Tôma mến!
Tối hôm ấy chúng mình theo Thầy lên núi. Chúng mình dựng lều để ngủ đêm. Còn Thầy thì lững thững đi về phía cây cổ thụ, ngồi một mình, có vẻ trầm tư.
Nhâm nhi với các cậu hết một bầu, thì tớ làm bộ đi ra ngoài có việc cần. Thật tình mà nói, tớ lò mò đi xem Thầy cầu nguyện. Tớ núp trong lùm cây. Chỉ để hở hai con mắt.
Thầy quỳ gối, chắp tay, cúi đầu. Không động đậy, y như một pho tượng. Tớ cũng quỳ xuống, chắp tay, nhưng không cúi đầu, mà lom lom nhìn ngắm Thầy. Bỗng Thầy dang tay, ngước mắt nhìn trời. Nhìn lâu lắm. Dường như Thầy thấy Đấng vô hình. Thầy mấp máy môi, thì thầm tha thiết.
Tớ nghe câu được câu không. Nhưng tớ hiểu là Thầy xin Chúa Cha chọn cho Thầy mười hai môn đệ thân tín, để khi Thầy về với Chúa Cha thì có người thừa kế, thực hiện chương trình cứu độ cần được phổ biến đến tận cùng trái đất.
Quá nửa đêm, Thầy vẫn say mê cầu nguyện. Tớ trở về lều. Các cậu nằm ngổn ngang. Thở phò phò ngáy pho pho. Mùi rượu phảng phất, chua chua, nồng nồng. Không còn chỗ trống, tớ đành ra ngoài bìa, nằm cô đơn. Chân phải gác lên chân trái. Tay trái kê làm gối đầu. Tay phải vắt ngang trán. Suy nghĩ mông lung.
Tớ thầm nghĩ trong bụng: thế nào tớ cũng được Thầy chọn vào “nhóm mười hai”. Còn cậu thì rớt cái ạch. Chắc như đinh đóng cột.
Sáng hôm sau, Thầy tập trung anh em. Tớ vừa đi vừa nhún nhảy như con sáo sậu. Các cậu thì lớ ngớ chẳng hiểu gì. Thầy đọc danh sách nhóm mười hai. Phêrô đứng đầu. Cậu đứng thứ tám. Còn tớ thì hẫng. Tớ gục mặt, cắn răng. Tớ hậm hực đặt vấn đề: tại sao cậu được chọn, mà tớ thì rớt? Cậu hơn tớ cái gì? Từ khả năng đến tính nết, cậu đều thua xa tớ. Tớ giận Thầy. Nhưng hễ cứ nhìn mặt Thầy và thấy cặp mắt của Thầy, thì tớ lại thôi không dám giận nữa. Nhưng với cậu thì tớ không bỏ qua được. Tớ phân tích tâm lý của cậu, tớ theo dõi cuộc đời của cậu. Bây giờ thì cậu hãy bình tĩnh nghe thành tích nghiên cứu của tớ.
1. Thầy trò chúng mình đang truyền giáo ở Miền Bắc, thì chị Mátta cho người ra báo tin khẩn: “Ladarô người Thầy yêu đang đau nặng”. Nét mặt Thầy không thay đổi, trả lời một cách vô tư: “không sao đâu…” Người loan tin tỏ vẻ thất vọng, lủi thủi ra về. Tớ nhìn Thầy một cái, rồi cúi mặt làm thinh. Ngẫm nghĩ mà chả hiểu gì.
Một ngày trôi qua. Hai ngày trôi qua. Ngày thứ ba Thầy phấn khởi hô: “Vô Nam”. Đứa nào cũng trợn mắt lên, đua nhau phản đối.
- Thầy vô Nam làm chi vậy?
- Người ta đang đòi ném đá Thầy, mà Thầy không quan tâm sao?
- Tụi con hổng dám đâu.
...
Thầy nghiêm giọng, nói như đọc tuyên ngôn: “Đi ban ngày thì không vấp ngã, vì có ánh sáng. Đi ban đêm thì vấp ngã, vì không có ánh sáng”. Thầy nói thì Thầy nghe. Chúng mình thì như vịt nghe sấm. Ngơ ngơ nhìn nhau. Chả hiểu Thầy muốn nói gì. Thấy chúng mình tối dạ quá, Thầy mỉm cười độ lượng. Sau vài phút im lặng nặng nề, Thầy lại mỉm cười và nói nho nhỏ, vừa đùa vừa thật:
- Chúng ta vô Nam để đánh thức Ladarô bạn của chúng ta. Anh ta đang ngủ.
