Chị Gioanna quý mến!
Hôm ấy chị gia nhập đoàn truyền giáo của Thầy. Sự hiện diện của Chị làm bùng vỡ dư luận ở thị trấn Caphácnaum. Đàn ông thì tấm tắc khen ngợi. Đàn bà thì xáo xác truy tìm lý lịch. Còn tôi thì lẳng lặng lắng nghe. Tôi đi tìm những người đàn ông từng trải nhất và những người đàn bà vô tư nhất để hỏi. Họ cho biết chị là phu nhân của ngài Khugia, quản lý của vua Hêrôđê. Nghe tin ấy, tôi ngẩn người ra. Bỡ ngỡ quá chừng!
Tôi ngỏ bày hết tâm tư của mình cho Thầy, mong Thầy cho tôi biết thật nhiều về Chị. Thầy chỉ mỉm cười, vỗ nhẹ lên vai tôi, rồi nhỏ nhẹ tâm tình: “Một ơn gọi đặc biệt. Một ơn gọi hiếm hoi”. Thầy chỉ nói có thế, rồi bỏ đi. Thầy có trăm việc để làm. Tôi chỉ tiếc, mà không dám buồn. Tiếc hùi hụi! Tiếc mãi!
Từ hôm ấy, tôi theo dõi Chị, ngẫm nghĩ về Chị, để tìm ra cái đặc biệt và cái hiếm hoi của một ơn gọi.
1. Chị Mácđala có rất nhiều nhận xét về Chị. Dáng vóc thướt tha, nụ cười thân thiện. Ánh mắt hớp hồn. Giọng nói truyền cảm. Chị có sức chinh phục người quyền quý. Chị có khả năng bao bọc và vỗ về người cô đơn. Chị là người thượng vàng, hạ cám: ngước nhìn lên để chinh phục; cúi mình xuống để cứu vớt. Không ai nỡ tâm ghét Chị. Không ai cả dám coi thường Chị. Chị là mẫu người mà Mácđala phải chắp tay, cúi đầu, tuyên bố lẹ một câu: “Tuyệt vời!”.
Tôi đem chuyện này khoe với Thầy, để xin Thầy cho Mácđala một lời khen. Thầy không tỏ vẻ chuẩn thuận, cũng không tỏ vẻ chống đối. Thầy chỉ mỉm cười và thì thầm: “Biết bao nhiêu nỗi đau được xoa dịu! Biết bao nhiêu giọt lệ được lau khô!” Thầy ngước mắt nhìn trời. Chớp chớp. Cảm động…
2. Hai anh lính cận vệ đang ngồi gác chân chữ ngũ, bàn chuyện “thiên hạ sự”. Nét mặt đăm chiêu, giọng nói trang trọng. Dường như họ bàn chuyện của thượng cấp. Tôi chạy tới, nâng bầu rượu lên, mỉm cười với họ. Họ mỉm cười thân thiện với tôi, ngồi xích sang hai bên, nhường cho tôi một khoảng trống ở giữa. Tôi vặn nút bầu, vứt đi. Ba ánh mắt chạm nhau.
Rượu vào thì lời ra. Tình nghĩa chan hòa. Chưa quen đã thân. Chưa thân đã thương. Rượu dẫn ý và lời lên đỉnh cao của công tác kiểm tra.
Chị Gioanna quý mến.
Từ trên đỉnh cao ấy tôi thấy tất cả tâm và tư của triều đình vua Hêrôđê.
Vua Hêrôđê nhớ hết mọi lời Thầy giảng. Bao nhiêu người mù thấy đường, bao nhiêu người què nhảy như nai, bao nhiêu người câm nói chuyện như ngô rang… ông đều ghi khắc trong lòng. Ông mơ ước một ngày nào đó, đích thân ông được gặp Thầy, được ngỏ bày tâm sự với Thầy.
Bá quan văn võ, các bà mệnh phụ đều rối rít rủ nhau đi nghe Thầy giảng và coi Thầy làm phép lạ.
Cứ mỗi lần Chị đi truyền giáo về, thì triều đình lại rộn lên niềm vui. Vua quên việc triều chính, lính quên việc canh gác. Người ta thì đua nhau hỏi. Chị thì gồng mình lên để trả lời. Giọng nói của Chị, ánh mắt của Chị, nhan sắc của Chị... Cái gì cũng có sức thuyết phục.
Cứ mỗi lần Chị khăn gói lên đường truyền giáo, thì cả triều đình lại thở dài nuối tiếc. Vua Hêrôđê tiễn chân Chị bằng một cái nhìn nuối tiếc. Phu quân của Chị thì bất bình ra mặt. Nhưng Chị chỉ nhìn đáp lễ một cái là ông giơ tay đầu hàng ngay. Thua để thắng. Thua là thắng. Ông nghĩ vậy.
