gì và làm gì.
- Bộ ông cũng theo dân Galilê này hả? Ông thử đọc lại Thánh Kinh coi, có ngôn sứ nào xuất thân từ Galilê không?
Ông tiu nghỉu như con mèo bị cắt tai, không dám hé răng nói thêm một lời nào. Nghĩa là ông lại sợ mất quan điểm. Nghĩa là ông vẫn sợ “gãy ghế” và “bể nồi”.
Tôi thương ông quá chừng! Tôi thương cái thân phận của người trí thức, mới có chân lý ở trên đầu, nhưng chưa cảm nghiệm được chân lý ở trong tim. Tôi vẫn tò mò chờ đợi.
Ông Nicôđêmô kính mến.
Đêm hôm ấy, Thượng tế Caipha triệu tập Đại Công Nghị để họp khẩn cấp. Các Đấng Bề trên, các ông Pharisêu, các ông Kinh sư... Trùng trùng, điệp điệp. Và có cả ông nữa. Toàn là dân trí thức. Toàn là bậc thầy thuộc Thánh kinh làu làu.
Hội trường rộng thênh thang. Các hoa văn mạ vàng phản chiếu ánh sáng lung linh của rừng bạch lạp. Trang trọng vô cùng! Uy nghiêm vô cùng! Thánh thiêng quá chừng!
Thượng tế Caipha đứng dậy, dang thẳng hai tay như con đại bàng tung cánh. Hội trường im phăng phắc. Hàng ngàn ngọn bạch lạp lung lay như run sợ. Ông nổi cơn thịnh nộ: chân mày dựng đứng, cặp mắt tóe lửa, quai hàm bạnh ra, cả đến bộ râu cũng đồng lõa rung lên bần bật. Bàn tay ông khi thì nắm chặt lại như búa tạ. Khi thì mở ra và chém xuống như lưỡi kiếm của tên lý hình. Ông hét lên như con sư tử sắp vồ mồi:
“Giêsu chỉ là một tên thợ mộc bần cùng của một làng Nadarét quê mùa. Giêsu là một tên lộng ngôn, một tên phản đạo. Giêsu phá luật Môsê, chế giễu Môsê. Láo lếu tận cùng. Nó đáng chết. Nó phải chết”.
Có tiếng xầm xì. Tiếng xầm xì cứ lan ra mãi.
- Phản đạo mà cho Ladarô phục sinh được sao?
- Kết án tử hình, mà vắng mặt bị cáo thì có đúng luật không?
Thấy có nhiều cái đầu lắc lắc không đồng tình, Caipha dịu giọng như muốn năn nỉ, như muốn ve vãn:
“Tôi không cần biết tên Giêsu này nói gì và làm gì. Tôi chỉ biết chắc một điều là nếu dân chúng cứ ùn ùn đi theo hắn, thì... người La Mã sẽ đến phá Đền thờ này và tiêu diệt dân này. Đền thờ này là của Đức Chúa. Dân này là dân của Giavê. Các ông có đủ can đảm để theo hắn và để nơi thánh này bị chà đạp không? Theo thiển ý của tôi, thì hãy cho hắn chết, để cả nước được sống. Các ông nghĩ đi và hãy chọn một trong hai”.
Mọi người lấy hai tay ôm đầu. Có tiếng khóc nức nở, uất ức, hậm hực. Tiến thoái lưỡng nan. Không ai nỡ tâm thấy đền thờ của Chúa bị giẫm đạp.
Thấy cử tọa thấm đòn, Thượng tế Caipha vùng lên:
“Tôi nhân danh Giavê kết án tử hình tên Giêsu lộng ngôn. Tôi kết án tử hình luôn cả Ladarô, vì hắn chui ra từ trong mộ làm dư luận quần chúng nghiêng hết về tên Giêsu đáng nguyền rủa”.
Cả hội trường im phăng phắc. Chẳng biết nên thương ai? Thương ông Giêsu hay thương mình; cứu hiền nhân hay cứu dân tộc? Hằng trăm cái đầu trí thức rơi vào tình trạng u mê. Hằng trăm Đấng Bề trên ngồi trơ ra như bãi ốc bươu vàng ăn phải thuốc trừ sâu.
Bỗng tôi thấy ông đứng lên, giũ áo, giậm chân, nhổ toẹt một bãi nước miếng, rồi đùng đùng đi ra khỏi hội trường. Một vài người vội vã theo ông đi ra. Dường như ông Giuse là một trong số người đó.