Thế là chúng mình lại nhao nhao lên:
- Thưa Thầy, anh ta ngủ, thì anh ta sẽ thức. Cần gì phải vô đó mà lay anh ta dậy?
Thầy lấy bàn tay che nửa miệng, nói thì thào vào tai chúng mình:
- Ladarô chết rồi! Thầy mừng cho các anh, vì nhờ đó mà đức tin của các anh lớn lên.
Chúng mình lại ngơ ngơ nhìn nhau. Tớ thấy cậu nghếch mặt lên, môi trề ra, nói một câu xanh dờn: “Nào chúng ta cùng vô Nam, để cùng chết với Thầy”. Những người đơn sơ chỉ nghe cậu nói mà không nhìn mặt cậu, thì tưởng là cậu có tinh thần cao cả, sẵn sàng xả thân vì Thầy và với Thầy. Nhưng cậu không qua mặt tớ được đâu. Cậu là mẫu người chuyên môn móc họng thiên hạ. Giọng của cậu lúc nào cũng chua lè như giấm. Cậu bất bình với Thầy, nói móc Thầy đấy…
2. Tối hôm ấy, Thầy trò ngồi tâm sự với nhau. Thầy yêu trò. Trò mến Thầy. Thầy trầm tư, giọng buồn buồn. Trò im lặng lắng nghe. Vừa buồn, vừa thương. Thầy nói bóng nói gió về một cuộc hành trình xa xôi vạn dặm. Thầy ngặm ngùi vì phải về với Chúa Cha, mà để lại một đám học trò non dại. Thầy bảo Thầy chỉ tạm biệt, chứ không vĩnh biệt. Đi để dọn chỗ. Đi rồi trở lại… Không ai hiểu lời Thầy, nhưng ai cũng đoán mò là sắp có một chuyện buồn lắm. Thấy cặp mắt nào cũng thắc mắc, nét mặt nào cũng u buồn, Thầy buông nhẹ một câu, như để xí xóa: “Thầy đi đâu thì anh em biết đường cả rồi”. Thầy vừa dứt lời, cậu bụp ngay một phát: “Thầy đi đâu, chúng con còn chưa biết, thì làm sao mà biết được đường Thầy đi”. Thầy chỉ cười xòa. Nhưng tớ lườm cậu một cái, để dạy cậu một bài học: “Đừng hỗn với Thầy”. Mặt cậu vẫn trơ ra như đá. Vua lì!
3. Tớ không được tuyển chọn vào “nhóm Mười Hai”, nhưng tớ lúc nào cũng thập thò ở sau lưng các cậu. Chẳng có chuyện gì trong nội bộ các cậu, mà tớ không biết. Giuđa phản bội, tớ biết. Các cậu ngu ngơ không biết gì, tớ cũng biết. Trong vườn Cây Dầu, Thầy cầu nguyện ở chỗ nào, tớ biết. Ba lần Thầy năn nỉ van xin các cậu tỉnh thức cầu nguyện, để khỏi sa ngã, tớ biết hết. Các cậu lăn lưng ra ngủ, tớ biết. Anh nào ngáy to, tớ cũng biết.
Khi Thầy bị bắt, các cậu bỏ chạy tán loạn. Nhưng sau đó anh em vẫn lo đi tìm nhau, chia sẻ nỗi buồn với nhau. Chỉ một mình cậu là trốn biệt. Từ chiều thứ sáu đến sáng sớm Chúa nhật, trọn ba mươi sáu tiếng đồng hồ, ai nấy đều buồn đến tuyệt vọng. Nhưng nhóm mười hai vẫn ngồi bên nhau. Trừ tên Giuđa phản Thầy và cậu, mọi người gần như quên bạn. Cậu không có một tí tinh thần huynh đệ nào hết. Cậu bỏ trốn đi đâu, không ai biết mà liên lạc. Tính nết của cậu, lập trường của cậu lúc nào cũng là “Sống chết mặc bay, thằng này phải sống”.