Chị Gioanna ơi!
Tôi đem chuyện “rượu tình” kể cho Thầy nghe, mong Thầy cho Chị một lời khen. Tôi ngước mắt nhìn mặt Thầy và chờ. Chờ mãi chả thấy Thầy khen. Thầy ngước mắt nhìn trời, ngẫm nghĩ một lát, rồi thì thào: “Một đặc sủng của Thần Khí. Hãy cầu nguyện để có nhiều đặc sủng”. Tôi hơi thất vọng. Nhưng không dám giận Thầy. Thầy lớn quá! Cao cả quá! Đành ghi khắc trong lòng để ngẫm nghĩ.
3. Tôi gặp lại hai anh lính cận vệ. Lại ngồi giữa hai anh với hai bầu rượu đầy ắp. Lại rượu vào lời ra. Lại tình nghĩa chan hòa. Họ lại kể chuyện cung đình.
Vua Hêrôđê muốn gặp Thầy Giêsu mà không được. Ông nôn nóng để thấy tận mắt “ngôi sao sáng” của làng quê Nadarét. Ông muốn đích thân phỏng vấn để xem tại sao “ngôi sao sáng” ấy lại xuất hiện trên bầu trời Nadarét… Ông tự đặt câu hỏi:
Lịch sử có sai lầm không nhỉ? Từ ngày vua Đavít vứt dép để chiếm ngọn đồi Xion cho tới nay, chưa có một vị sứ ngôn nào xuất thân từ Galilê, huống hồ là Nadarét. Nhưng ông Giêsu vĩ đại này lại đích thực là người Nadarét. Chuyện kỳ cục có thật.
Phải chăng ông Giêsu này là một ngôn sứ đã về sum họp với tiên tổ, nay lại tiếc nuối để trở về với cõi hồng trần. Có thể là thế. Nhưng tại sao lại là thế? Bế tắc!
Rất có thể đây chỉ là Gioan Tẩy Giả tái giáng. Phải là Gioan mới làm được những việc vĩ đại như thế. Nhưng rõ ràng là mình đã chặt đầu Gioan rồi kia mà. Lại bế tắc.
Chị Gioanna ơi!
Cái đầu của ông Hêrôđê đang rối nùi lên như thế. Chị ở đâu mà không giải thích cho ông ấy? Cái giọng nói ngọt ngào của Chị, cái ánh mắt trìu mến của Chị … Chị để ở đâu mà không lấy ra để thuyết phục?
Tôi thắc mắc như thế với hai anh cận vệ, thì họ bảo rằng: “Đã lâu lắm rồi không thấy bà ấy về”. Thì ra thế.
Cỏ lùng đang được gieo vào ruộng lúa mì đấy Chị ạ. Cảnh giác nhá!
4. Đã lâu lắm rồi, tôi không muốn nghĩ về Chị nữa. Tôi buồn. Tôi giận Chị.
Sau khi Thầy thọ nạn, phục sinh và thăng thiên tôi lại muốn nói chuyện với Chị, để tháo gỡ một thắc mắc, mà chỉ một mình Chị làm được thôi.
Trong khi vua Hêrôđê có thiện cảm với Thầy và ao ước được gặp Thầy, thì Thầy cứ… coi như không. Thậm chí có một lần Thầy còn gọi ông ta là “Con cáo già”. Tại sao vậy?
Khi Philatô cho dẫn độ Thầy qua tòa án của Hêrôđê, thì ông ta mừng quá. Nhưng lại mừng hụt, vì Thầy không thèm nói một lời nào với ông ấy. Ông ta chất vấn, Thầy ngậm miệng, y như không nghe không thấy, khiến ông ấy giận dữ gọi Thầy là “Thằng khùng”. Rồi ông ấy cho dẫn độ Thầy trả lại cho Philatô. Tại sao Thầy có thái độ đó. Chị ơi?
Chị Gioanna quý mến.
Tôi ngẫm nghĩ mãi về điều ấy. Nghĩ mãi mà chẳng nghĩ ra. Tôi hỏi thật Chị nha: “Chị có hiểu ý của Thầy không?”. Chị im lặng, cúi đầu. Tôi đành chịu thua. Liệu thời gian có trả lời không? Chị lại im lặng, lại cúi đầu.
Chào Chị. Tôi chưa buông tha Chị đâu. Chị đừng yêu Thầy một mình như thế nhá.
Bình luận