Hàng loạt ánh bạch lạp phụt tắt. Hàng trăm Đấng Bề trên lầm lũi ra về. Đại Công Nghị kết thúc như thế đó. Căn phòng tối đen. Đầu óc tăm tối.
Trong bóng tối nhạt nhòa, tôi thấy ông và vài người bạn tâm phúc đang đốp chát nhau.
- Mày bênh ông Giêsu, thì tao không chống đối. Nhưng mày nhổ nước miếng và chửi thề Thầy Thượng Tế là quá đáng.
- Tao chịu hết nổi rồi. Tao là một thằng trí thức hèn. Vì tao hèn nên tao mới lén lút đi học “chân lý” ban đêm. Vì tao hèn, nên tao vẫn cứ ở trong “Bóng tối” để chống lại “Ánh Sáng”. Cũng chỉ vì sợ mất quan điểm. Cũng chỉ vì sợ gãy cái ghế và bể cái nồi. Cái ghế thì mọt đục ruỗng ra rồi. Cái nồi thì bé tí teo như cái niêu. Nhưng vì tao là thằng trí thức, nên tao chỉ đủ can đảm để hèn đến thế là cùng thôi. Hèn hơn thế, thì thằng trí thức này chịu không nổi. Tao tuyên bố thẳng với mày và với mọi người rằng: “Tao là môn đệ của Thầy Giêsu. Thà là chết với Thầy, chứ tao không thể sống hèn nữa”.
Sau một phút im lặng nặng nề, tôi nghe tiếng anh khóc khóc hậm hực. Khóc nức nở. Thấy anh khóc, tôi cũng khóc theo.
fh
Anh Nicôđêmô thân mến.
Tôi không thấy anh mừng lễ Vượt Qua. Tôi không thấy anh ăn uống gì cả. Tôi hiểu. Anh để tang Thầy. Đúng hơn, anh để tang cái án tử vắng mặt của Thầy.
Sáng thứ Sáu hôm ấy, tôi thấy anh để đầu trần. Hỏi tại sao, thì vợ anh nói rằng anh đã vứt bỏ cái khăn rápbi từ mấy bữa nay rồi. Cái khăn rápbi ấy tố cáo thái độ hèn hạ của anh. Anh vứt nó đi để rửa nhục. Anh để đầu trần, mặc áo tang, ra chợ mua 100 cân lô hội và mộc dược, để chuẩn bị làm lễ an táng cho Thầy.
Giới trí thức ở thủ đô vẫn kính trọng anh, nhưng hầu hết đều quay mặt đi chỗ khác, để khỏi bị đánh giá là mất quan điểm. Vài người trong nhóm họ gọi anh là thằng khùng. Anh làm bộ điếc không thèm nghe. Trước đây anh chịu hèn để ôm cái ghế và bế cái nồi. Bây giờ anh tự nguyện đạp đổ cái ghế và đập bể cái nồi, để minh chứng cái cao thượng của một người trí thức chân chính.
fh
Anh Nicôđêmô thân mến.
12 giờ trưa thứ Sáu, Thầy tắt thở.
Bối rối quá chừng! Giới hâm mộ Thầy thì trùng trùng điệp điệp. Nhưng tất cả đều chỉ biết cúi đầu, đấm ngực và làm thinh, vì sợ vạ tuyệt thông của Thượng Tế. Mẹ của Thầy, thân nhân của Thầy, đệ tử của Thầy, từ miền Bắc về đây, lớ ngớ như nai tơ lạc vào thành phố. Đành bó tay. Chỉ còn anh và ông Giuse. Trăm dâu đổ đầu tằm. Anh và ông Giuse đôn đáo lo đủ mọi chuyện từ khâu ngoại giao, đến thủ tục hành chánh; từ khâu tháo đinh, hạ xác đến khâu tẩn liệm theo đúng nghi thức đạo và đời. Hai anh hì hục làm, miệng câm như hến, mà lòng thì quặn đau. Thương quá! Tức quá! Tủi quá!
Lễ an táng của Thầy rất chu đáo. Ngôi mộ của ông Giuse thì khỏi chê. Một trăm cân lô hội và mộc dược của anh thì quá đầy đủ. Tôi cám ơn hai anh vô cùng! Tôi cảm phục hai anh quá chừng!
Anh Nicôđêmô thân mến.
Tôi xin được ôm anh, áp má anh để thương anh, để kính trọng anh. Từ nay không còn quyền lợi để nuối tiếc. Không còn nỗi sợ để lo âu. Từ nay chúng ta chỉ còn một Thầy Giêsu để yêu mến, để ngưỡng mộ và để rao giảng.
Bình luận