Khi thấy tình hình hơi êm, cậu mò về. Ai cũng thắc mắc hỏi tại sao cậu bỏ rơi anh em, thì cậu chỉ cười trừ, lòi hai cái răng nanh nhọn hoắt, đứng ngoài hàng, ngạo nghễ chọc vào mắt thiên hạ. Các bà khoe đã gặp Thầy, cậu dề môi chế nhạo: “Đàn bà nhẹ dạ”. Anh em quả quyết đã được Thầy hiện ra và cùng ăn cá nướng với Thầy, thì cậu chê là: “Giống đàn bà”. Bảo là cậu ngang như cua, thì chẳng oan ức chút nào. Còn tớ thì thấy cậu ngang hơn cua. Vừa ngang vừa ngạnh… Chị Mácđala già tay ấn như thế, mà cũng chỉ biết le lưỡi lắc đầu, buông nhẹ một câu: “Gặp Tôma, quỷ ma cũng phải chạy”. Cậu coi tập thể chúng tớ không bằng cái ngón tay của cậu. Cậu cứ một mực cãi: “Chừng nào ngón tay này rờ được vào vết đinh ở tay, ở chân của Thầy, thì thằng này mới tin…” Ngang đến thế là cùng!
Một tuần sau Thầy lại hiện ra, nhìn thẳng vào mặt cậu. Chừng đó cậu mới hết ngang ngược. Tớ thấy cậu quỳ mọp xuống, lạy Thầy lia lịa. Tớ nói thầm trong bụng: “Nghe rõ chưa: Phúc thay người không thấy mà tin. Đừng cứng lòng nữa!”. Dường như từ hôm ấy, tớ thấy cậu khiêm tốn hơn nhiều.
4. Sau khi Thầy về với Chúa Cha, tớ thấy anh em đều bung ra đi truyền giáo. Nhưng tất cả đều đi trong vùng Địa Trung Hải. Còn cậu thì đi đâu không biết. Tớ nghe đồn là cậu đi sang tới tận Ấn Độ, một nước cực Viễn Đông, ở tận cùng trái đất.
Không còn thấy cậu nữa, tớ lại suy nghĩ về Thầy. Nếu tớ là Thầy, thì cậu bị sa thải từ lâu rồi. Nhưng vì Thầy không phải là tớ, nên cậu vẫn được yêu thương, trìu mến. Cậu cứng đầu, Thầy vẫn nhẫn nại chờ đợi. Cậu thiếu xã hội tính, Thầy vẫn chấp nhận và biến cậu trở thành một nhà truyền giáo dám đi xa nhất. Đi một mình. Chết một mình. Biệt tăm vô âm tín. Nhưng nhờ cậu mà Tin mừng được loan đi xa đến như thế.
Tôma mến.
Bây giờ tớ mới hiểu cái tâm và cái ý Thầy dành cho cậu. Tớ thương Thầy nhiều hơn và thông cảm với cậu nhiều hơn. Cậu bỏ lỗi cho tớ nhé.
Lá thư ngỏ gửi anh Saolô
Anh Saolô thân mến!
Tôi chỉ biết anh do một chuyện tình cờ. Hôm ấy tôi đi xem vụ ném đá ông Têphanô. Têphanô là một người lương thiện. Nhưng ông bị bọn quá khích đánh đòn hội chợ, chỉ vì ông tuyên xưng Đức Giêsu Nadarét là Đấng Cứu Thế. Ông dùng lời sứ ngôn để minh chứng Đức Giêsu đã bị đóng đinh, đã chết và đã sống lại. Bọn quá khích kết án ông là xúc phạm đến Giavê và Môsê. Họ ném đá ông về tội lộng ngôn.
Tôi đứng xem như một người khách bàng quan. Tôi thấy ông Têphanô ngước mắt nhìn trời, y như ông thấy Đấng vô hình. Giữa trận đá ném như mưa, mà miệng ông vẫn cứ mấp máy, vẫn cứ thì thầm: “Lạy Chúa, xin tha tội cho họ và xin đón lấy linh hồn con”. Đáng thương quá chừng! Đáng mến vô cùng! Cái chết bao dung của Têphanô khiến tôi ngậm ngùi, suy nghĩ về Đức Giêsu của ông.
Trong khi đó, tôi thấy anh đứng thẳng băng, hai tay chống nạnh, cặp mắt hằm hằm. Chờ cho đến khi ông Têphanô ngã gục trên vũng máu, anh mới thôi đằng đằng sát khí và quay gót ra về.
Sung sướng! Vênh váo!
Thương ông Têphanô chừng nào, tôi cũng ghét anh chừng nấy. Từ hôm ấy, tôi tò mò theo dõi và tìm hiểu về anh. Bây giờ thì tôi nắm gọn lý lịch của anh trong hai bàn tay của tôi. Tôi hiểu rõ về anh còn hơn là tôi hiểu về mười ngón tay của tôi.
1. Bố anh là người Do Thái chính cống: ái quốc và trung thành với luật Môsê. Không chịu nổi ách thống trị của đế quốc Rôma, bố anh di tản sang Tácxô. Tácxô cũng là thuộc địa của đế quốc Rôma, nhưng là thành phố khá tự do. Là một hải cảng quy tụ đủ các màu da từ da trắng của Âu Châu, đến da đen của Trung Phi, từ da vàng của Á Châu đến da xam xám của Bắc Phi. Đã đa chủng thì cũng đa văn hóa và đa tôn giáo. Bố anh là người trải đời biết chọn đúng chỗ để kinh doanh thương mại. Anh đã sinh ra và lớn lên tại thành phố này, một thành phố văn minh và trù phú, chỉ đứng sau Rôma và Alécxandria mà thôi. Có lẽ nhờ đó mà anh có một kiến thức khá rộng.
2. Là một thanh niên thông minh, nhưng lại ngang bướng. Cứ nhìn cái tướng của anh là tôi có thể đọc vanh vách:
Trán cao: thông minh
Trán vồ: bướng bỉnh
Mặt tam giác: hiếu chiến, hiếu thắng
Chân mày rậm: tướng của lãnh tụ
Mắt sâu và hấp háy: tinh nghịch và độc ác
Nhân trung dài: ngạo đời, biếm đời
Môi hơi hơi dày: tình cảm ướt át
Lưng không dài nhưng vai lại rộng và vai u thịt bắp: giàu nghị lực, nhưng kiêu ngạo
Bố anh rất hãnh diện về sự thông minh của anh, nhưng vẫn nơm nớp sợ anh sẽ hư hỏng, nên đã cho anh về du học tại thủ đô Giêrusalem. Ông hy vọng anh sẽ yêu tổ quốc và đồng bào hơn khi ở nước ngoài. Nhưng điều mà ông quan tâm nhất là để anh được học đạo với tôn sư Gamalien. Về nơi ăn chốn ở thì quá thuận tiện, vì anh có chị ruột đang sinh sống tại Giêrusalem. Đúng là kế hoạch tuyệt vời: nhất cử, mà tam tứ tiện!
3. Khi anh về Giêrusalem để học đạo, thì Đức Giêsu đã về trời được chừng sáu năm rồi, nên anh không được may mắn gặp Người và nghe Người giảng. Đáng tiếc vô cùng!
Lúc đó anh được bao nhiêu tuổi nhỉ? Người ta hỏi tôi, tôi không biết. Tôi hỏi người ta, thì chẳng ai trả lời chính xác. Đành đoán mò vậy. Nhìn nước da và dáng đi của anh, thì tôi cho rằng lúc đó anh chưa quá hai mươi sáu tuổi. Ở tuổi ấy, người ta đã khôn lắm rồi, nhưng vẫn chưa “tam thập nhi lập”, vẫn còn hung hăng bọ xít.
Bố con anh đều thuộc nhóm Pharisêu: kiêu ngạo và cuồng tín; lúc nào cũng tưởng mình là số một, lúc nào cũng cho mình là người có chân lý tuyệt đối. Chính vì thế anh chỉ thấy Đức Giêsu là một tên phá luật, phá đạo mà quên rằng chỉ một mình Người mới là mạc khải trọn vẹn của Chúa Cha. Môsê chỉ là học trò của Đức Giêsu. Các sứ ngôn chỉ là người chờ mong ngày Người giáng trần mà thôi.
Thế là anh đem hết khả năng và tâm sức để tiêu diệt tín đồ của Đức Giêsu. Ông Têphanô là nạn nhân đầu tiên của anh. Sau này tôi mới biết anh là linh hồn của cuộc tàn sát dã man hôm ấy. Anh chỉ đứng nhìn mà không ném đá. Ném đá là việc của đàn em … Gớm thật!
4. Vì quá ghét “Bọn Kitô”, anh bỏ quên cả việc học hành, quên luôn cả việc cưới vợ. Ngày ngày anh sục sạo tìm kiếm tín đồ của Chúa để bắt trói. Trói đàn ông, trói cả đàn bà, giải về các hội đường để tra tấn, để ném đá. Tín đồ của Chúa bỏ chạy tán loạn. Người giàu thì vượt biên trốn sang đảo Síp, đảo Krét. Thậm chí có người xuống tận Kyrênê hoặc lên tận Antiôkia. Người nghèo thì khăn gói trốn vào miền Samari. Samari là mảnh đất bị vạ tuyệt thông mà anh không bao giờ dám đặt chân tới. Cứ nghe nói đến tên Saolô là mọi người đều le lưỡi và sợ co rúm lại.
Khi không còn tìm được “Bọn Kitô” trong nước, anh xin Thượng tế cho giấy giới thiệu để tìm bắt họ ở nước ngoài nữa. Y như một thằng điên. Y như một con cọp cái …
4. Từ Giêrusalem, anh khoanh tay đứng nhìn về hướng Bắc. Anh nghĩ đến Đamát ở tận bên kia dãy núi Libăng, cách xa thủ đô Giêrusalem hơn 200 dặm rôma. Ở đấy có nhiều người Kitô tị nạn. Cơn giận bùng nổ. Anh quyết tâm đích thân đến tận nơi để bắt trói họ, dẫn độ về thủ đô, bất chấp một cuộc hành trình dài hơn một tuần lễ. Chỉ nội ngày hôm sau, anh và đoàn tùy tùng cưỡi ngựa lên đường. Ngựa phi nước đại, ngựa đi nước kiệu, ròng rã suốt tám ngày trời …
Cổng thành Đamát đã hiện ra trước mắt. Ánh mặt trời ban trưa đổ xuống như lửa thiêu. Mồ hôi vã ra như tắm. Mồ hôi ngựa như bốc hơi. Anh vẫy tay ra lệnh cho đoàn kỵ mã nhập thành. Bỗng có một luồng ánh sáng nhá lên làm mờ cả mắt. Con ngựa hốt hoảng nhảy chồm lên, hất anh ngã lăn đùng xuống. Một giọng nói nghiêm nghị văng vẳng bên tai:
- Saolô! Saolô! Tại sao ngươi bắt bớ Ta?
- Lạy Ngài, Ngài là ai?
- Ta là Giêsu ngươi đang tìm bắt. Khốn cho ngươi, vì ngươi dám giơ chân đạp mũi nhọn.
- Lạy Ngài, bây giờ tôi phải làm gì?
...
Anh Saolô thân mến!
Tôi không biết bây giờ anh đang ở đâu. Nhưng dù ở phương trời nào, thì anh đã là người hoàn toàn thua trận. Ý chí của anh, thể lực của anh đang nhão ra như một mẹt bánh đúc thiu. Tôi hy vọng anh đã mở mắt ra và đã thấy Đức Giêsu mà anh ghét cay ghét đắng chính là Đấng Cứu Thế mà dân tộc ta đã trông chờ từ hơn một thiên niên kỷ.
Dù không biết anh đang ở đâu, tôi vẫn đoán mò là anh đang ở Tácxô. Anh đang ngẫm nghĩ sự đời. Anh đang hối hận vì đã bắt bớ con cái của Đấng Cứu Thế. Nhưng, anh Saolô ơi! Có một điều anh không ngờ và không hề hay biết. Đó là chính vì anh bắt bớ đạo Chúa mà đạo Chúa đang bùng phát tại Samari. Dân Kitô tị nạn từ Giêrusalem và Giuđê mà lên Samari. Người Samari rất ghét người Do Thái chúng ta, nhưng lại rất yêu người Kitô, không phân biệt họ là Do Thái hay không Do Thái. Họ giơ vòng tay thật rộng đón nhận Kitô hữu tị nạn. Họ đón tiếp. Họ cho ở. Họ cho cơm ăn và việc làm. Nhất là họ ùn ùn tin theo Đức Giêsu và đang tạo thành một Giáo Hội vừa phồn thịnh, vừa bình an vô sự.
Đây là nhận xét cuối cùng của tôi: “Nếu anh không bắt đạo tàn nhẫn như thế, thì đạo đã không phát triển được như hôm nay đâu”.
Anh là một tên phá đạo. Nhưng Chúa lại biến cái ác của anh trở thành cái thiện của Người. Anh đốt rừng thành tro, Chúa lại dùng tro ấy để biến rừng thành vườn cây ăn trái rất màu mỡ.
Anh hãy sám hối. Anh hãy đền tội. Nhưng anh hãy vui mừng vì Tin Mừng đang bùng vỡ đấy.
Anh là một bài học lớn, một bài học đắt giá cho chính anh và cho lịch sử loài người.
Bình luận